Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao
Giá cước vận tải biển tăng cao đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, gia tăng áp lực cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng liên tiếp có các giải pháp gỡ khó nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn thách thức, giữ vững thị trường xuất khẩu.
Giá cước vận tải biển tăng liên tục
Giá cước vận tải biển trong những tháng gần đây đã tăng vọt trở lại, gây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
Số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho thấy, thời gian qua, giá dịch vụ vận tải container trên thế giới tăng 12%, trong đó giá dịch vụ từ châu Á đến châu Âu tăng từ 11-14% và từ châu Mỹ về châu Á không đổi. Riêng với các tuyến nội Á ổn định hơn, tăng nhẹ khoảng 5 - 10%.
Theo ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh (đơn vị chuyên xuất khẩu cà-phê, hồ tiêu, nhiều loại gia vị khác và có thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia như châu Âu, Mỹ, Trung Đông...), doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì cước phí vận chuyển.
Theo ông Thông, chỉ trong vòng hai tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, cước vận tải biển từ cảng ở TP. Hồ Chí Minh đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet.
Nguyên nhân tăng giá cước do chiến tranh, căng thẳng ở Biển Đỏ, thời gian vận chuyển dài ngày, các hãng tàu vận chuyển rút tàu, tạo ra khan hiếm giả… Phúc Sinh bán hàng theo hình thức CIF (bên bán chịu chi phí vận chuyển). Cứ mỗi container doanh nghiệp chịu bù thêm 5.000 USD, có tháng xuất đi 100 container đồng nghĩa phải bù thêm 500.000 USD (gần 13 tỷ đồng).
Ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba) cho biết, trước đây các hãng tàu báo giá cước container cho thời gian từ 15 - 30 ngày, nhưng hiện chỉ báo giá theo tuần. Giá cước có xu hướng tăng nhanh và liên tục, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày. Dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch Covid-19.
Cần chung tay gỡ khó để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Theo ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại, nhưng liên tục gặp khó khăn với tình hình bất ổn trên Biển Đỏ, chiến tranh Nga - Ukraina, quan hệ căng thẳng Israel - Iran lan rộng trong khu vực Trung Đông và một số yếu tố bất ổn khó lường khác đã làm cho cước và phụ phí hàng hải tăng phi mã.
Do đó, ông Sơn gợi mở một số giải pháp như: các hãng tàu phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định về niêm yết, công khai giá cước vận chuyển. Không áp đặt các loại phí, phụ thu không có cơ sở, với mức thu quá cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu...
Đứng trước tình hình giá cước vận tải biển tăng cao, Bộ Công thương có văn bản gửi các các hiệp hội chuyên ngành logistics, đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Trong đó, Bộ Công thương đề nghị doanh nghiệp chủ động phân luồng hàng hóa. Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.
Bên cạnh đó, bộ cũng đề nghị doanh nghiệp xuất nhập khẩu phối hợp với cơ quan hải quan, doanh nghiệp khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa tại cảng. Các hiệp hội chuyên ngành tích cực hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Đề xuất hỗ trợ từ FIATA
Liên quan đến cước vận tải biển, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có thư gửi ông Turgut Erkeskin - Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) đề xuất một số biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn.
Trong đó có đề xuất, mong muốn FIATA hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu.