Tìm giải pháp giữ chân người lao động

Dù đã có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tại tỉnh Bình Dương vẫn nghỉ việc ngày càng tăng. Trước tình hình này Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương đã kiến nghị nhiều giải pháp.

Do tinh gọn bộ máy, áp lực công việc

Theo báo cáo của Sở Nội Vụ tỉnh Bình Dương, từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2023, toàn tỉnh này có 1.125 CCVC thôi việc, bỏ việc (gồm 108 CC và 1.017 VC), trong đó 70 trường hợp là lãnh đạo, quản lý. Trong đó, dẫn đầu là ngành Giáo dục có số VC thôi việc, bỏ việc cao nhất (675 người), tiếp đến là ngành Y tế (270 người).

Cũng theo Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương, nguyên nhân thôi việc, bỏ việc của CBCCVC ở Bình Dương chủ yếu là do một phần tỉnh này đang sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, tiếp đến là do chính sách tiền lương hiện nay chưa thật sự phù hợp, dẫn đến thu nhập của lực lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân và gia đình, chưa tạo được động lực thúc đẩy họ phấn đấu, gắn bó lâu dài với cơ quan Nhà nước.

Tình trạng CBCCVC tại tỉnh Bình Dương thôi việc theo UBND tỉnh Bình Dương có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do tinh gọn lại bộ máy và áp lực công việc

Tình trạng CBCCVC tại tỉnh Bình Dương thôi việc theo UBND tỉnh Bình Dương có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do tinh gọn lại bộ máy và áp lực công việc

Bên cạnh đó, Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, khối lượng công việc ngày càng cao, trong khi biên chế được giao thấp. Vì vậy để hoàn thành nhiệm vụ, CBCC phải làm việc ngoài giờ hành chính, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc và sức khỏe.“Hiện tại số biên chế của tỉnh Bình Dương đang có mức thấp nhất so với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, ít hơn Bình Phước khoảng 100 người, Tây Ninh 80 người.

Trong khi đó dân số của tỉnh Bình Dương cao gấp nhiều lần so với các địa phương khác”, đại diện Sở Nội Vụ tỉnh Bình Dương cho biết đồng thời thông tin thêm, ngoài ra, hệ thống văn bản còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán nên CB sợ sai khi thực thi nhiệm vụ nên chủ động xin nghỉ việc. Cộng thêm vào đó là trong thời gian gần đây, các cơ sở tư có chế độ đãi ngộ và mức lương hấp dẫn nên số lượng CCVC làm việc tại các cơ sở công chuyển công tác sang các đơn vị này ngày càng nhiều.

Kiến nghị nhiều giải pháp

Trước tình hình CCVC nghỉ việc ngày nhiều, mới đây, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương và các ngành, địa phương của tỉnh về tình trạng CBCCVC bỏ việc, thôi việc; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành công vụ.

Tại buổi làm việc, nhằm tìm giải pháp giữ chân CBCCVC tiếp tục ở lại làm việc, cống hiến cho địa phương, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua tỉnh cũng có nhiều chính sách thu hút, giữ chân, đãi ngộ CBCCVC. Cụ thể là Nghị quyết 05/2019 về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực; Nghị quyết 16 hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng các chính sách như CC cấp xã. Nghị quyết 16 còn hỗ trợ cho những chức danh hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố cao gấp đôi mức của Trung ương; đồng thời có chế độ cho một số chức danh như phó bí thư chi bộ ấp, phó trưởng ấp, phó mặt trận ấp, các chi hội trưởng các đoàn thể tại ấp.

Bình Dương còn "trải thảm đỏ" mời gọi nhân tài về công tác qua chính sách hỗ trợ, như: Giáo sư 700 triệu đồng/người, Phó Giáo sư 650 triệu đồng, Thạc sĩ 500 triệu đồng, bác sĩ hơn 400 triệu đồng… và còn hỗ trợ thêm tiền thuê nhà hằng tháng bằng 0,7 lần mức lương cơ sở, hỗ trợ tiền xăng. Riêng bác sĩ còn được hỗ trợ tăng thêm 3-3,5 lần mức lương cơ bản. Song song đó, tỉnh Bình Dương cũng thực hiện thi tuyển CC 2 lần/năm bổ sung vào những nơi đang thiếu; tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lí để đảm bảo tính công bằng trong tuyển dụng.

Tuy nhiên tỉnh Bình Dương vẫn rất lo lắng trước "làn sóng” CBCCVC nghỉ việc. Do đó, Bình Dương kiến nghị Trung ương cho tỉnh cơ chế đặc thù như thành phố Hồ Chí Minh để có cơ hội tăng lương cho CB. Ngoài ra để bù vào số lượng CCVC đã nghỉ việc, đồng thời giảm áp lực công việc cho CBCCVC, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị chính phủ tăng thêm khoảng 500 biên chế CC.

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ nói trên, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị, do tỉnh này là tỉnh có tốc độ phát triển nóng, do đó trên tinh thần kiểm tra, Bộ Nội vụ xem xét có hướng để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương và có chính sách phù hợp cho từng địa phương.

Ngoài ra UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm triển khai chế độ tiền lương mới đối với CBCCVC; kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài vào cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, kiến nghị Trung ương rà soát, cân đối lại biên chế giữa các địa phương, nhất là những địa phương có dân số cơ học tăng nhanh, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao như Bình Dương.

Trong khi đó, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Võ Thị Tuyết Thu cho biết, Bình Dương và một số tỉnh, thành có nhiều CBCCVC từ khu vực công chuyển sang tư, đây là vấn đề được dư luận quan tâm, tạo bất ổn trong quản lý khu vực công. Vì vậy, Bộ Nội vụ có kế hoạch kiểm tra ở các địa phương để nắm tình hình thực tế, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị phù hợp trong thời kỳ mới để trình Trung ương có chính sách phù hợp.

Thành Đồng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tim-giai-phap-giu-chan-nguoi-lao-dong-163560.html