Tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh
Chiều 29.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm 'Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh'.
Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì tọa đàm.
“Tọa đàm là dịp đặc biệt để các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, nhất là những người công tác trong ngành giáo dục, bằng trí tuệ và tâm huyết của mình, cùng nhau thảo luận, đề xuất những giải pháp, kiến nghị sát thực, khả thi nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và tuyển sinh trong giai đoạn tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Tọa đàm tập trung bàn giải pháp cho 3 vấn đề của giáo dục đang được dư luận quan tâm, bao gồm: nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật; tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ
Tính đến năm 2022, cả nước có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có 157 cơ sở giáo dục đại học và 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành.
Qua giám sát cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ từng bước được hoàn thiện, đã quy định tương đối toàn diện, đầy đủ những vấn đề cốt lõi trong hoạt động đào tạo tiến sĩ, tiệm cận với chuẩn mực của khu vực và thế giới, phát huy quyền tự chủ, tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch của các cơ sở đào tạo tiến sĩ.
Tuy nhiên, một số quy định về đào tạo tiến sĩ chưa sát thực tế, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, cần nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với một số đơn vị, lĩnh vực đặc thù. Chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ tiến sĩ chưa đầy đủ, hoàn thiện; chưa có chính sách để ưu tiên, khuyến khích, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quy trình tổ chức, quản lý và việc tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của một số cơ sở còn bất cập; có nơi để xảy ra sai phạm, chậm được phát hiện và xử lý. Đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ còn bất cập, không đồng đều trong hệ thống. Một số đề tài, luận án tiến sĩ có hàm lượng khoa học chưa tương xứng với bậc đào tạo trình độ tiến sĩ nhưng vẫn được chấp nhận thông qua, tạo ra những ý kiến lo ngại, bức xúc trong dư luận xã hội…
Để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới mục tiêu chất lượng; quán triệt quan điểm đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân lực chất lượng cao, cần đặc biệt coi trọng chất lượng; từng bước phát triển quy mô, cơ cấu đào tạo một cách hợp lý; gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng. Nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra. Thực hiện tốt các chính sách thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên có năng lực.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng quy mô đào tạo tiến sĩ, nhất là ở các ngành công nghệ cao, công nghệ cốt lõi. Có chính sách khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, mũi nhọn… Đặc biệt, cần có cơ chế hỗ trợ nghiên cứu sinh để họ chuyên tâm toàn thời gian nghiên cứu.
Hoàn thiện các quy định về đào tạo luật
Đào tạo luật là một yếu tố then chốt trong việc phát triển hệ thống pháp lý. Việc bảo đảm chất lượng đào tạo luật góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Hệ giáo dục đại học Việt Nam hình thành 2 mô hình cơ sở đào tạo luật: các cơ sở đào tạo chuyên về luật, chiếm gần 30% sinh viên của toàn bộ hệ thống; các khoa, bộ môn của trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, quy mô tuyển sinh trung bình hoặc nhỏ.
So sánh và nhận xét về mô hình đào tạo đào luật của Việt Nam và một số nước cho thấy, ở Việt Nam chưa xem đào tạo luật như là những ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù cần được kiểm soát chất lượng như các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe cũng như mô hình đào tạo luật của một số nước tiên tiến; bắt đầu đào tạo luật từ bậc cử nhân với thời gian đào tạo ngắn chỉ từ 3,5 - 4 năm từ người tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chương trình đào tạo luật chưa chú trọng nhiều đến khía cạnh thực hành; quy trình cấp phép hành nghề chưa được chuẩn hóa một cách hệ thống và đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của ngành nghề. Việc phân tách giữa cơ sở đào tạo luật cấp văn bằng cử nhân (do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý) và cơ sở đào tạo nghề luật (do bộ chuyên ngành quản lý) dẫn tới thiếu sự thống nhất và liên thông trong đào tạo luật.
Đội ngũ giảng viên còn hạn chế về số lượng, chuyên môn và nghiên cứu khoa học; nhiều giảng viên có nền tảng học thuật tốt nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong ngành luật, ảnh hưởng đến khả năng truyền đạt các kỹ năng thực hành cho sinh viên.
