Tìm giải pháp nâng cao an toàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Xác định tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là trục giao thông quốc gia, lưu lượng giao thông cao và không ngừng gia tăng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm quan tâm đầu tư nâng cấp đạt quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi, an toàn hơn...
Ngày 21/2, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp đánh giá nguyên nhân, rút kinh nghiệm và triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I dài 98,3km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng. Giai đoạn đầu khai thác, tuyến đường có hai làn xe với chiều rộng nền đường 12m, riêng đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 23m; giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 23m.
Ngày 18/02/2024, tại Km48+200 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận thuộc địa phận thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, do xe ô tô 7 chỗ ngồi mang biển kiểm soát 36A-485.67 va chạm với xe đầu kéo mang biển kiểm soát 63C-136.59; hậu quả làm 3 người chết.
Nguyên nhân được xác định ban đầu là do người điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 36A- 485.67 vượt không đúng quy định gây tai nạn, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phong Điền đang tiếp tục điều tra làm rõ. Kết quả bước đầu xác minh cho thấy lái xe các phương tiện liên quan tai nạn không vi phạm nồng độ cồn, test nhanh ma túy các lái xe liên quan tai nạn giao thông cho kết quả âm tính.
Vì vậy, tại cuộc họp trên, bên cạnh phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn là do ý thức của người tham gia giao thông thì các cơ quan, đơn vị liên quan cũng đã chỉ ra các nguyên nhân khác đến từ những bất cập về hạ tầng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Nhiều ý kiến cho rằng, trên toàn tuyến có nhiều điểm kết thúc vượt xe có thiết kế nền đường theo kiểu “bó hẹp, thắt cổ chai” như tại tại Km48+200 (vị trí xảy ra vụ tại đặc biệt nghiêm trọng), tiềm ẩn tai nạn giao thông cần sớm có giải pháp xử lý, khắc phục. Bên cạnh đó, trên toàn tuyến cần lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng, camera phạt nguội, bổ sung thêm các biển báo về tốc độ, khoảng cách; nghiên cứu có thể giảm ngắn lại các dãy phân cách cứng ở những điểm kết thúc vượt...
Tại cuộc họp trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đề nghị Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương tiếp tục, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm ra vào cao tốc; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, quy định của pháp luật về an toàn giao thông liên quan các lỗi thường xuyên xảy ra trên cao tốc hiện nay như chạy quá tốc độ, lấn đường, vượt xe không đúng quy định. Ông Hải cũng nhấn mạnh, đối với các phương án về điều chỉnh hạ tầng không phải mất nhiều thời gian về xin cấp thủ tục, vốn cần phải được triển khai ngay; những bất cập nào xử lý được thì phải xử lý ngay để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Xác định tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn là trục giao thông quốc gia, lưu lượng giao thông cao và không ngừng gia tăng, vì vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư nâng cấp đạt quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi, an toàn hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các cơ quan quản lý, khai thác đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn phối hợp kiểm tra, thẩm định lại hệ thống an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông đoạn tuyến xảy ra tai nạn; có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm xử lý, khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập về kết cấu hạ tầng tại đoạn tuyến xảy ra tai nạn trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau thời gian tổ chức giao thông tại tuyến đường trên đã xuất hiện một số hạn chế.
Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam giao lãnh đạo Khu quản lý đường bộ II chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Cảnh sát giao thông trên tuyến… rà soát tình hình tổ chức giao thông, báo hiệu đường bộ và công trình an toàn giao thông để khắc phục, nâng cao an toàn giao thông trên tuyến. Thời gian hoàn thành kiểm tra hiện trường và hoàn thành việc ký biên bản trước hoặc trong ngày 25/2.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tim-giai-phap-nang-cao-an-toan-tren-cao-toc-cam-lo-la-son.htm