Tìm giải pháp gỡ vướng để thu hút đầu tư (bài 1)

Công trình Nút giao thông khác mức đường số 2 Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh cơ bản đã hoàn thành. Ảnh: ANH NGỌC

“Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư” là chủ đề hội thảo do UBND tỉnh vừa phối hợp với Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức. Tại hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án có sử dụng đất rừng, vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất trong cụm công nghiệp…

Bài 1: Mong muốn có đất sạch

Để phát triển kinh tế, Phú Yên cần có các nhà đầu tư lớn và những dự án lớn xứng tầm với một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch biển. Trong khi đó, các nhà đầu tư luôn mong muốn có đất sạch để có thể nhanh chóng triển khai dự án mà không phải giải phóng mặt bằng, bởi đây đang là khâu khó khăn, mất nhiều thời gian nhất khiến dự án kéo dài, thậm chí bế tắc.

Nhiều dự án vướng mặt bằng

Tập đoàn HBRE đầu tư dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ (giai đoạn 1), công suất 200MW, tổng vốn gần 5.000 tỉ đồng. Dự án có quy mô sử dụng hơn 96ha đất tại các xã An Thọ, An Hiệp và An Lĩnh (huyện Tuy An), do gặp vướng mắc về thủ tục đất đai nên đến nay chưa thể triển khai. Ông Hoàng Ngọc Quy, Tổng Giám đốc Tập đoàn HBRE, cho biết: Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong quá trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư, các vướng mắc phát sinh từ những quy định liên quan đến đất đai, đầu tư, lâm nghiệp… Vì vậy, chỉ riêng thủ tục xin chủ trương đầu tư dự án đã kéo dài hơn 2 năm. Dự kiến, trong quý I/2022, đơn vị mới thi công dự án. Từ những vướng mắc của mình, Tập đoàn HBRE kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, nhất là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm có mặt bằng sạch để nhà đầu tư thi công dự án.

Theo UBND tỉnh, Phú Yên hiện có 206 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 54 dự án đầu tư công do cấp tỉnh quản lý. Tuy nhiên, 53 dự án đang vướng bồi thường, GPMB, trong đó có 18 dự án đầu tư công…

Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng Phòng Bồi thường hỗ trợ tái định cư (Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ANH NGỌC

Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng Phòng Bồi thường hỗ trợ tái định cư (Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ANH NGỌC

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Đối với công tác đầu tư, tỉnh rất quan tâm, xây dựng khung chính sách, thành lập các tổ công tác, xuống địa phương hỗ trợ tháo gỡ từng vướng mắc của từng dự án trong công tác GPMB… Tuy nhiên đến nay, công tác này vẫn chưa đạt yêu cầu, việc giải ngân chậm hầu hết là do vướng GPMB. Hiện dự án nhóm A thì mới tách bồi thường GPMB thành dự án độc lập. Còn dự án nhóm B, C thuộc thẩm quyền địa phương, công tác GPMB được thực hiện sau khi có quyết định chủ trương đầu tư. Ở các dự án nhóm B, C, các thủ tục điều tra, đo đạc… kéo dài, khi triển khai thủ tục xong thì rất chậm, vấn đề này cũng là một trong những vướng mắc của nhiều địa phương. Trong khi đó, đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc phức tạp, dẫn đến công tác bồi thường GPMB gặp không ít khó khăn, nhất là những diện tích đất không rõ nguồn gốc.

Phát biểu tại hội thảo “Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư”, ông Nguyễn Xuân Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Thành, cho rằng: Trong công tác GPMB cần có giải pháp để xử lý hài hòa quyền lợi ba bên là giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng đất. Nếu việc GPMB giao cho trung tâm phát triển quỹ đất của địa phương thì trung tâm này kiểm đếm, thẩm định, trình phê duyệt… với thời gian dài và giá bồi thường GPMB sẽ không sát với giá thị trường. Nhưng nếu giao việc GPMB cho một doanh nghiệp chuyên về GPMB để doanh nghiệp tự thỏa thuận với chủ đất, người dân được nhận tiền ngay với giá sát với thực tế thị trường thì công tác GPMB sẽ rất nhanh. Sau đó, doanh nghiệp GPMB tiến hành bàn giao, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi đem ra đấu giá thì nhà đầu tư sẽ tiếp cận đất sạch được nhanh hơn. Là nhà đầu tư, chúng tôi mong muốn có doanh nghiệp chuyên về GPMB như vậy.

