Tìm giải pháp phát triển chợ truyền thống
Khi mức sống của người dân ngày càng tăng cao thì tâm lý mua sắm và thói quen 'đi chợ' cũng có nhiều thay đổi. Các chợ truyền thống ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, các hình thức mua sắm trực tuyến…
Do đó, để chợ truyền thống duy trì được sức cạnh tranh, các địa phương cần có những giải pháp phù hợp về quản lý, đầu tư phát triển các chợ truyền thống một cách bền vững, văn minh.
Cần có phương án mang tính dài hơi
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tính tới cuối năm 2023, cả nước có hơn 8,3 ngàn chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng II, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế, chợ nông thôn chiếm khoảng 73%. Tại Đồng Nai, theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 chợ đang hoạt động, trong đó có 91 chợ ở nông thôn và 46 chợ ở thành thị. Về phân hạng chợ, có 1 chợ đầu mối, 7 chợ hạng I, 28 chợ hạng II, còn lại là các chợ hạng III.
HĐND tỉnh đã có các buổi giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tại các buổi giám sát này, việc đầu tư, quy hoạch phát triển chợ truyền thống là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến.
Theo Bộ Công thương, Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ được xây dựng trong bối cảnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới như: Luật Đầu tư năm 2020; Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Đầu tư công năm 2019...
Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần tiếp tục quan tâm xây dựng, duy trì các tiêu chuẩn về chợ văn hóa, chợ văn minh; mở rộng thêm các điểm kinh doanh an toàn; nâng cao, đổi mới cung cách phục vụ, đảm bảo niêm yết giá, lồng ghép các hình thức mua sắm, thanh toán tiện ích, hiện đại tại các chợ truyền thống…
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Ngọc Kim Mai bày tỏ, các địa phương trong tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng tiêu chí để quản lý, vận hành các chợ truyền thống hiệu quả hơn, chú trọng phát triển các chợ văn hóa, văn minh, hiện đại…
Bên cạnh đó, tại các buổi làm việc với các địa phương về lĩnh vực công thương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thường xuyên nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ, cần chú trọng xây dựng phương án, kế hoạch dài hơi, quy hoạch phát triển mạng lưới chợ phù hợp; cũng như chấn chỉnh tình trạng chợ hoạt động không hiệu quả, các điểm kinh doanh tự phát…
Nghị định mới về quản lý và phát triển chợ
Vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định số 60) về phát triển và quản lý chợ. Nghị định này gồm 5 chương, 38 điều và 2 phụ lục, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Nghị định được kỳ vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển chợ trong tình hình hiện nay, góp phần tháo gỡ các khó khăn, bất cập liên quan đến đầu tư chợ của các địa phương…
Nghị định này phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển thương mại trong nước tại chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phát triển và quản lý chợ một cách có hiệu quả.
Thông tin chi tiết một số điểm mới của nghị định này, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga chia sẻ, về đầu tư xây dựng chợ, nghị định cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn. Tuy nhiên, đầu tư chợ phải phù hợp với tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan thay vì quy định phân cấp hỗ trợ đầu tư (trung ương, địa phương) đến một số hạng chợ, loại chợ cụ thể như trước đây. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho việc huy động, tận dụng mọi nguồn lực phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật chợ tương xứng với vị trí và vai trò của chợ, trong đó có nguồn ngân sách địa phương.
Ngoài ra, nghị định đã bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ, đặc biệt liên quan đến việc: bảo trì trong chu kỳ dự án đầu tư xây dựng chợ; việc công khai thông tin niêm yết và lấy ý kiến của các bên liên quan khi di dời, xây dựng lại; xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển; duy trì chợ tạm...
Nghị định bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để triển khai Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Nghị định đã dành 1 chương về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý do Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) phối hợp xây dựng. Việc bổ sung nội dung này sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương trong quá trình triển khai công tác phát triển chợ là tài sản công do nhà nước đầu tư, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Nghị định cũng đã bổ sung quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo kiến nghị của các địa phương; quy định về chợ đêm…
Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài chia sẻ, để Nghị định số 60 triển khai đồng bộ và hiệu quả, UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, nhằm tạo đồng thuận trong phát triển và quản lý chợ tại các địa phương theo đúng quy định. Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ Công thương tiếp tục đồng hành, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình hướng dẫn triển khai thực hiện nghị định này.