Tìm giải pháp ứng dụng công nghệ thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí

Hội thảo 'Công nghệ thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí' do Báo Điện tử VietnamPlus tổ chức đã nêu ra thực trạng kinh tế báo chí hiện nay và gợi mở giải pháp cho các cơ quan báo chí.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngày 17/6 tại Hà Nội, Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cùng trang tin Vietnam.vn (Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo mang chủ đề “Công nghệ thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí.”

Tại hội thảo, các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan báo chí đã chia sẻ kinh nghiệm, trình bày các giải pháp công nghệ nhằm giúp các tòa soạn phát triển độc giả, nâng cao hiệu suất, hiệu quả của thông tin làm đòn bẩy cho kinh tế báo chí. Đó cũng là một trong những biện pháp hiệu quả giúp các cơ quan báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình, kịp thời đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước lan tỏa tới công chúng.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn đưa ra nhận định trong công cuộc chuyển đổi số, công nghệ không chỉ dẫn dắt báo chí mà còn thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí.

Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Nhận định này từng được Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức thế giới WAN-IFRA nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các báo cáo thường niên, đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch. Trong báo cáo xu hướng 2024, WAN-IFRA cho biết, các nhà xuất bản tin tức toàn cầu mong đợi 20% tổng doanh thu của họ sẽ đến từ các nguồn thu mới, bên cạnh hai nguồn thu truyền thống là quảng cáo và lợi nhuận từ độc giả,” ông Duẩn nói.

Cụ thể, các mô hình kinh doanh mới dành cho báo chí được nhắc tới là tổ chức sự kiện, gọi vốn đầu tư, đối tác của các nền tảng số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết hay kinh doanh dữ liệu…

Theo khảo sát quy mô lớn nhất từ trước tới nay được Hội Nhà báo Việt Nam công bố nhân dịp Hội Báo Xuân 2024, ba nguồn thu chính của các cơ quan báo chí tại Việt Nam vẫn là các mô hình truyền thống, bao gồm: Quảng cáo trên báo in, ngân sách nhà nước, hợp đồng truyền thông... Còn lại, những nguồn thu mà báo chí thế giới đang đẩy mạnh thì vẫn chưa được nhiều tòa soạn ở Việt Nam triển khai, doanh thu còn khá thấp, thậm chí thu phí đọc báo điện tử chưa đạt như kỳ vọng.

“Trong khi đó, hầu hết các nguồn thu mới được WAN-IFRA liệt kê đều là hiệu ứng của chuyển đổi số. Hay nói cách khác, chuyển đổi số đã giúp nhiều cơ quan báo chí khai phá được những vùng đất mới, có thể chưa màu mỡ như mong đợi, nhưng cho thấy thực sự có tiềm năng. Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 cũng định hướng giúp các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu bằng việc chuyển sang những mô hình kinh doanh mới theo hướng báo chí số,” ông Duẩn chia sẻ.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân phát biểu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân phát biểu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tới dự và phát biểu chỉ đạo, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân đã khẳng định kinh tế báo chí đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, báo chí đã mắc sai lầm không thể cứu vãn là đưa toàn bộ nội dung của mình lên mạng miễn phí, khiến người dùng hình thành thói quen truy cập thông tin miễn phí, trong khi đó, nguồn thu từ độc giả mới là nguồn thu chủ yếu và an toàn nhất đối với cơ quan báo chí.

Ông Minh cho rằng báo chí phải đa dạng các nguồn thu chứ không nên chỉ trông chờ vào nguồn thu từ quảng cáo bởi nguồn thu này đã giảm đi nhiều.

“Rất nhiều mô hình kinh doanh của nước ngoài và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi cơ quan báo chí phải áp dụng tối thiểu 3-4 mô hình kinh doanh thì mới bảo đảm thành công. Nếu chỉ loay hoay với một mô hình quảng cáo đang ngày một suy giảm thì chắc chắn cơ quan báo chí sẽ gặp khó khăn,” ông Minh khẳng định.

Theo Vietnamplus.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tim-giai-phap-ung-dung-cong-nghe-thuc-day-da-dang-hoa-nguon-thu-cho-bao-chi/337859.html