Tìm giải pháp khai thác, quảng bá nhung hươu Hương Sơn
Hà Tĩnh sẽ nghiên cứu các giải pháp nhằm phát triển bền vững sản phẩm nhung hươu, hướng tới xây dựng thành sản phẩm quốc gia.
Sáng 27/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn chủ trì hội thảo khoa học “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến sâu nhung hươu Hương Sơn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm”.
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Trên thế giới nghề chăn nuôi hươu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Ở Việt Nam, hiện có trên 15 tỉnh chăn nuôi hươu với gần 70.000 con và đang tiếp tục đang phát triển. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh có số lượng đàn hươu sao lớn nhất nước. Riêng huyện Hương Sơn có tổng đàn trên 44.600 con, sản lượng nhung trên 17 tấn/năm với giá trị trên 180 tỷ đồng (chưa tính thu nhập từ bán giống, bán thịt và các sản phẩm khác).
Tuy có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao nhưng chăn nuôi hươu ở Hà Tĩnh chưa phát huy, khai thác hết tiềm năng, giá trị của sản phẩm, chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để chế biến sâu, nâng cao giá trị.
Nhằm tiếp tục khai thác, phát triển tiềm năng, giá trị của nhung hươu Hương Sơn, hướng tới xây dựng thành sản phẩm quốc gia, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến sâu nhung hươu Hương Sơn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm”.
Mục tiêu của hội thảo nhằm hệ thống lại các kết quả nghiên cứu khoa học trong nước và trên thế giới về nhung hươu, từ đó định hướng nội dung nghiên cứu bổ sung, kế thừa và hoàn thiện cơ sở khoa học về giá trị dinh dưỡng, dược lý của nhung hươu; khẳng định và làm rõ về giá trị và tính ứng dụng của nhung hươu mà Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nghiên cứu, phát triển.
Hội thảo cũng góp phần quảng bá thương hiệu nhung hươu Hương Sơn, qua đó thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ nhung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn nhận được nhiều sáng kiến, giải pháp từ các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại biểu để định hướng công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nhung hươu, góp phần nâng cao giá trị, phát triển thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu.
Hội thảo đã nhận được 15 tham luận từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài tỉnh gửi về.
Tại chương trình, đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chính như: Thực trạng và tiềm năng, lợi thế của nhung hươu Hương Sơn – Hà Tĩnh; tổng quan về nghiên cứu phát triển, sử dụng nhung hươu trên thế giới và Việt Nam – xu hướng phát triển; một số kết quả nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế về thành phần, tác dụng của nhung hươu đối với dinh dưỡng, sức khỏe của con người và định hướng sản phẩm; nhung hươu - một vị thuốc quý trong y học cổ truyền; nhung hươu và một số công nghệ chế biến; công nghệ sấy thăng hoa - tiềm năng ứng dụng cho sản phẩm nhung hươu; công nghệ bào chế nhung hươu, ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe...
Bế mạc hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn bày tỏ cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà quản lý đã gửi tham luận về hội thảo cũng như trực tiếp trình bày tham luận, ý kiến đóng góp tại chương trình về giải pháp phát triển bền vững cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn - Hà Tĩnh, hướng tới xây dựng thành sản phẩm quốc gia.
Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác các giá trị từ nhung hươu; hỗ trợ chuyển giao công nghệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị của nhung hươu Hương Sơn; tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nhung hươu thông qua công tác phát triển chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ.