Tìm hiểu về sự khác biệt giữa hiện tượng say nắng và say nóng

Đội mũ, uống nhiều nước, tìm bóng râm và tránh tập thể dục ngoài trời là những 'quy tắc vàng' để tránh say nắng và say nóng. Nhưng sự khác biệt giữa say nắng và say nóng là gì?

Say nắng chỉ ảnh hưởng đến phần đầu còn say nóng ảnh hưởng toàn bộ cơ thể. (Nguồn: Đại học Utah)

Say nắng chỉ ảnh hưởng đến phần đầu còn say nóng ảnh hưởng toàn bộ cơ thể. (Nguồn: Đại học Utah)

Các nhà nghiên cứu dự báo năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, trong khi năm 2024 có thể ghi nhận nhiệt độ bề mặt toàn cầu còn cao hơn.

Vì vậy, đội mũ, uống nhiều nước, tìm bóng râm và tránh tập thể dục ngoài trời là những "quy tắc vàng" để tránh say nắng và say nóng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt.

Nhưng sự khác biệt giữa say nắng và say nóng là gì? Trong cả hai trường hợp, nhiệt độ cao đều gây hại cho cơ thể.

“Say nắng chỉ ảnh hưởng đến phần đầu - tức là não, phần còn lại của cơ thể vẫn ổn," Tiến sỹ người Đức Frank Erbguth cho biết.

Trong khi đó, say nóng khiến toàn bộ hệ thống điều nhiệt của cơ thể bị phá vỡ và có thể gây tử vong.

Điều này không có nghĩa là say nắng không nghiêm trọng. Tiến sỹ Erbguth nói rằng thường có một quá trình chuyển đổi liền mạch từ say nắng đến say nóng.

Năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. (Nguồn: Nitherapy)

Năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. (Nguồn: Nitherapy)

Theo SCMP, Tiến sỹ Bernd Böttiger, Trưởng khoa gây mê và chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Cologne, cho biết trái ngược với say nắng cần tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời, say nóng có thể xảy ra “trong bóng tối” nếu nhiệt độ cao.

Nhiệt độ cơ thể chúng ta thường ở khoảng 37 độ C nhưng các đợt nắng nóng có thể khiến cơ thể bị căng thẳng nghiêm trọng và có thể đạt đến mức không thể hạ nhiệt bằng cách đổ mồ hôi, đặc biệt nếu không uống đủ nước.

Tiến sỹ Erbguth nói: “Cơ thể không còn khả năng tản nhiệt nữa. Tại thời điểm này, nhiệt độ của cơ thể có thể tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các hệ thống trên cơ thể."

Tiến sỹ Erbguth nói thêm rằng hệ thống đông máu và tuần hoàn là những hệ thống đầu tiên sụp đổ.

Các mạch máu giãn ra ở nhiệt độ cao, làm tăng lưu lượng máu quá nóng đến da, nơi nhiệt được tản ra môi trường thông qua sự bốc hơi của mồ hôi.

Nhưng theo Tiến sỹ Erbguth, máu sẽ đông lại nếu say nóng xảy ra. Các cục máu đông nhỏ làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ. Thận cùng với gan và tim, không thể hoạt động bình thường được nữa. Điều này có thể dẫn đến suy đa tạng.

Tiến sỹ Erbguth nói rằng “nhiệt ẩm còn tệ hơn nhiều so với nhiệt khô” bởi vì hơi nước trong không khí tăng lên làm giảm sự thoát hơi nước của mồ hôi trên da và kéo theo đó là khả năng hạ nhiệt của cơ thể.

Tiến sỹ Erbguth cho biết các triệu chứng của say nóng bao gồm mệt mỏi đột ngột, đau đầu và cảm giác chóng mặt. Sau đó, có thể buồn nôn và mất ý thức.

Da khô và nóng, nhịp tim tăng nhanh cũng là dấu hiệu của say nóng. Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng, hãy gọi cấp cứu, Tiến sỹ Erbguth nói.

Tiến sỹ Böttiger nói rằng trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, bạn nên đưa người bị say nóng vào bóng râm càng nhanh càng tốt. Sau đó làm mát cơ thể người đó bằng đá viên bọc trong vải hoặc túi lạnh. Chuyên gia cảnh báo rằng việc chườm đá trực tiếp lên da có thể gây tê cóng.

Nếu người đó còn tỉnh, hãy cho họ uống gì đó. Tiến sỹ Böttiger cho biết nước lọc, trà trái cây và nước ép trái cây đều phù hợp.

Trong trường hợp say nắng, “màng não (lớp mô mỏng bao phủ và bảo vệ não) và não nóng lên. Khi đó, chỉ cần tăng một hoặc hai độ là có thể gây ra bệnh viêm màng não,” Tiến sỹ Erbguth nói “Bộ não không phải là cơ quan mạnh mẽ nhất của cơ thể.”

Người cao tuổi nên cẩn thận khi đi ngoài trời nắng. (Nguồn: Clevelandclinic)

Người cao tuổi nên cẩn thận khi đi ngoài trời nắng. (Nguồn: Clevelandclinic)

Những người không có tóc hoặc ít tóc như người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên cẩn thận khi đi ngoài trời nắng.

Một số triệu chứng say nắng tương tự như say nóng, chẳng hạn như đau đầu và chóng mặt. Các triệu chứng khác bao gồm đau cổ, cứng khớp, nhạy cảm với ánh sáng, đầu và mặt nóng bừng lên. Trẻ nhỏ có thể kèm theo sốt cao.

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng, hãy đưa họ đến nơi mát mẻ, làm mát cơ thể bằng khăn ướt và nâng cao phần thân trên cơ thể của họ và cho họ uống nhiều nước.

Nếu tình trạng của người đó trở nên tồi tệ hơn và họ bắt đầu bất tỉnh, hãy gọi cấp cứu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tim-hieu-ve-su-khac-biet-giua-hien-tuong-say-nang-va-say-nong/900922.vnp