Tìm giải pháp đột phá để phát triển nhanh, bền vững vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
Cần chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành những sản phẩm, công trình, giá trị cụ thể, tạo động lực phát triển.
Vùng còn nhiều tiềm năng, dư địa
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng vào sáng nay (5/2) tại tỉnh Bình Định, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Nghị quyết 26-NQ/TW, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của vùng; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để triển khai Nghị quyết 26 và Chương trình hành động của Chính phủ, từ đó khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đạt được các mục tiêu.
Với chủ đề “Liên kết – Đột phá từ kinh tế biển – Phát triển nhanh và bền vững”, các đại biểu tập trung phân tích các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, logistics, kinh tế biển, các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, nông nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ gắn với biển, di tích văn hóa, lịch sử của Vùng, huy động nguồn lực, chuyển đổi số…
Theo ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có nhiều lợi thế để đón trước các xu thế phát triển của thời đại. Qua đó giúp Việt Nam hòa nhập với các "luật chơi mới" về tăng trưởng xanh toàn cầu; xây dựng kinh tế hướng biển với tiềm năng về hàng hải, du lịch, các nguồn tài nguyên, khoáng sản biển sâu, hải sản… dựa trên kinh tế biển xanh và quản trị biển, đại dương bền vững. Đồng thời kết nối mở cửa, hội nhập với quốc tế thông qua vành đai Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương (tuyến hàng hải thứ 2 thế giới) và tiểu vùng Mê Kông - ASEAN để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực phát triển…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các giải pháp phát triển các ngành kinh tế biển, bảo đảm gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; nhất là trong khai thác, sử dụng khoáng sản và phát triển tài nguyên rừng, đất rừng, tài nguyên biển…
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, yếu tố quan trọng nhất là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo của địa phương. Các bộ ngành Trung ương tập trung xây dựng quy hoạch, ban hành quy định minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tiếp đến về huy động nguồn lực, ông Trần Du Lịch cho rằng cần tạo cơ chế thông thoáng và an toàn nhất để đẩy mạnh hợp tác công - tư. Mặt khác, giao thông đến đâu sẽ tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới tới đó.
Ông cho biết thêm chỉ riêng tuyến đường ven biển, nếu khai thác tốt quỹ đất, Bình Định và các địa phương sẽ đủ nguồn lực để làm các công trình hạ tầng chiến lược khác. Ông cũng kiến nghị thiết lập cơ chế điều phối phát triển vùng.
TS. Trần Du Lịch kỳ vọng từ nay tới 2025 sẽ là thời kỳ tích cực chuẩn bị các nền tảng về thể chế, hạ tầng, nhân lực… để giai đoạn 2026-2035 là thời kỳ tăng trưởng 2 con số của vùng, thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành vùng phát triển.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ trăn trở vì tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Vùng: cơ chế chính sách còn hạn hẹp, vướng mắc; hạ tầng kết nối cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm chưa chặt chẽ, đầy đủ; nguồn nhân lực chưa được phát huy.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và 14 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ. Tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng, trong đó phải xây dựng, vận hành cơ chế điều phối vùng; tổ chức chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung vào chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy kinh tế du lịch, phát triển kinh tế rừng; phát triển kinh tế nông nghiệp; tập trung vào 3 động lực tăng trưởng bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với Tây Nguyên.
Về xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thấm nhuần quan điểm “hợp tác và phát triển” trong thu hút đầu tư, đảm bảo “bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói riêng. Đồng thời, có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam. Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần "Đã nói là phải làm. Đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành những sản phẩm, công trình cụ thể, giá trị cụ thể, đo lường được, tạo động lực phát triển.