Nên tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn mà TP Hồ Chí Minh gặp phải trong công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng Phòng Bồi thường hỗ trợ tái định cư (Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh), cho biết: Việc tách bồi thường GPMB ra khỏi dự án đầu tư đã được TP Hồ Chí Minh thực hiện 13 năm nay sau khi xin chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, khi triển khai cần có cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ, nếu không cũng chỉ là vấn đề kỹ thuật. Để đạt mục tiêu đó, Phú Yên cần đáp ứng 6 điều kiện cần và đủ khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, phải đảm bảo pháp lý về dự án có thu hồi đất; đảm bảo pháp lý, trình tự thu hồi đất; đảm bảo hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế; đảm bảo nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư cho người dân; đảm bảo nguồn vốn bố trí kịp thời để chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đảm bảo chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp với thực tế quản lý, sử dụng đất và quyền lợi hợp pháp của người dân.

Dự án Khu nghỉ dưỡng L’Aurora Phú Yên đang triển khai xây dựng tại TP Tuy Hòa. Ảnh: ANH NGỌC

Dự án Khu nghỉ dưỡng L’Aurora Phú Yên đang triển khai xây dựng tại TP Tuy Hòa. Ảnh: ANH NGỌC

Theo ông Võ Đình Tiến, việc tách bồi thường GPMB ra khỏi dự án đầu tư là rất cần thiết. Có mặt bằng sạch, đất sạch thì sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cũng như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Vấn đề là làm thế nào để người dân và doanh nghiệp đều thuận lợi, có cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề đất đai, khơi thông nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù GPMB đối với các dự án đầu tư, bà Trịnh Thị Thúy Hằng, Vụ Pháp chế (Bộ KH-ĐT) cho rằng, không chỉ riêng Phú Yên mà hầu như tỉnh nào cũng đang gặp phải. Theo bà Hằng, việc đề xuất tách đền bù GPMB ra khỏi dự án đầu tư hiện nay mới được thí điểm ở một số địa phương, từng dự án và có thời gian cụ thể. Tại hội thảo này, Bộ KH-ĐT ghi nhận tất cả ý kiến của các đại biểu, từ đó sẽ tổng hợp, báo cáo, đề xuất đến cơ quan liên quan để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT), đề xuất: Cơ quan chức năng đang nỗ lực trình cấp có thẩm quyền tách GPMB thành dự án độc lập. Trong điều kiện đề án thí điểm tách bồi thường GPMB chưa được Quốc hội thông qua thì chúng ta cũng không thể ngồi đợi. Theo quy định, không được ứng vốn Nhà nước để GPMB trước, nhưng có thể huy động các nguồn khác để làm trước khâu GPMB. Tôi nghĩ, lãnh đạo các địa phương phải chủ động các nguồn vốn này để làm công tác GPMB. Đối với Phú Yên, chắc chắn câu chuyện này khó nhưng chúng ta phải làm. Hiện nay, doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Muốn gỡ được thì phải sửa luật chứ Nhà nước không thể đứng ra thu hồi, vì thu hồi trong trường hợp này là vi hiến. Như vậy, khi luật chưa sửa, chưa có cơ chế để giải quyết thì địa phương cần chủ động, chẳng hạn như đối thoại với doanh nghiệp, với người dân để tìm giải pháp…

Vấn đề về bồi thường GPMB, thu hồi đất là câu chuyện rất phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết chứ không riêng ngành nào. Trong điều kiện đề án thí điểm tách bồi thường GPMB chưa được Quốc hội thông qua thì chúng ta cũng không thể ngồi đợi.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT)

Bài cuối: Cần những cơ chế, chính sách phù hợp

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/268991/tim-giai-phap-go-vuong-de-thu-hut-dau-tu-bai-1.html