Tìm giải pháp 'xanh hóa' hạ tầng thoát nước đô thị
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường thì vấn đề hạ tầng thoát nước càng quan trọng và cần được quan tâm. Nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, hay các đô thị lớn trên thế giới cũng thường xuyên đối mặt với hiện tượng ngập lụt khi có mưa lớn vì thế đòi hỏi phải có một giải pháp hiệu quả...
Đó là nhận định của PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, tại tọa đàm “Hạ tầng xanh – thoát nước xanh” vừa diễn ra tại Hà Nội. Tọa đàm do Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phối hợp cùng Tổng Công ty tư vấn xây dựng (CTCP) đồng tổ chức, là diễn đàn để các đại biểu, chuyên gia và nhà khoa học có dịp thảo luận, đánh giá thực tiễn cơ sở hạ tầng thoát nước tại các đô thị hiện nay và giải pháp hiệu quả trong việc thoát nước đô thị, khơi thông dòng chảy theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ, mô hình xanh thân thiện với môi trường…
Bất cập từ những dự án xử lý nước thải
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hệ thống thoát nước tại các đô thị ở Việt Nam hiện bị xuống cấp rất nghiêm trọng, chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thoát nước. Mặc dù công tác xây dựng hệ thống thoát nước tại các đô thị được quan tâm đầu tư, song do quy hoạch bất cập, thiếu đồng bộ và chưa phù hợp nên không đảm bảo khả năng thoát nước. Chia sẻ thông tin này tại tọa đàm, ông Nguyễn Việt Dũng, Viện Quy hoạch môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn (VIUP) đồng thời đánh giá vấn đề ngập lụt đô thị thì khách quan là do biến đổi khí hậu, và chủ quan là do phát triển đô thị.
Ông Dũng cho rằng, yếu tố phát triển nói chung và sự phát triển đô thị nói riêng đã làm thay đổi chu trình nước trong tự nhiên, khiến trữ lượng dòng chảy bề mặt gia tăng. Cùng với đó, sự gia tăng bề mặt không thấm nước, tức bê tông hóa đã và đang gây ngập lụt đô thị ngày càng trầm trọng hơn. Điều đáng nói là nước ta có nhiều nhà máy xử lý nước thải đô thị đã đi vào hoạt động nhưng lại thiếu hiệu quả. Cụ thể, hiện nay cả nước có khoảng hơn 40 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 800.000m3/ngđ. Gần 50 nhà máy đang trong giai đoạn lập dự án, thiết kế hoặc đang xây dựng nâng tổng công suất lên khoảng gần 300.000m3/ngđ.
Việc thiếu hiệu quả theo lý giải của ông Dũng là do hệ thống thu gom hoạt động không hoàn hảo, phần lớn các nhà ấy đều xử lý nước thải với hàm lượng ô nhiễm thấp hơn thiết kế. Và về nguyên tắc, lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phải gắn bó mật thiết với việc lựa chọn hệ thống thu gom. Nhưng trong nhiều trường hợp, vấn đề này chưa được xem xét toàn diện.
Chia sẻ quan điểm đồng tình về thực trạng các dự án xử lý nước thải thiếu hiệu quả và lãng phí, TS. Nguyễn Đức Thắng (nguyên Phó Chánh văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nêu ra một loạt các dẫn chứng. Đầu tiên là dự án thoát nước cho Thủ đô Hà Nội, được phê duyệt từ năm 1996 tới nay đã hơn hai mươi năm triển khai theo đúng quy hoạch nhưng kết quả thì như chưa hề có dự án. Với mục đích làm sống lại năm con sông, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng hai nhà máy xử lý nước thải lớn nhất miền Bắc là nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Yên Xá. Dự án xử lý nước thải Yên Sở sau 8 năm vận hành vẫn không thể "cứu sống" được sông Kim Ngưu và sông Sét. Trong khi đó, dự án xử lý nước thải Yên Xá dự kiến hoàn thành vào năm 2019 tới nay chưa xong, vẫn tiếp tục xây dựng.
Theo phân tích của ông Thắng thì hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần tả ngạn sông Nhuệ với tổng chiều dài cống các loại là 52,621 km, đường kính từ 400 mm-2.400 mm, thu gom nước thải và nước mưa vào đường cống ngầm chính, chủ lực, đường kính 2.400 mm nằm sâu dưới lòng sông Tô Lịch đưa về nhà máy ở xã Thanh Liệt để xử lý. Dự án có thể sẽ gây ra hai tác động tiêu cực lớn. Một là gia tăng ngập lụt ở nửa Tây Hà Nội và hai là đẩy các con sông đến "chết" hẳn, phơi lòng, trơ đáy hoặc biến sống Tô Lịch thành hồ Tô Lịch.
