Tìm hiểu kiến trúc Thiên Đàn, Bắc Kinh, Trung Quốc
Thiên Đàn (hay được gọi là đàn thờ Trời) tọa lạc tại quận Tuyên Vũ phía Đông Nam của Thiên An Môn được xây dựng vào năm 1420 dưới thời nhà Minh. Công trình được xây dựng với mục đích để tế lễ trời đất cầu cho thiên hạ thái bình, thiên thời địa lợi và mưa thuận gió hòa. Năm 1998, UNESCO chính thức công nhận ngôi đền là Di sản thế giới.
Thiên Đàn được xây dựng với tổng diện tích 2.700.000m2. Đây là quần thể kiến trúc duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn tại Trung Quốc. Công trình này gây ấn tượng cho du khách bởi giá trị văn hóa kiến trúc cổ được thiết kế dựa trên tư duy triết học Phương Đông gồm 2 đàn chính là Đàn Viên Khâu và Đàn Kỳ Cốc cùng trên một nền đất và có mặt hình tròn. Thiên Đàn được xây dựng theo phong cách Trung Hoa cổ đại theo quan niệm trời tròn đất vuông, vì vậy phía Nam Thiên Đàn được bao quanh bởi bức tường hình vuông và phía Bắc Thiên Đàn được bao quanh bằng bức tường hình tròn, tượng trưng cho trời và đất.
Khuôn viên Thiên Đàn bao gồm tổ hợp 3 công trình: Viên Khâu Đàm, Hoàng Khung Vũ và Điện Kỳ Niên. Bố cục cả 3 đều chặt chẽ, đảm bảo các yêu cầu cả về phong thủy và triết học. UNESCO miêu tả ngôi đền là “một kiệt tác về kiến trúc và thiết kế cảnh quan, một minh chứng cho một trong những nền văn minh vĩ đại nhất thế giới, …” và “cách bố trí và thiết kế mang tính biểu tượng của Thiên Đàn có ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc và quy hoạch ở Viễn Đông qua nhiều thế kỷ.”
Viên Khâu Đàm là bệ thờ chính với một đài rỗng có hình tròn trên ba tầng đá cẩm thạch, mỗi tầng đá được trang trí bởi hình những con rộng trạm trổ tinh xảo. Trung tâm của Viên Khâu Đàm là một phiến đá hình tròn tên Thiên Tâm Thạch (trái tim của trời) hay còn gọi là Thái Dương Thạch. Đây là nơi hoàng đế cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi. Thiết kế đặc trưng của Viên Khâu Đàm giúp lời cầu nguyện lan tỏa ra xa.
Hoàng Khung Vũ là một tòa điện nhỏ, chỉ có một tầng hình tròn được xây dựng trên một tầng đá cẩm thạch. Đây là nơi để đặt các bài vị tế trời vào những ngày bình thường. Xung quanh Hoàng Khung Vũ có một bức tường hình tròn, mặt tường phủ men láng mịn, trơn bóng, được gọi là bức tường âm thanh vì bức tường này có thể truyền âm qua những khoảng cách lớn.
Hoàng Khung Vũ kết nối với Điện Kỳ Niên bởi cầu đi bộ thần sa (thần sa có nghĩa là đỏ son), cây cầu này thực chất là một lối đi dài 360m, dốc dần từ Điện Kỳ Niên đến Hoàng Khung Vũ. Phần mái vòm của Hoàng Khung Vũ không hề có xà ngang hỗ trợ. Tuy nhiên, kiến trúc của Hoàng Khung Vũ vẫn vô cùng chắc.
Điện Kỳ Niên là một tòa điện lớn hình tròn có ba tầng mái, đường kính dài 36m và cao 38m, được xây dựng trên ba tầng đá cẩm thạch. Đây là nơi Hoàng đế đến cầu nguyện vào mùa hè cho một mùa màng bội thu. Toàn bộ Điện Kỳ Niên được chế tác bằng gỗ.
Năm 1889, Điện Kỳ Niên bị đốt cháy bởi ngọn lửa do sét đánh. Sau đó nó đã được xây dựng lại.
Bên cạnh đó, trong điện Thiên Đàn còn có rất nhiều tòa kiến trúc phụ như Trai Cung, Thần Nhạc thự,...
Trai Cung là nơi Hoàng đế Trung Hoa tắm rửa, thanh tịnh cơ thể trước khi tiến hành hiến tế. Cung điện này có cửa hướng về phía Đông. Toàn bộ Trai Cung có diện tích khoảng 400.000 mét vuông với hào thành bao quanh. Bên trong Trai Cung là khoảng 60 gian phòng ốc được bố trí vô cùng hợp lý.
Thần Nhạc thự là nơi bố trí nhạc tế trong quá trình lễ hiến tế diễn ra, nằm ở bên ngoài Tây Thiên môn.
Nhìn chung, thiết kế tổng thể của Thiên Đàn mang tư tưởng mở ra chân trời, xông ra không trung. Trục chính của đàn tế đều quay về hướng Đông (bao gồm cả Viên Khâu đàn và Kỳ Niên điện). Đó là lý do vì sao khi đoàn người làm lễ tiến vào từ khu vực phía Tây sẽ có tầm nhìn thoáng rộng, tưởng chừng như chân trời rất cao. Các kiến trúc còn lại như Hoàng Khung Vũ hay Kỳ Niên Điện đầu mang bố cục hình tròn, với chóp mái nhọn cong vút tạo cảm giác toàn thể điện đài đang bao lên trời.