Tìm giải pháp khắc phục sạt lở tại rạch Cái Sắn
Hiện nay, tình hình thiên tai ở các địa phương trong tỉnh diễn biến rất phức tạp, ngày càng nghiêm trọng do tác động chính của biến đổi khí hậu thường gặp (mưa, giông lốc, hạn hán, sạt lở đất kể cả mùa khô). Tại phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên, An Giang), sạt lở tại khu vực dọc bờ rạch Cái Sắn đang diễn ra ngày càng nhiều, đe dọa đời sống các hộ dân trong khu vực, cần được khẩn trương xử lý.
Khu vực sạt lở có chiều dài 2.300m, từ vàm sông Hậu đến hết ranh phường Mỹ Thạnh, tiếp giáp xã Vĩnh Trinh (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). Nhiều đoạn cua cong, áp lực dòng chảy mạnh sát bờ vào mùa nước đổ, trong khi phía bờ đối diện (thuộc quận Thốt Nốt) có nhiều nhà máy xay xát, phương tiện thủy lưu thông, quay đầu thường xuyên, làm dòng nước đạp mạnh vào phía bờ An Giang, gây xói mòn, sạt lở.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, địa hình đáy sông có hình chữ U với đáy lệch sang bờ phường Mỹ Thạnh. Từ đó hình thành mái dốc khá đứng, độ sâu ghi nhận phổ biến nằm giữa lòng sông từ -6m đến -7,5m. Do đó, nguy cơ sạt lở đoạn này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cần có giải pháp khắc phục ngay nhằm đảm bảo an toàn dân cư, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và các công trình hạ tầng khu đô thị của TP. Long Xuyên.
Năm 2019-2020, Trung ương đã hỗ trợ kinh phí đầu tư 500m kè khắc phục sạt lở, gồm 2 đoạn. Đoạn 1 từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá (dài 200m) được UBND tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 4-9-2020, giao UBND TP. Long Xuyên làm chủ đầu tư dự án kè, kinh phí 30 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng. Đối với 39 hộ dân bị ảnh hưởng, địa phương đã bố trí tái định cư về nơi ở mới. Đoạn kè còn lại dài 300m (do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư) đang thực hiện.
Đoàn công tác của UBND tỉnh khảo sát các khu vực sạt lở ở rạch Cái Sắn
Cùng với đó, chính quyền địa phương vận động nhân dân di dời người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực. Đồng thời, triển khai làm các tuyến đường tránh nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tạm thời của người dân. Sở Giao thông - Vận tải An Giang có văn bản gửi Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam để cắm biển báo hạn chế tốc độ và cấm neo đậu tàu ghe, quay đầu trong khu vực sạt lở thuộc rạch Cái Sắn.
Tuy nhiên, đoạn sạt lở này vừa khắc phục xong thì lại xuất hiện đoạn sạt lở khác, với mức độ nguy hiểm không kém. Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực TP. Long Xuyên Nguyễn Duy, hiện nay, có 2 đoạn (khoảng 460m) đang tiếp tục diễn biến phức tạp, sụt lún nhiều, sạt lở 1/3 đoạn đường. Phần đường còn lại xuất hiện các vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở rất cao, ảnh hưởng 8 hộ dân (một số nhà đã nghiêng 20 độ ra lòng sông). Đó là đoạn từ mương Sáu Bá đến nhà máy Việt Hưng (dài 160m); đoạn từ rạch Mương Thơm đến tiếp giáp đoạn kè đang thi công (khoảng 300m). UBND thành phố trình và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương di dời khẩn cấp các hộ vào ngày 14-12-2020.
Vấn đề hiện nay là phải sớm khắc phục tình trạng sạt lở, không để kéo dài, từng bước ổn định cuộc sống nhân dân. Nhưng ngân sách thành phố không thể cân đối để đầu tư thực hiện. Do vậy, tháng 12-2020, UBND TP. Long Xuyên báo cáo UBND tỉnh xem xét chủ trương thực hiện và hỗ trợ kinh phí để xử lý các đoạn này. Trước mắt, cần ban bố tình huống khẩn cấp và cho chủ trương đầu tư dự án kè khắc phục sạt lở ở 2 đoạn mới; bố trí bán nền tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Giữa tháng 1-2021, đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình làm trưởng đoàn đã đến khảo sát tình hình sạt lở tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có khu vực rạch Cái Sắn. Sau khi khảo sát các khu vực sạt lở, nghe ý kiến đề xuất của các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị: “Các sở, ngành phối hợp địa phương trong việc ban bố tình huống khẩn cấp và lập quy hoạch đầu tư dự án chống sạt lở tại khu vực trên. Việc khái toán kinh phí phải trên tinh thần tiết kiệm, đảm bảo cân đối ngân sách do Trung ương hỗ trợ, cùng nguồn đối ứng của địa phương, ưu tiên khu vực cần xử lý trước”.
Bên cạnh sự nỗ lực khắc phục của địa phương, ngành chuyên môn, rất cần ý thức hợp tác của mỗi người dân. Đó là việc tuân thủ khuyến cáo di dời nhà ở ra khỏi khu vực cảnh báo sạt lở, không lui tới và sinh hoạt trong phạm vi nguy hiểm; không cất nhà lấn chiếm kênh rạch, bờ sông. Đừng chủ quan đối với tài sản và tính mạng của mình, để không phải nơm nớp “sống trong sợ hãi”.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH