TÌM GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG ĐẢNG VIÊN BỎ SINH HOẠT ĐẢNG - Bài 1: Áp lực kinh tế trở thành thách thức
Một bộ phận đảng viên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang phải đối mặt với áp lực duy trì cuộc sống gia đình dẫn đến việc bỏ sinh hoạt, thậm chí xin ra khỏi Đảng. Tình trạng này không chỉ làm giảm số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của các tổ chức Đảng.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, áp lực kinh tế khiến một số đảng viên phải bỏ sinh hoạt Đảng để tập trung vào công việc mưu sinh. Áp lực cuộc sống khiến nhiều đảng viên như chị L.T.H.Đ phải chọn rời xa mái nhà chung là Chi bộ ấp Ngọc An, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) dù lòng vẫn còn khát khao cống hiến.
Chị Đ có 19 năm là giáo viên tại một trường tiểu học của xã Ngọc Chúc. Chị được kết nạp vào Đảng năm 2016. Nhiều năm gắn bó với công việc tại trường, đầu năm 2023 chị Đ phải nghỉ việc do tinh giản biên chế. Một năm sau khi chuyển sinh hoạt Đảng về chi bộ ấp, chị viết đơn xin ra khỏi Đảng.
Lý do chị Đ đưa ra là: “Tôi không có thời gian sinh hoạt chi bộ hàng tháng, bận buôn bán tại chợ, giúp chồng làm ruộng, lo tiền cho con đi học. Công việc đầu tắt mặt tối nên tôi không còn thời gian tham gia việc khác. Kinh tế gia đình khó khăn nên tôi quyết định xin ra khỏi Đảng”.
Không riêng chị Đ, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ xã Ngọc Chúc phải trình cấp có thẩm quyền xóa tên khỏi danh sách đảng viên 7 trường hợp, cho ra khỏi Đảng 5 trường hợp. Đảng bộ xã cho phép 31 đảng viên tạm miễn sinh hoạt Đảng để đi làm ăn xa, rời khỏi địa phương, tất cả đều vì lý do kinh tế khó khăn.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngọc Chúc Nguyễn Quốc Việt cho biết: “Đảng ủy cố gắng tạo điều kiện cho đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được miễn sinh hoạt từ 6 tháng đến 1 năm nhưng vẫn không ngăn được tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt nhiều lần, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng và để rồi phải xử lý theo quy định”.
Trong căn nhà nhỏ ở ấp Vĩnh Tây 1, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), anh B.V.T ngồi trầm ngâm bên chiếc xe gắn máy cũ, ánh mắt khá buồn khi kể về quyết định xin ra khỏi Đảng. Anh T nói: “Không phải vì tôi mất niềm tin hay chán nản với Đảng, tôi vẫn còn rất tha thiết và tin tưởng vào Đảng…”.
Anh T từng hết lòng cống hiến nhưng cuối cùng phải rời bỏ vì gánh nặng cuộc sống. Anh T sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ anh bị bệnh nặng, nhà không có đất sản xuất, anh phải gánh vác mọi lo toan. “Mỗi ngày tôi làm đủ thứ nghề như sửa xe, hớt tóc, chạy xe ôm…, ai thuê gì làm nấy. Thu nhập của tôi bấp bênh không đủ để lo cho gia đình và mua thuốc cho mẹ”, anh T kể.
Anh T từng là bí thư chi đoàn ấp, một vị trí mà anh luôn tự hào và hết lòng cống hiến. Sau khi các chức danh ấp được sắp xếp lại theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, anh bị dôi dư, không được bố trí giữ chức danh ấp. “Ngày 3 hàng tháng họp lệ chi bộ có khi trùng với ngày tôi đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Để không ảnh hưởng đến tổ chức và các đồng chí khác, tôi làm đơn xin ra khỏi Đảng”, anh T nói.
Những đảng viên như anh T vì gánh nặng kinh tế hoặc phải đi làm ăn xa, không thể tham gia sinh hoạt Đảng đúng quy định. Trong số đó, chi bộ các cấp trong tỉnh phải cho phép 1.538 đảng viên đi làm ăn xa nhưng cũng có 83 đảng viên chưa được chấp thuận và 67 đảng viên tự bỏ sinh hoạt Đảng. Họ là những người hầu hết ở các chi bộ ấp, khu phố, không được bố trí giữ chức danh, không có lương hay phụ cấp. Họ phải tự tìm kiếm kế sinh nhai tại những nơi không có tổ chức Đảng dẫn đến việc tự ý bỏ sinh hoạt. “Mỗi ngày tôi phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống nên tôi không thể tham gia sinh hoạt Đảng đều đặn được”, anh T nói.
Trước thực trạng này, các cấp ủy Đảng cần nhìn nhận thực tế và đưa ra những giải pháp thiết thực để những người như anh T có thể ổn định kinh tế gia đình, từ đó nâng cao ý chí phấn đấu và duy trì niềm tin vào Đảng.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang, từ năm 2021 đến ngày 31-5-2024, toàn tỉnh có 668 đảng viên bị xóa tên và 573 trường hợp xin ra khỏi Đảng.
Bài và ảnh: TÂY HỒ