Đối với TP.HCM, tại niên giám thống kê từ năm 2005 đến 2015 cung cấp các bảng số liệu mực nước cao nhất và mực nước thấp nhất hàng tháng ghi được tại trạm thủy văn Phú An sông Sài Gòn, ông Thắng nhận định một nghịch lý nhưng lại là quy luật rằng, mực nước cao nhất tại trạm thủy văn Phú An vào mùa mưa luôn thấp hơn mức nước cao nhất vào mùa khô. Con số chênh tới 8cm. Và theo ông thì với quy luật như vậy, việc xây 172km đê bao cùng 12 cống đập không có tác dụng và lãng phí.
Chỉ đích danh bất cập từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, theo ông Thắng dòng kênh này không có nước “nuôi” kênh mà chờ nước từ sông Sài Gòn tràn vào qua triều lên. Kênh “thất nghiệp” không được thực hiện chức năng thoát nước, tiêu lũ. Hay tuyến cống ngầm dài hơn 8km, đường kính 3,2m đã thay kênh thực hiện chức năng thoát nước, tiêu lũ. Tuyến cống này có chi phí đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo nguyên Phó Chánh văn phòng Phát triển bền vững thì hệ thống thoát nước phải chịu sự quản lý Nhà nước về độ cao đáy của cống thoát. Nhà nước phải xây dựng hệ thống bản đồ quốc gia và cột mốc về độ cao chuẩn tới cấp phường, xã.
Cùng chung quan điểm, TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), nhận xét thực trạng cấp thoát nước ở các đô thị tại Việt Nam đang đi sau rất nhiều nhu cầu của xã hội. Theo tự nhiên, khi mưa xuống, 60-80% lượng nước mưa thấm vào đất, còn lại chảy ra các nguồn thông thủy như sông suối… Tuy nhiên, thực tế đô thị của ta mưa xuống là chảy thẳng ra cống. Năng lực thoát nước của Việt Nam chỉ tính lượng nước dâng 30-50mm trong trận mưa dài 90 phút. Nhưng thực tế nhiều trận mưa với lượng nước dâng 100-200mm (ví dụ trận mưa liên tục trong một tuần tại Quảng Trị mới đây cao tới 1.400mm), cho thấy năng lực của hệ thống thoát nước không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Nhấn mạnh thêm về sự thiếu quy chuẩn riêng trong cấp thoát nước, theo ông Tuấn thoát nước mưa hiện nay đang tính theo thủy lợi. Thủy lợi lại tính theo nông nghiệp, tức điều kiện thời gian cho phép ngập một ngày, hai ngày cây lúa không chết. Trong khi đó ngập một ngày là vấn đề lớn của đô thị.
Các đô thị cần hướng tới hạ tầng thoát nước xanh
Dưới góc độ là một đơn vị đóng góp trực tiếp vào hạ tầng thoát nước và hạ tầng cấp nước, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Công ty CP thoát nước và môi trường (Viwase), cho rằng thoát nước bền vững hay thoát nước xanh là thoát nước chậm (giữ và không cho nước mưa thoát đi ngay khi giọt mưa rơi xuống mặt đất). Nhưng thực tế, tại các đô thị ở Việt Nam đang sử dụng biện pháp thoát nước nhanh, tức mưa tới đâu thoát nước tới đó qua các ống cống là chủ yếu, trong khi hệ thống ống cống phục vụ cho thoát nước chỉ đáp ứng được 50mm.
Từ bất cập này, Chủ tịch Viwase kiến nghị các đô thị xây dựng mới phải thực hiện giải pháp hoàn trả tự nhiên. Tức là trữ phần nước gia tăng do phát triển. Trong thời gian mưa diễn ra, các khu đô thị này giữ nước như trước đây (khi chưa gia tăng mặt cứng, vẫn là khu vực ngấm nước), chỉ cho chảy ra ngoài sau thời gian mưa sẽ giảm được tình trạng ngập trong đô thị Ông Hải cũng cho rằng, về mặt kỹ thuật như vậy, nhưng về nguồn lực vô cùng quan trọng và hiện nay còn hạn chế.
TS. Đinh Ngọc Giang, Công ty Tư vấn quốc tế Encity, nhấn mạnh về rào cản pháp lý khi cho biết để ứng dụng hạ tầng xanh thì chưa có pháp lý cụ thể. Đa số hạ tầng chống ngập đều do nhà nước đầu tư mà chưa có hợp tác công - tư. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hải cho rằng: “Chỉ đầu tư công không thể xây dựng được hệ thống thoát nước”.Ví dụ trường hợp TP.HCM, quy hoạch thoát nước lập năm 1975 được phê duyệt 600km2 với kinh phí là 3 tỉ USD. Tuy nhiên diện tích TP.HCM hiện nay gấp ba lần so với năm 1975, do đó không thể chỉ dựa vào vốn đầu tư của nhà nước. Theo ông Hải phải huy động nguồn lực xã hội thì mới thực hiện được hạ tầng xanh, thoát nước xanh.
