Tìm giải pháp nâng cao chuẩn đầu ra môn Tiếng Anh cho học sinh phổ thông

Trường ĐH Sư phạm TPHCM vừa tổ chức Hội thảo 'Thực trạng dạy học tiếng Anh trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn Tiếng Anh của học sinh các cấp phổ thông các tỉnh, thành phố miền Nam'.

Tính đến thời điểm này, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã chính thức bước sang năm thứ năm. Từ ngày triển khai đến nay, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Từ việc có nhiều mô hình phát triển dạy và học ngoại ngữ một cách hiệu quả ra đời tại các trường phổ thông trong cả nước, đến năng lực, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên ngoại ngữ được nâng lên thấy rõ thì điều quan trọng nhất chính là nhận thức của cán bộ quản lý các cấp về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong việc hội nhập đã thay đổi rõ rệt.

Tuy vậy, những khó khăn hiện hữu trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt là nâng cao chất lượng đầu vào và chuẩn đầu ra môn Tiếng Anh cho học sinh các bậc học phổ thông vẫn còn rất nhiều thách thức. Và để giải quyết được những vấn đề mang tính cấp bách hiện nay theo các nhà khoa học, quản lý tại hội thảo, ngành Giáo dục, xã hội cần phải cùng nhau bắt tay vào hành động, hành động một cách quyết liệt và có những bước đi tích cực, đột phá hơn cho vấn đề này.

Theo TS Trần Thị Minh Phượng (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) thì vấn đề then chốt nằm ở người dạy - tức người thầy. Người thầy hiện nay quá thiếu thời gian để nâng cao chuyên môn, rèn luyện các phương pháp sư phạm (vì phải làm đủ thứ việc), khiến không đáp ứng được mục tiêu giảng dạy, các giải pháp đổi mới.

“Thực tế cho thấy không thể duy ý chí áp đặt chỉ tiêu đạt chuẩn cho giáo viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hay đổi mới SGK, thay đổi cách thi cử là xong. Cái chính để thoát khỏi vòng luẩn quẩn thì chúng ta cần một quy trình mang tính đồng bộ, khoa học mà ở đó người giáo viên có thời gian để trau dồi nghiệp vụ, nâng cao chuyên môn, học sinh có thể chủ động học tập bằng nhiều hình thức, phương pháp sư phạm trên lớp. Song song đó, các em có thể chủ động tham gia học, rèn luyện khả năng nói, giao tiếp từ chính môi trường học tập chủ động do giáo viên tạo ra. Có như thế, việc đổi mới, nâng chất việc dạy ngoại ngữ mới hiệu quả, không gây nhàm chán cho học sinh” - bà Phượng nêu quan điểm.

Đồng tình với những phân tích của TS Phượng, ThS Nguyễn Đình Thanh, Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hạn chế lớn nhất của việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông chính là việc chúng ta đang thiếu nguồn giáo viên chất lượng, đặc biệt là ở bậc tiểu học và THCS khiến cho việc học tập của học sinh yếu kém, SGK tiếng Anh đang sử dụng chưa lôi cuốn học sinh, một bộ phận giáo viên tiếng Anh thiếu thời gian, động lực phát triển nghề nghiệp…

Hiện nay, có khoảng 3.000 lưu học sinh Campuchia đang theo học tại các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam diện Hiệp định và diện tự túc (trong đó số SV học sau ĐH chiếm khoảng 20 - 25%). Các chuyên ngành thu hút nhiều SV Campuchia là y, dược, nông nghiệp, kinh tế, kiến trúc, kỹ thuật - công nghệ… Trong đó ngành y - dược chiếm tới 47%; nông nghiệp khoảng 11%, kinh tế 10,8%; kỹ thuật 8,8%; kiến trúc; xây dựng 6,7%.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tim-giai-phap-nang-cao-chuan-dau-ra-mon-tieng-anh-cho-hoc-sinh-pho-thong-1520304-b.html