Tìm giải pháp đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL hội nhập thế giới
Ngày 21/12, diễn đàn kinh tế lớn nhất ĐBSCL Mekong Connect 2020 diễn ra tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với chủ đề 'Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu'.
Diễn đàn Mekong Connect 2020 cũng có nhiều đổi mới, tạo cơ hội để kết nối giao thương giữa nhà sản xuất, nhà tư vấn và nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, có kết nối trực tuyến với các đầu mối quốc tế.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Quốc Phong, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết, trong thời kì hội nhập thì liên kết được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công, nhưng đồng thời đó cũng đang được cho là điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là trong liên kết vùng. ĐBSCL, trước mắt là các tỉnh ABCD muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ của vùng không thể chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển và thế giới phẳng như hiện nay.
Ông Lê Quốc Phong mong muốn: “Sau Diễn đàn hôm nay sẽ có nhiều ký kết hợp tác mới, sớm đưa nhiều sản phẩm dịch vụ của ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của vùng.”
Một trong những chủ đề chính của phiên thảo luận là xoay quanh các lợi ích và cơ hội mà hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) mang lại đối với các sản phẩm nông nghiệp và quá trình phát triển của ĐBSCL trong tương lai. Tổng kim ngạch hai chiều đã tăng lên 45 tỷ euro trong năm 2019, so với con số 10 tỷ euro trong năm 2009. Xuất khẩu sang thị trường châu Âu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thực hiện đầy đủ EVFTA sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng 12% trong giai đoạn 2021 – 2030. Riêng với trái cây, tỷ lệ tăng trưởng là 20% nhờ vào EVFTA, mở ra cánh cửa thâm nhập thị trường mới cho nông dân, nhà sản xuất và nhà xuất khẩu ở ĐBSCL.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu trong năm 2019 của Việt Nam đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước đó, xuất siêu hơn 11 tỷ USD. Việt Nam cũng đạt mức xuất siêu kỷ lục trong 11 tháng của năm 20,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Các diễn giả trong phiên thảo luận sáng nay của Mekong Connect 2020 cũng chỉ ra rào cản về kỷ thuật đang là yếu tố chính trong việc đưa sản phẩm Việt Nam hội nhập vào thị trường thế giới, nhất là thị trường EU.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhận định: “Thị trường EU đặt ra tiêu chuẩn và chất lượng cao và doanh nghiệp Việt sẽ bị lãng quên trong thị trường mênh mông đó. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không cố gắng thì các thị trường EVFTA và CPTPP cũng sẽ quên Việt Nam. Đây sẽ là một điều mất mát vì sự thay đổi từ Việt Nam và các thị trường đã gặp nhau, tạo ra những cơ hội và sự phát triển rất lớn để vươn lên. Việt Nam đi vào những thị trường dễ tính sẽ tự kìm hãm mình ở mức thu nhập trung bình, nếu cứ tiếp tục làm gia công và các sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Đây là những lo lắng lớn nhất của tôi”
Trong khuôn khổ hoạt động của diễn đàn, ngoài phiên thảo luận chung xoay quanh chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu”, còn diễn ra các cuộc thảo luận sâu của 4 nhóm do 4 tỉnh phụ trách, với 4 đề tài khác nhau cụ thể: An Giang tổ chức thảo luận chủ đề “Công nghiệp hóa sản xuất kinh doanh nông nghiệp - góc nhìn từ OCOP”; Bến tre với chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”; Cần Thơ phục trách chủ đề “Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL”; Đồng Tháp là “Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp”.
Bên cạnh đó, diễn đàn Mekong Connect 2020, chương trình tư vấn dành cho cộng đồng nông nghiệp, tư vấn các vấn đề cần biết khi xuất khẩu nông sản và kết nối online và offline giữa các doanh nghiệp ĐBSCL với các nhà mua hàng quốc tế từ các thị trường như Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Đức, Nhật,…
Tham dự sự kiện lần này, chị Đoàn Ngọc Minh Thùy, Giám đốc công ty Hương Đồng Tháp, cho biết: “Đến với sự kiện tôi mong muốn được giới thiệu các sản phẩm tinh dầu của doanh nghiệp để tìm thêm đối tác, mở rộng vùng sản xuất và nghe các chuyên gia nói về các tiêu chuẩn để xuất khẩu thế giới…”
Không gian sự kiện sẽ trưng bày các sản phẩm OCOP của 4 tỉnh ABCD và các tỉnh trong cả nước, đồng thời, cũng trưng bày các mô hình sản phẩm khởi nghiệp đạt giải cấp quốc gia của các bạn trẻ trên cả nước.
Diễn đàn còn trao giấy chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” cho 16 doanh nghiệp ngành thực phẩm và phi thực phẩm.