Tìm giải pháp phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên. Ảnh: LÊ HẢO

Ngày 22/9, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”. Hội nghị được trực tuyến đến 31 điểm cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phía Nam.

Tại Phú Yên, đại diện thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và đại diện các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh tham dự.

Tại hội nghị, các đại biểu được diễn giả thông tin về tổng quan rửa tiền trong giao dịch điện tử; phòng, chống rửa tiền trong thế giới tiền điện tử là gì và cơ chế hoạt động như thế nào; tại sao ngành công nghiệp tiền điện tử cần phải tuân thủ chống rửa tiền (AML) và định danh khách hàng (KYC)?... Các đại biểu còn được phổ biến một số nội dung trọng tâm của Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; đồng thời được giải đáp những vướng mắc liên quan.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Quá trình xây dựng luật, nghị định và thông tư, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị soạn thảo, nhất là Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) để tham gia góp ý, tổ chức hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế. Do đó, luật, nghị định, thông tư được ban hành có nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn, giúp các tổ chức, cá nhân liên quan thực thi có hiệu quả.

“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa) nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ. Đặc biệt, những năm gần đây, tiền mã hóa được sử dụng để thanh toán cho nên không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này. Vì vậy, hội nghị sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế, chuyên gia trao đổi và cập nhật nhiều thông tin hữu ích, từ đó triển khai hoạt động phòng, chống rửa tiền hiệu quả trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/308205/tim-giai-phap-phong-chong-rua-tien-trong-giao-dich-tien-ma-hoa.html