Tìm giải pháp tăng lợi nhuận cho người trồng càphê ở Đông Nam Á

Hầu hết những người trồng càphê ở các nước đang phát triển thường thu về giá thấp, ngược lại, các nhà rang xay càphê, các thương nhân quốc tế thống trị chuỗi càphê toàn cầu và thu được phần lợi nhuận

Thu hoạch càphê ở Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Thu hoạch càphê ở Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Càphê là một trong những sản phẩm nông nghiệp quan trọng nhất được mua bán trên toàn cầu.

Trong khi sản xuất càphê tập trung ở các nước đang phát triển, tiêu thụ càphê lại chủ yếu diễn ra ở các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

Hai quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia nằm trong top 5 nhà sản xuất càphê lớn nhất thế giới. Càphê cũng là một nguồn thu xuất khẩu nông nghiệp quan trọng của Lào, mang về cho nước này 72,5 triệu USD vào năm 2021 (khoảng 0,5% GDP).

Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), năm 2020, hơn 20.000 hộ nông dân nhỏ ở Lào kiếm sống dựa vào việc bán hạt càphê. Ngoài ra, hơn 300.000 người (khoảng 6% lực lượng lao động) làm việc trong ngành càphê.

Hầu hết những người trồng càphê ở các nước đang phát triển là những hộ sản xuất nhỏ thường thu về giá thấp đối với các sản phẩm của họ.

Ngược lại, các nhà rang xay càphê, các thương nhân quốc tế thống trị chuỗi càphê toàn cầu và thu được phần lợi nhuận đáng kể.

Trước đây đã có những hợp tác quốc tế nhằm nâng cao và ổn định giá càphê, đáng chú ý nhất là Hiệp định càphê Quốc tế (ICA) năm 1962.

Tuy nhiên, sau khi cơ chế ICA sụp đổ năm 1989, do thiếu sự hỗ trợ từ các nước thành viên, giá cả càphê quốc tế trở nên biến động hơn nhiều. Mức độ tập trung của thị trường cũng tăng lên và có xu hướng nghiêng về phía những người chơi lớn hơn.

Theo Tiến sỹ Prapimphan Chiengkul, thành viên Chương trình Biến đổi khí hậu Đông Nam Á - Viện Yusof Ishak Singapore, để đối phó với sự biến động giá này, một số sáng kiến phi chính phủ đã xuất hiện nhằm hỗ trợ sinh kế của người nông dân và tính bền vững của môi trường bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn sản xuất xã hội-môi trường để đổi lấy giá cao hơn.

Một số loại càphê Việt Nam được giới thiệu và quảng bá tại Nam Phi .(Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Một số loại càphê Việt Nam được giới thiệu và quảng bá tại Nam Phi .(Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Fairtrade International là một chương trình dán nhãn bền vững xuyên quốc gia đánh dấu các sản phẩm bằng biểu tượng Fairtrade.

Các sản phẩm thương mại công bằng thường được bán với giá cao hơn do các hộ nông dân nhỏ được đảm bảo mức giá tối thiểu cho cây trồng của họ để tránh bị giảm giá đột ngột.

Ngoài ra, nông dân được hưởng lợi từ Fairtrade Premium - một khoản thanh toán bổ sung trên giá bán được chi cho các mục đích có lợi cho xã hội - được trả cho các nhóm hoặc hợp tác xã của họ.

Nhiều người trồng càphê Fairtrade cũng có chứng nhận hữu cơ đảm bảo sản xuất bền vững với môi trường. Tại Indonesia, có khoảng 25 hợp tác xã càphê được chứng nhận Fairtrade và 98% trong số đó có chứng nhận hữu cơ.

Việc có chứng nhận hữu cơ và Thương mại công bằng sẽ tăng cơ hội thị trường cho người trồng càphê. Họ cũng có thể bán càphê với giá cao hơn cho những người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cho càphê bền vững.

