Tìm giải pháp kết nối du lịch, CNTT cho khu vực sông Mê-kông
UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình phiên gặp gỡ, kết nối với doanh nghiệp Ấn Độ qua chủ đề 'Du lịch và Công nghệ thông tin'.
Trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình phiên gặp gỡ, kết nối du lịch - công nghệ thông tin.
Theo đó, việc sử dụng công nghệ thông tin một cách sáng tạo, tác động của chuyển đổi số lan tỏa khắp tổ chức, phá vỡ các rào cản chung tồn tại trong các khâu bán hàng, tiếp thị, sản xuất và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Đối với các tổ chức chính phủ, các doanh nghiệp và cả các công ty khởi nghiệp ngày nay, việc tiếp tục với các quy trình phụ thuộc nhiều vào sổ cái viết tay, sổ chi tiết hoặc thậm chí với một số công nghệ kỹ thuật số cổ điển của thập niên 90 như trang tính excel sẽ không bắt kịp với những thay đổi của thời đại mới.
Tại phiên gặp gỡ, ông Paul Mathai Thennattu (Công ty Happy Expedition Tours Pvt Ltd) cho rằng, Ấn Độ đã thành công trong việc chuyển đổi các tổ chức công nghệ lỗi thời thành các tổ chức kỹ thuật số hiện đại, mang lại lợi ích cho hàng triệu người Ấn Độ.
Bằng cách tự động hóa các quy trình kinh doanh phổ biến và lặp đi lặp lại, các tổ chức liên tục hợp lý hóa quy trình công việc, giảm chi phí và tăng chất lượng dịch vụ với mục đích duy nhất là làm hài lòng người dùng. Vì vậy, chuyển đổi số luôn nằm trong chương trình điều hành của hầu hết các tổ chức chính phủ, các doanh nghiệp ngày nay.
Phát biểu tại phiên gặp gỡ, kết nối du lịch – Công nghệ thông tin, ông Đoàn Thanh Bình – Giám đốc Sở TTTT tỉnh Đồng Tháp cho biết, tại phiên hội nghị gặp gỡ, kết nối giữa tỉnh Đồng Tháp với các doanh nghiệp Ấn Độ chủ đề “Du lịch và Công nghệ thông tin” sẽ tập trung thảo luận về các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho Đồng Tháp nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, đến từ các chuyên gia IT dày dặn kinh nghiệm của Việt Nam và Ấn Độ.
Từ đó khởi tạo kết nối việc triển khai giải pháp, xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho các tổ chức chính quyền, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp đang có nhu cầu triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp, y tế và giáo dục nhằm hướng đến sự phát triển chuyển đổi số bền vững và toàn diện tại khu vực sông Mê-kông.