Tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo tại các nhà trường trong BĐBP

Mới đây, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức hội nghị bàn về vấn đề xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên ngành và xây dựng chương trình đào tạo cho các đối tượng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh Hội nghị xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên ngành; xây dựng chương trình đào tạo cho các đối tượng của các nhà trường đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn mới do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức. Ảnh: Cẩm Linh

Toàn cảnh Hội nghị xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên ngành; xây dựng chương trình đào tạo cho các đối tượng của các nhà trường đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn mới do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức. Ảnh: Cẩm Linh

Nhìn thẳng vào các bất cập trong công tác đào tạo

Tại hội nghị, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tuấn Đợi, Phó Giám đốc Học viện Biên phòng thông tin: Qua khảo sát và một số phản hồi của các đơn vị, Học viện Biên phòng nhận thấy một số hạn chế của học viên đào tạo ra trường, đó là trình độ xây dựng và sử dụng hệ thống văn kiện quản lý bảo vệ biên giới quốc gia còn chưa cao, năng lực tổ chức, chỉ huy xử lý, giải quyết các tình huống vụ việc chưa hiệu quả, nhất là tính chủ động, sáng tạo. Khả năng sử dụng tiếng dân tộc, tiếng các nước láng giềng trong quá trình công tác còn bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; năng lực tham mưu chưa chủ động, hiệu quả...

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo trong BĐBP thời gian tới, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, chương trình đào tạo của các nhà trường trong BĐBP bên cạnh những điểm tích cực, sau nhiều năm đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đó là thời gian đào tạo dài. Một số chương trình có nội dung giống nhau nhưng chưa tích hợp, chưa gắn với yêu cầu sử dụng cán bộ sau khi ra trường, nhất là đào tạo theo chức vụ. Xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cho một số đối tượng còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và thống nhất. Tỷ lệ các khối kiến thức chuyên ngành trong các chương trình đào tạo chưa cân đối, nội dung có chương trình còn dàn trải... Phương pháp giảng dạy của một số giảng viên còn nặng về lý thuyết chưa phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đội trưởng đội công tác sau khi tốt nghiệp ra trường...

Mặt khác, vấn đề thực trạng đội ngũ giảng viên hiện nay tại các nhà trường trong BĐBP cũng được các đại biểu dự hội nghị quan tâm. Theo báo cáo của Bộ Tham mưu BĐBP, hiện nay, các nhà trường trong toàn lực lượng có 170 giảng viên, giáo viên; 19 chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng. Số lượng giảng viên chuyên ngành đạt trình độ Tiến sĩ, đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư chưa nhiều. Tỷ lệ cán bộ, giảng viên được đi thực tế còn ít. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, giảng viên một số khoa chưa được tập huấn chuyên sâu theo từng chuyên ngành, điều kiện nắm bắt, thu thập thông tin còn hạn chế. Hệ thống giáo trình, tài liệu nghiên cứu, tham khảo về nghiệp vụ chuyên ngành đối với một số đối tượng còn thiếu. Phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ liên tục thay đổi về tính năng, mô hình học cụ chưa nhiều, một số đã lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện...

Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng thông tin, công tác xây dựng, kiện toàn đội ngũ giáo viên luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động quy hoạch, kiện toàn, phát triển đội ngũ giáo viên và có kế hoạch bổ sung, sắp xếp hợp lý; chú trọng đội ngũ giáo viên chuyên ngành. Đội ngũ giáo viên của nhà trường tuy đã được bổ sung, song có giai đoạn chưa ổn định, một số giáo viên trẻ, mới tốt nghiệp tại các học viện, nhà trường Quân đội, kinh nghiệm thực tế, năng lực sư phạm còn hạn chế trong công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ. Nhà trường là đơn vị duy nhất trong các nhà trường Quân đội vừa tổ chức đào tạo học viên, vừa huấn luyện chó nghiệp vụ và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; không có cơ quan chuyên môn cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên ngành huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ. Điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa nhà trường với các cơ sở huấn luyện, sử dụng chó trong và ngoài nước chưa được mở rộng nên việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ còn gặp khó khăn...

Học viên đào tạo sĩ quan tại Học viện Biên phòng tham gia huấn luyện nội dung thể lực. Ảnh: Đình Huy

Học viên đào tạo sĩ quan tại Học viện Biên phòng tham gia huấn luyện nội dung thể lực. Ảnh: Đình Huy

Từng bước gỡ khó cho các cơ sở đào tạo trong BĐBP

Đối với vấn đề xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo cho các đối tượng, theo Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP, cần rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm nội bộ sát với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quy trình, chương trình đào tạo bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn công tác của BĐBP. Chuẩn hóa các chương trình đào tạo, đảm bảo cách mạng, khoa học, liên tục, kế thừa, tích hợp, sát với thực tế và phát triển. Đồng thời chắt lọc, tinh chỉnh nội dung các chương trình đào tạo theo hướng kiện toàn hệ thống tổ chức xây dựng, vận hành và phát triển chương trình đào tạo theo mục tiêu đào tạo.

Đồng chí Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP đề nghị các cơ quan của Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhà trường nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành để đề xuất Bộ Tư lệnh báo cáo Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung những văn bản còn bất cập, đảm bảo phù hợp với thực tế để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tổng hợp, đề xuất nhu cầu sử dụng cán bộ gắn với đào tạo trình độ tiến sĩ, kết hợp với đào tạo chỉ huy Biên phòng cấp tỉnh.

Tham mưu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên, giáo viên của các nhà trường đi thực tế, luân chuyển, khảo sát thực tế tại các đơn vị cơ sở để tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, tài liệu. Mời cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ chuyên ngành; dự sơ, tổng kết và tham gia các chuyên án, vụ án để bổ sung kiến thức thực tế, kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống các loại đối tượng, tội phạm nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm; thường xuyên thông báo những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại đối tượng, tội phạm để giảng viên, giáo viên nghiên cứu, đưa vào giáo án, bài giảng làm minh chứng cho nội dung giảng dạy. Đề xuất Bộ Tư lệnh BĐBP trang cấp thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tài liệu, nhất là trang bị mới, hiện đại đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo trong tình hình mới.

Đồng chí Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP lưu ý, các nhà trường trong BĐBP quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo; có tư duy tổng thể, lâu dài; tham mưu, đề xuất Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo thực hiện trước mắt, từng giai đoạn. Quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên ngành thích ứng với thời cơ, thách thức trong bối cảnh hiện nay; chú trọng phát triển, hoàn thiện tiêu chí cán bộ, giảng viên nâng cao nhận thức, tư duy, kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp giảng dạy hiện đại ứng dụng công nghệ mới, tương tác đa chiều, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học. Bám sát chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, tranh thủ ý kiến chỉ đạo, cập nhật đầy đủ các văn bản có liên quan đền công tác nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ cũng như đưa vào giáo án bài giảng, kết hợp với tình hình thực tiễn trên các tuyến biên giới...

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tim-giai-phap-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dao-tao-tai-cac-nha-truong-trong-bdbp-post482086.html