Người mua càphê có thể tạo dựng niềm tin và mối quan hệ lâu dài với các nhóm sản xuất để loại bỏ nhu cầu chứng nhận của bên thứ ba, vốn có thể gây phát sinh chi phí.

Hợp tác xã nông dân trồng càphê Jhai (JCFC) ở Lào đã bán càphê đặc sản cho Công ty Nhật Bản Alter Trade Japan (ATJ) từ năm 2010.

Thay vì yêu cầu chứng nhận hữu cơ và Fairtrade, ATJ đã cử 35 nhân viên đến làm việc với nông dân và kiểm tra quá trình sản xuất. ATJ cũng cung cấp các khoản thanh toán bổ sung giống như Fairtrade Premium.

Phản ánh xu hướng toàn cầu, nhiều người Đông Nam Á đã thưởng thức càphê đặc sản chất lượng cao và "hưởng thụ không gian" càphê.

Ngành càphê đặc sản ở Thái Lan đã bắt đầu cách đây hai thập kỷ và dự kiến vẫn sẽ phát triển nhanh chóng trong vài năm tới. Xu hướng tương tự có thể được tìm thấy ở các nước Đông Nam Á khác.

Tại Singapore, Jakarta, Bangkok, Kuala Lumpur, Thành phố Hồ Chí Minh và Manila, các quán càphê độc lập và chuỗi càphê trong nước đã phát triển mạnh mẽ bên cạnh các chuỗi càphê quốc tế.

Một số chuỗi càphê Đông Nam Á có sự khác biệt với các chuỗi quốc tế bằng cách bán càphê "kiểu truyền thống" như càphê sữa đá và càphê trộn với sữa chua hoặc lòng đỏ trứng của Việt Nam, kopi tubruk ở Indonesia, kafae boran ở Thái Lan và barako ở Philippines.

Nhiều quán càphê đã trở thành nơi lui tới phổ biến với đồ trang trí được thiết kế đặc biệt cho những khách hàng trẻ tuổi, thích chụp ảnh selfie hoặc dùng mạng xã hội Instagram.

Các quán càphê nằm ven sông hoặc trong các trang trại xung quanh Bangkok đã đón một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước vào cuối tuần tìm kiếm những kỳ nghỉ ngắn trong môi trường thiên nhiên, đặc biệt là khi các hạn chế dịch bệnh đã được nới lỏng.

Đồ uống đặc biệt và "hưởng thụ không gián" như vậy cho phép các quán càphê này thu về giá tương đối cao. Tuy nhiên, lợi nhuận lại không chuyển sang phần thu nhập cho người trồng càphê cũng như tính bền vững của sản xuất.

Mặc dù tiềm năng tăng trưởng cao đối với ngành càphê hữu cơ và Fairtrade ở Đông Nam Á, nhưng chi phí chứng nhận vẫn còn khá cao đối với các nhóm trồng càphê quy mô nhỏ. Nhiều người trong số họ phải vật lộn với thủ tục giấy tờ và để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất cao hơn.

Các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có thể giúp đỡ các nhóm sản xuất mới thành lập bằng cách trợ cấp phí chứng nhận hữu cơ hoặc Fairtrade cho đến khi các nhóm nông dân này tự chủ được về tài chính.

Ngoài ra, các chính phủ ASEAN có thể khuyến khích mua bán càphê trong khu vực nhiều hơn vì sẽ mang lại lợi ích cho chính các nước sản xuất và tiêu thụ càphê.

Do nhiều người tiêu dùng Đông Nam Á đã sẵn sàng trả giá cao hơn cho càphê đặc sản và không gian thưởng thức càphê, họ cũng có thể cân nhắc hỗ trợ các quán càphê cam kết mua càphê địa phương và khu vực được sản xuất bền vững, đồng thời mang lại cho người trồng càphê mức giá hợp lý hơn.

Người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định mua hàng có ý thức để thể hiện sự ủng hộ đối với những người trồng càphê bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tim-giai-phap-tang-loi-nhuan-cho-nguoi-trong-caphe-o-dong-nam-a/842573.vnp