Về sản phẩm đầu ra, so sánh giữa các đơn vị chuyên ngành luật và sử dụng nhân sự ngành luật thì các đơn vị chỉ sử dụng nhân sự ngành luật có mức hài lòng cao hơn ở tất cả các tiêu chí so với các đơn vị chuyên ngành…
Để nâng cao chất lượng đào tạo luật, theo các chuyên gia, trước hết, cần hoàn thiện các quy định về đào tạo luật, bao gồm quy định về mở ngành đào tạo luật; chuẩn cơ sở giáo dục đại học; chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm để đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo luật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, trong đó có các cơ sở đại học có đào tạo ngành luật để chủ động phát triển về quy mô, cơ cấu đào tạo.
Nâng cao chất lượng đào tạo luật từ phía cơ sở đào tạo, trong đó đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn; đồng thời tăng các môn học kỹ năng và thực hành.
Tập trung đầu tư nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo cử nhân luật: nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết bị giảng dạy; tăng cường sử dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên và khuyến khích giảng viên tham gia các hoạt động thực tiễn.
Tuyển sinh bảo đảm chất lượng và công bằng
Luật Giáo dục đại học 2012 đã trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh trên cơ sở quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi, tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học chủ động trong việc xây dựng đề án, tổ chức thực hiện tuyển sinh phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.
Việc tuyển sinh hiện được thực hiện theo 3 hình thức: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển và do cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định. Trong đó, phương thức xét tuyển bằng học bạ, bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng vẫn là những phương thức xét tuyển chủ yếu của nhiều trường.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh (hơn 20 phương thức hiện đang được áp dụng) nhưng chưa có căn cứ khoa học hợp lý trong phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh khiến thí sinh gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Do thiếu căn cứ rõ ràng trong xác định chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh ở nhiều cơ sở giáo dục đại học nên nhiều trường đã dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, ít chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; sử dụng phương thức tuyển sinh sớm thông qua xét học bạ, xét bằng điểm đánh giá năng lực, xét bằng điểm đánh giá tư duy... khi học sinh chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (chưa có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Tình trạng này dẫn tới hệ quả một số trường có điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp rất cao, có những ngành/trường thí sinh đạt 29 - 30 điểm vẫn rớt nguyện vọng 1; chưa bảo đảm sự khách quan, công bằng cho các thí sinh, làm mất cơ hội của thí sinh để được vào trường đại học tốt, nhất là học trò vùng sâu, xa không có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng và giữa các cơ sở đào tạo; không dự báo được lượng thí sinh ảo; xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh trong công tác tuyển sinh giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục được tuyển chọn chất lượng thí sinh tốt nhất.
Việc nhiều trường đại học tổ chức xét tuyển sớm và công bố thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm cũng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở; đặc biệt, việc sử dụng duy nhất điểm học bạ của học sinh để xét tuyển sinh sớm thời gian gần đây khiến dư luận băn khoăn, lo ngại về chất lượng thực sự của thí sinh đăng ký.
Các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2025 trở đi, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm chất lượng và công bằng; xem xét sửa quy chế, điều chỉnh quy định về xét tuyển, theo đó các trường phải thực hiện đối sánh kỹ lưỡng để xây dựng được chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo quyền được lựa chọn của thí sinh, công bằng và chất lượng trong tuyển sinh.
Chính phủ cũng cần chỉ đạo rà soát, đánh giá, ban hành hướng dẫn quy định chung đối với việc tuyển sinh dành cho đối tượng; các cơ sở giáo dục đại học căn cứ tiêu chí chung đó xây dựng, ban hành quy chế tuyển sinh riêng của mình. Trong đó, các trường được tự chủ về tuyển sinh nhưng tự chủ trong khuôn khổ, hướng dẫn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện quyền tự chủ trong giáo dục đại học, mở ngành, tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Với tư cách là người thụ hưởng từ tọa đàm này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh. Đây là những vấn đề lớn, cần có các giải pháp mang tính tổng thể, song Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, “con người là vấn đề chúng tôi quan tâm nhất, cần có cơ chế, chính sách xứng đáng đối với đội ngũ người thầy”.