Tìm giải pháp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần
Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.
Sửa quy định về rút BHXH một lần thế nào?
Cho ý kiến về rút BHXH một lần quy định tại Điều 70, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) bày tỏ quan điểm tán thành sự cần thiết phải sửa đổi quy định về BHXH một lần trong dự thảo Luật, để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Tuy nhiên, để có thể khắc phục được tình trạng số lượng người nhận BHXH một lần tăng lên hàng năm như thời gian gần đây, ông Lềnh cho rằng, cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, nhằm có giải pháp căn cơ và có chính sách đồng bộ về BHXH.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động (NLĐ) và để họ không muốn rút BHXH một lần.
Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án, song bà Nga cho rằng, phương án linh hoạt nhất là không cấm NLĐ rút BHXH một lần. Tuy nhiên, phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút BHXH một lần. Do vậy, Luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để NLĐ lựa chọn.
Nêu quan điểm cần có giải pháp để hạn chế NLĐ rút BHXH một lần, nhưng vẫn đảm bảo để NLĐ có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc. Vì vậy, ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) đề nghị, nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ BHXH để thành lập Quỹ cho vay đối với NLĐ phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang), nếu chọn phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những NLĐ tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực. Bởi, một trong những lý do chính khiến NLĐ rút BHXH một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.
Bà Cầm cho rằng, quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được NLĐ trẻ, NLĐ mới tham gia BHXH khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của NLĐ còn rất thấp. Do vậy, việc rút BHXH một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để NLĐ duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt.
“Còn nếu chọn phương án 2, NLĐ vẫn có thể rút BHXH một lần như hiện nay nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho NLĐ cũng là tiền của NLĐ. Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho NLĐ khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống” - bà Cầm phân tích, và kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của NLĐ về việc hưởng BHXH một lần. NLĐ vẫn được rút BHXH một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể.
Khởi kiện hành vi chậm, trốn đóng BHXH
Theo ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang), thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp (DN), địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ BHXH của NLĐ.
Cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song theo bà Hà, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Do đó, bà Hà đề nghị, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Theo đó, khi người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng, thì không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức công đoàn và NLĐ cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật” - bà Hà phân tích, đồng thời cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nêu thực tế, số DN trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng/năm. Trong năm 2022, riêng số đơn vị, DN chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198 nghìn DN, đơn vị chậm đóng BHXH.
Theo bà Thủy, về những hệ lụy mà NLĐ phải gánh chịu theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số NLĐ bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người và trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do DN đã giải thể, phá sản hoặc chủ DN đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng.
“Nếu quy định như dự thảo thì DN có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng BHXH, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH” - bà Thủy nói và đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi khiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Đồng thời, quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của NLĐ nữa.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Quy định hưởng BHXH một lần là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa mang tính chính trị xã hội, cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo luật và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.
Theo ông Dung, bên cạnh nguyên nhân người rút BHXH khó khăn, Ban soạn thảo luật đã tổng kết được 5 vấn đề chung nhất. Phương án quy định việc rút BHXH một lần, cần hướng tới 2 mục tiêu cơ bản. Thứ nhất, là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là có quyền rút BHXH. Thứ hai là phấn đấu để giữ chân NLĐ trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo, để người dân có lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già.
Ông Dung cho biết, hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, phương án chỉ có ưu điểm mà sẽ đi theo phương án tiếp tục đề xuất, hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn. Các phương án sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng NLĐ có quyền rút BHXH một lần, không phân biệt người đóng bảo hiểm trước hay sau khi luật có hiệu lực. “Phương án bảo lưu 50% thời gian đóng đảm bảo quyền của người tham gia hưởng BHXH một lần, công bằng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, phù hợp với khuyến nghị tổ chức quốc tế và cũng vẫn giữ chân NLĐ” - ông Dung nhấn mạnh.