Kỹ sư Trương Văn Đàn đánh giá hầu hết các đô thị của các nước phát triển đều thu gom nước thải trực tiếp, không thông qua bể phốt trong khi hiện nay Trung Quốc và Việt Nam vẫn sử dụng rất nhiều bể phốt. Bản thân là người có nhiều sáng chế được các nước trên thế giới như Úc, Nhật, Mỹ… sử dụng nhưng ông Đàn bày tỏ sự đáng tiếc khi chưa được ứng dụng phổ biến tại nước nhà. Trong phần trình bày của mình, chuyên gia này cũng chỉ ra những bất cập, trong về chính sách trong vấn đề xử lý nước thải. Ông Đàn chia sẻ: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn nước tưới và cho phép sử dụng nước thải chăn nuôi sau xử lý được tái sử dụng cho tưới cây trồng. Quy chuẩn nước tưới từ chăn nuôi này thấp hơn rất nhiều các quy chuẩn xả thải và quy chuẩn nước mặt nhưng vẫn được sử dụng bình thường”. Ông Đàn cũng kiến nghị, để “thoát nước xanh, hạ tầng xanh” được thành công phải giải quyết, tháo gỡ nhiều yếu tố, trong đó có sự chung sức của toàn dân.
TS. Trần Anh Tuấn chỉ ra thực tế hiện nay thoát nước là dịch vụ mà chỉ có chính quyền đầu tư. Tài sản thoát nước của các đơn vị, các chủ đầu tư sau khi đầu tư xong thuộc về tài sản của chính quyền. Cấp thoát nước đang đi sau rất nhiều so với nhu cầu của xã hội. Ông Tuấn cũng gợi mở giải pháp giúp giảm ngập lụt trong đô thị bằng việc áp quy chuẩn đảm bảo 20-30% mặt phủ thấm nước đối với các dự án nhà ở, các dự án phát triển chức năng đô thị.
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS-TS. Lưu Đức Hải cho rằng xây dựng và phát triển đô thị thông minh đang là xu hướng tất yếu của nhiều đô thị trên thế giới. Một trong những tiêu chí quan trọng của đô thị thông minh là cần phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông minh, bao gồm, hệ thống giao thông, cấp và thoát nước thông minh, xử lý chất thải rắn và kiểm soát ô nhiễm môi trường. "Đặc biệt, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là những nội dung quan trọng trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nhằm giảm thiểu những mặt tiêu cực do chất thải phát sinh từ các hoạt động của đô thị, cũng như là các quá trình tự nhiên (mưa, bão, hạn hán…), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống…”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng chia sẻ.
Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc xây dựng hệ thống thoát nước xanh và bền vững đang được quan tâm và đẩy mạnh nhằm giải quyết những vấn đề nan giải hiện nay của đô thị. Và việc ứng dụng hạ tầng xanh trong đó có thoát nước xanh tại Việt Nam là cần thiết nhằm xây dựng các đô thị chống chịu thích ứng hướng đến phát triển bền vững.
Tọa đàm “Hạ tầng xanh – thoát nước xanh” là một trong tám tọa đàm thuộc nội dung Hạ tầng xanh được đề xuất và thực hiện bởi Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng. Trước đó, tọa đàm mở đầu cho chuỗi tọa đàm với chủ đề “Hạ tầng xanh – giao thông xanh” đã diễn ra vào tháng 9.2023 được đồng tổ chức với Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng).
Việc bàn thảo “Hạ tầng xanh – thoát nước xanh” không chỉ về mặt học thuật, về hệ thống lý luận từ các nhà khoa học, các nhà chuyên môn mà cùng với những thực tiễn và bất cập đang làm theo hệ thống lý luận cũ giúp từ đó rà soát để điều chỉnh và góp phần củng cố vào hệ thống lý luận hạ tầng xanh trong đô thị. Cũng từ đó dần gợi mở những chủ đề mới cho các nghiên cứu khoa học, cho các luận văn, luận án nghiên cứu, từ đó đưa nội dung hạ tầng xanh vào các văn bản pháp quy, trong các luật như Luật Đô thị, Luật Quy hoạch.
Các tọa đàm tiếp theo được dự kiến hoàn thành tổ chức vào cuối năm 2024. Toàn bộ nội dung các cuộc tạo đàm sẽ được xuất bản thành sách với tên gọi “Hạ tầng xanh trong đô thị”.