Tìm hiểu RS-26 Rubezh, tên lửa đạn đạo Nga dựa vào để chế tạo 'sát thủ' Oreshnik

Sau khi tên lửa Oreshnik được Nga sử dụng để tấn công vào các mục tiêu ở Ukraine, phương Tây đã quan tâm tìm hiểu loại vũ khí này và một quả tên lửa khác được cho là giúp tạo ra nó.

Nga đã tấn công Ukraine bằng tên lửa Oreshnik trong tháng 11 và không loại trừ khả năng diễn ra vụ tấn công khác giống như vậy trong tương lai. (Nguồn: New Strait Times)

Nga đã tấn công Ukraine bằng tên lửa Oreshnik trong tháng 11 và không loại trừ khả năng diễn ra vụ tấn công khác giống như vậy trong tương lai. (Nguồn: New Strait Times)

Theo trang phân tích chiến lược CSIS, RS-26 Rubezh là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn, bắn đi từ bệ phóng di động và hiện vẫn được Nga nghiên cứu phát triển.

Mặc dù được phân loại là ICBM theo Hiệp ước New START, RS-26 đã được thử nghiệm với tải trọng nặng hơn ở tầm bắn dưới 5.500 km. Theo CISI, vũ khí này còn có các tên gọi khác là SS-X-31, Frontier, Avangard, Yars-M, KY-26. Một vài thông số cơ bản của nó bao gồm chiều dài 12 m, đường kính 1,8 m, trọng lượng phóng 36.000 kg, tải trọng 800 kg.

Tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân, đầu đạn đơn hoặc đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập MIRV.

Việc phát triển RS-26 được cho là diễn ra từ năm 2008 tại Viện Kỹ thuật Nhiệt Moskva. Có khả năng tên lửa được phát triển dựa trên mẫu ICBM RS-24 Yars, mặc dù Nga đã thừa nhận rằng RS-26 có ít tầng hơn và tầm bắn ngắn hơn so với Yars.

Lần phóng thử nghiệm đầu tiên của RS-26, kết thúc trong thất bại, diễn ra vào ngày 28/9/2011 tại Sân bay vũ trụ Plesetsk. Tên lửa đã đi chệch hướng và rơi cách địa điểm phóng khoảng 8 km.

Tháng 5/2012, một cuộc thử nghiệm thứ hai đã cho kết quả thành công. Tên lửa bay được 5.800 km, mang theo một đầu đạn nhẹ duy nhất. Sau kết quả của cuộc thử nghiệm này, RS-26 được phân loại là ICBM theo Hiệp ước START mới, nhằm hạn chế và giảm số lượng vũ khí chiến lược giữa Mỹ và Nga.

Cuộc thử nghiệm tiếp theo diễn ra vào tháng 10/2012 và RS-26 được bắn đi từ Bãi thử nghiệm Kapustin Yar đến Sary Shagan (nằm ở phía nam Kazakhstan). Tên lửa mang theo đầu đạn nặng hơn đã bay được 2.000 km. Kể từ sau đó, tất cả các cuộc thử nghiệm RS-26 đều được thực hiện ở khoảng cách trung bình (từ 1.000 đến 3.000 km). Ví dụ như vào ngày 6/6/2013, Nga đã bắn RS-26 từ Kapustin Yar tới Sary Shagan với kết quả thành công. Ngày 18/3/2015, một cuộc thử RS-26 khác cũng diễn ra tại cùng một địa điểm và quãng đường bay, với kết quả thành công.

Tháng 11/2015, Nga đã có kế hoạch đón các thanh tra viên của Mỹ tới kiểm tra RS-26. Tuy nhiên kế hoạch bị hủy bỏ và lên lịch lại vào năm 2016. Nhưng CSIS cho biết rằng kế hoạch tiếp tục bị hoãn thêm một lần nữa sang năm 2017. Đến nay, có ít thông tin cho thấy Nga chính thức đưa tên lửa RS-26 vào trang bị.

Thay vào đó, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của Oreshnik, quả tên lửa được cho là đã phát triển dựa trên RS-26 và phô diễn uy lực khủng khiếp của nó trên chiến trường Ukraine.

Oreshnik là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới của Nga, được thiết kế với khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại. Tên lửa này có tốc độ siêu vượt âm, lên tới Mach 10-11 (12.380-13.500 km/h).

Oreshnik lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu vào ngày 21/11/2024, trong chiến sự tại Ukraine. Cuộc tấn công được cho là nhằm vào một cơ sở công nghiệp tại Dnipro, Ukraine. Với khả năng mang nhiều đầu đạn và tốc độ cực cao, nó khiến việc đánh chặn trở nên vô cùng khó khăn.

Hiện tại, hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ được coi là một trong những công nghệ hiếm hoi có cơ hội (dù rất nhỏ) để đối phó với loại vũ khí này./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tim-hieu-rs-26-rubezh-ten-lua-dan-dao-nga-dua-vao-de-che-tao-sat-thu-oreshnik-post1001626.vnp