Tìm giải pháp kiểm soát tiếng ồn ở điểm du lịch
Tình trạng loa nhạc xập xình đinh tai nhức óc, phá vỡ không khí thanh bình tại điểm du lịch đã không còn là chuyện hiếm.
Khi niềm vui trở thành nỗi ám ảnh
Một trong những ví dụ phải kể đến TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) khi nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ hoạt động karaoke, loa kẹo kéo với âm lượng lớn trở thành vấn nạn của nhiều địa phương trên địa bàn. Cụ thể, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh homestay, villa, nhà hàng… đã sử dụng dàn karaoke di động, loa kẹo kéo tổ chức ca hát, âm thanh vượt mức quy định. Ô nhiễm tiếng ồn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường văn hóa đô thị, môi trường du lịch và đời sống của người dân, để lại ấn tượng xấu cho nhiều du khách. Thực tế nhức nhối đến mức chính quyền địa phương phải vào cuộc.
Gần đây nhất, chính quyền xã Cẩm Thanh (TP Hội An) đã thông báo nghiêm cấm tất cả loại hình hát karaoke trên sông phục vụ du khách tham quan tại điểm du lịch rừng dừa Bảy Mẫu kể từ sau ngày 20/11/2023, để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không gây ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân xung quanh. Trước đó, vào năm 2022, UBND TP Hội An đã ban hành thông báo về việc chấn chỉnh tình trạng gây ô nhiễm về âm thanh, tiếng ồn tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Năm 2019, thành phố đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm về âm thanh, tiếng ồn và quảng cáo rao vặt trên địa bàn.
Đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương đã áp dụng một số biện pháp xử lý “mạnh tay”, bao gồm cả việc cấm và ra quân xử lý vi phạm thường xuyên. Đồng thời, nhiều giải pháp khác cũng được đưa ra thảo luận tại các hội thảo, diễn đàn về nâng cao chất lượng, giải quyết các tồn tại trong môi trường du lịch tại tỉnh nói chung, TP Hội An nói riêng. Điều đó cho thấy, ngành Du lịch địa phương đã nhận diện rõ mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm tiếng ồn đối với sự phát triển bền vững của các điểm đến di sản.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ô nhiễm tiếng ồn là một trong những vấn đề lớn ảnh hưởng ngành du lịch, có thể làm giảm lượng du khách, doanh thu của doanh nghiệp khi một bộ phận lớn khách du lịch yêu cầu môi trường nghỉ dưỡng yên tĩnh và thư giãn. Còn cư dân địa phương sống gần khu du lịch ồn ào không hưởng lợi từ hoạt động kinh tế này cũng sẽ cảm thấy phiền toái, khổ sở phải chịu đựng tiếng ồn hàng ngày, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của họ.
Thách thức cho du lịch đêm
Trên thực tế, việc ô nhiễm tiếng ồn cũng thường phát sinh khi hoạt động kinh tế đêm, du lịch đêm ngày càng phát triển, như tại Hà Nội, TP HCM,… Từ tối về đêm thường là khoảng thời gian nghỉ ngơi. Do đó, những loại âm thanh ồn ào từ tiếng cười nói, đến tiếng nhạc xập xình đều có thể ít nhiều gây ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là người dân sống gần các điểm du lịch.
“Bài toán” cân bằng giữa bảo đảm khai thác, phát triển tiềm năng du lịch và gìn giữ môi trường du lịch không ô nhiễm tiếng ồn không hề dễ dàng. Điều quan trọng là phải giải quyết được vấn đề xung đột không gian và nhu cầu hưởng thụ không gian đó giữa những đối tượng khác nhau.
Hội An đã tạo dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế là một đô thị di sản, với vẻ đẹp tĩnh và đang có định hướng trở thành điểm đến xanh thì việc kiểm soát tối đa ô nhiễm tiếng ồn là nhiệm vụ cấp thiết, không để vấn đề này ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quy hoạch phân vùng không gian, sản phẩm một cách bài bản mới là “chìa khóa” để giải quyết căn cơ thực trạng ô nhiễm tiếng ồn mà vẫn bảo đảm phát huy tiềm năng du lịch điểm đến.
Đối với các mô hình kinh tế đêm, cũng cần có những quy định cụ thể về những khu vực được phép gây ra tiếng ồn để phục vụ hoạt động du lịch, tiếng ồn ở mức nào, căn cứ trên đánh giá tác động với các bên. Các giải pháp kỹ thuật và hàng rào pháp lý được quy định rõ sẽ là căn cứ cho các lực lượng chức năng giám sát, xử lý, đồng thời nâng cao chất lượng du lịch điểm đến.