Tìm giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh
Tham dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 7, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra tại TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) hôm nay (16/9), Đoàn Thường trực HĐND TP Hà Nội đã chia sẻ 'Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao kỹ năng chất vấn, thảo luận của ĐB HĐND cấp tỉnh'.
Hôm nay, 16/9, tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban Công tác đại biểu - UBTV Quốc hội tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 7, nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh”.
Tới dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư - Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy; cùng lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành T.Ư, Thường trực HĐND các tỉnh, TP khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ; cùng Thường trực HĐND các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Bến Tre. Đoàn Thường trực HĐND TP Hà Nội tham dự hội nghị do Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn, cùng lãnh đạo Văn phòng và các Ban của HĐND TP...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Trưởng Ban Công tác đại biểu (ĐB) của Quốc hội Trần Văn Túy đã nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến việc nâng cao vai trò của các ĐB HĐND cấp tỉnh. Theo đó, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND năm 2015, ĐB HĐND các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình góp phần hoàn thiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo lập môi trường để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh quốc phòng mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, do ĐB HĐND vừa phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vừa phải bảo đảm cơ cấu, thành phần nên chất lượng ĐB còn chưa đồng đều; tỷ lệ ĐB HĐND cơ cấu và kiêm nhiệm còn cao nên có ĐB chưa dành nhiều thời gian cho các hoạt động của cơ quan dân cử. Còn nhiều bất cập khi thực hiện trách nhiệm của ĐB đối với một số ĐB giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống cơ quan hành chính. Bên cạnh đó, một số ĐB mới tham gia lần đầu còn thiếu các kỹ năng trong việc phát huy vai trò của ĐB; một số ĐB theo cơ cấu ít có điều kiện để tiếp cận, cập nhật, xử lý thông tin nên chưa thực sự chủ động thực hiện nhiệm vụ; một số ĐB còn hạn chế trong tham gia ý kiến vào quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; hiểu biết pháp luật chưa sâu, chưa toàn diện. Ngoài ra, HĐND các cấp ở địa phương trong hoạt động còn tình trạng nể nang, ngại va chạm; chế độ đãi ngộ đối với ĐB HĐND chưa hợp lý, các điều kiện hoạt động chưa đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND… Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND chưa cao.
Trước những hạn chế đó, trước yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐB HĐND các cấp, Trưởng Ban Công tác ĐB đề nghị Thường trực HĐND các TP tập trung tập trung phân tích, trao đổi những kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐB HĐND cấp tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND; kiến nghị những nội dung cụ thể với UBTV Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư trong sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND và các quy định về chế độ, chính sách đối với ĐB HĐND các cấp. Hiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Do đó, các ĐB cũng cần tập trung thảo luận việc mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung để quy định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc sáp nhập một số cơ quan Nhà nước với một số cơ quan của Đảng; quy định về sắp xếp các ĐVSNCL; phân định rõ tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; về vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa T.Ư với địa phương và giữa các cấp chính quyền; nguyên tắc tổ chức HĐND các cấp; thực hiện giảm số ĐB HĐND các cấp…
Tham dự hội nghị, Đoàn Thường trực HĐND TP Hà Nội đã chia sẻ “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao kỹ năng chất vấn, thảo luận của ĐB HĐND cấp tỉnh”. Trong đó, khái quát một số kinh nghiệm của HĐND TP để nâng cao kỹ năng trên, như: Hoạt động chất vấn, thảo luận của ĐB HĐND TP luôn có sự chỉ đạo nhất quán, nghiêm túc của Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND TP; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng pháp luật và bảo đảm cho pháp luật được thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, làm tốt công tác chuẩn bị nội dung chất vấn, tái chất vấn, thảo luận và giải trình như: Hệ thống vấn đề lựa chọn còn đang vướng mắc, có phạm vi ảnh hưởng rộng; thu thập, khảo sát thông tin, địa chỉ các vi phạm, rõ trách nhiệm; tăng phối hợp, cung cấp thông tin cho ĐB chủ động nghiên cứu kỹ để thực hiện chất vấn hoặc giải trình theo hướng chuyên đề chuyên sâu, đưa ra câu hỏi phải rõ, ngắn, chính xác và tinh thần xây dựng; chương trình điều hành với từng nhóm nội dung chất vấn theo hướng chất vấn tận cùng của vấn đề... ĐB HĐND TP luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến của cử tri; tăng cường quan tâm, lắng nghe ý kiến phản ánh từ nhiều chiều; những cơ chế chính sách áp dụng chung trên địa bàn TP còn chưa đảm bảo tính khả thi hay vướng mắc trong thực tiễn. Các hoạt động chất vấn, thảo luận của ĐB HĐND TP đều được thực hiện nghiêm, công khai, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân giám sát. Kết thúc phiên chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND TP đều ban hành Thông báo kết luận của Chủ tọa, là căn cứ để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ ĐB HĐND, ĐB HĐND thực hiện giám sát.
Từ đó, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao kỹ năng chất vấn, thảo luận của ĐB HĐND. Đó là cần tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò của Chủ tọa kỳ họp hay phiên họp trong việc lựa chọn nội dung và tổ chức tiến hành chất vấn, thảo luận, giải trình; tăng chất vấn với những vấn đề dân sinh bức xúc, chất vấn qua nhiều kỳ họp có tiến độ giải quyết chậm, tái chất vấn kết hợp chặt với sự vào cuộc tích cực của cơ quan truyền thông, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của Nhân dân. Cùng với đó, cần tiếp tục xác định và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của người ĐB HĐND trong hoạt động chất vấn, thảo luận tại mỗi kỳ họp HĐND và tại các phiên giải trình của Thường trực HĐND diễn ra giữa hai kỳ họp; chủ động nghiên cứu các quy định pháp luật, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và các vấn đề kinh tế-xã hội đang diễn ra tại địa phương để thảo luận, chất vấn, giải trình đúng vấn đề. Chủ thể được chất vấn phải đảm bảo đúng thành phần, hiểu đúng mục đích của hoạt động chất vấn, nắm rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của mình trả lời với thái độ nghiêm túc, cầu thị, đúng nội dung vừa chất vấn đảm bảo ngắn gọn, rõ, hiệu quả. Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng CNTT trong phục vụ ĐB HĐND và đổi mới, nâng cao việc cung cấp thông tin cho ĐB đảm bảo khoa học, kịp thời, hiệu quả.
Trên cơ sở ý kiến trao đổi, tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao kết quả đạt được của Thường trực HĐND các tỉnh, TP thời gian vừa qua và nhấn mạnh chất lượng của ĐB là vấn đề then chốt quyết định kết quả hoạt động của HĐND các tỉnh, TP. Đồng chí đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP tiếp tục phát huy vai trò chính trị của các ĐB HĐND, nhất là ĐB hoạt động chuyên trách cần tự rèn luyện, trau dồi kiến thức để nâng cao kỹ năng hoạt động; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng cho các ĐB dân cử; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của HĐND để nâng cao chất lượng xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; công tác thẩm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Ngoài ra, Thường trực HĐND các tỉnh cần bảo đảm chế độ chính sách hợp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động của ĐB HĐND; ứng dụng CNTT trong hoạt động của HĐND các cấp; chuẩn bị nguồn nhân sự có chất lượng để giới thiệu ứng cử ĐB HĐND cho nhiệm kỳ tới.
Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam, Ban Công tác ĐB - UBTV Quốc hội đã bàn giao Cờ đăng cai hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 8 cho Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình.