Tìm hình… cho anh!
Anh đã về bên đồng đội!
Một ngày cuối năm, tôi được cùng PGS. TS Ngô Văn Minh - giảng viên Học viện Chính trị khu vực III (Đà Nẵng), thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Bãi Dài - Cam Lâm) để bàn giao bức di ảnh thứ 64 của liệt sĩ Trần Quốc Trị cho khu tưởng niệm. Thắp nén nhang kính cẩn trước công trình “Vòng tròn bất tử” tưởng nhớ 64 anh hùng Gạc Ma, thầy Ngô Văn Minh đỏ hoe đôi mắt rồi lặng người, trầm ngâm trong giây lát. Sâu thẳm đáy lòng, đây là khoảnh khắc linh thiêng, sung sướng khi lời hứa “Tìm ảnh cho anh” của thầy Minh đã kết thúc có hậu. Chứng kiến giây phút ân cần trao bức di ảnh và những kỷ vật của liệt sĩ Trần Quốc Trị trước tấm bảng Tổ quốc ghi công 64 anh hùng, ai cũng bùi ngùi, xen lẫn vui sướng bởi từ nay, bức di ảnh sẽ làm vơi bớt đi phần nào nỗi day dứt của nhiều người bấy lâu nay khi đứng trước vong linh các anh. Sau khi tiếp nhận, di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị đã được Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tạc vào khung đá và in trên tấm bảng Tổ quốc ghi công, đặt nơi trang trọng nhất.
Thầy Ngô Văn Minh viếng khu mộ gió các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma 14-3-1988.
Nhắc đến ngày 14-3-1988, ai cũng nhói lòng khi trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng lần này, 64 chiến sĩ chúng ta đã anh dũng hy sinh ở tuổi đời còn rất trẻ. Để tưởng nhớ những người đã ngã xuống, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng trên khu đất cao ráo rộng hơn 25.000m2, ở phía đông đại lộ Nguyễn Tất Thành, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm và hoàn thành vào tháng 7-2017. Khu tưởng niệm mang nhiều ý nghĩa về lòng tri ân, địa chỉ đỏ về giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ sau. Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng ký ức bi tráng về 64 anh hùng vẫn sống mãi trong trái tim những người Việt Nam.
Từ ngày khánh thành đến nay, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thu hút hàng trăm ngàn lượt người đến viếng thăm, lặng mình trước hương hồn các anh hùng, liệt sĩ. Nhưng mỗi người khi đến đây, họ đều thấy trống vắng điều gì đó, khi trên tấm bảng ghi công còn một chỗ trống, có phải còn thiếu một bức di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị và sao không tìm để các liệt sĩ ấy đoàn tụ bên nhau? Có lẽ, những câu hỏi đó đôi khi chỉ thoảng theo gió thôi cũng đủ để “cứa” vào lòng những người ở lại. Ông Võ Duy Trúc - Trưởng ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tâm sự, mỗi lần nghe câu hỏi ấy chúng tôi lại thấy day dứt. Dù ban quản lý và các cơ quan, đơn vị nhiều lần tổ chức tìm kiếm bức di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị, nhưng không thành. Cứ vậy, nỗi day dứt ngày một “dày” thêm mỗi khi nhìn vào ô trống ở vị trí bức ảnh còn thiếu. Bởi vậy, trong nội dung thuyết minh của hướng dẫn viên về khu tưởng niệm luôn có câu kết, rằng ai có thông tin về hình ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị, xin vui lòng chia sẻ để anh được sum họp cùng đồng đội của mình!
Quyết tìm di ảnh cho anh!
Cách đây đúng 1 năm, trong chuyến dẫn đoàn học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị đi thực tế tại tỉnh Khánh Hòa, PGS.TS Ngô Văn Minh, đã đến thăm nhà trưng bày Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ngắm nhìn di ảnh các liệt sĩ, lòng ông trào lên nỗi day dứt khi vị trí di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị (sinh năm 1966, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chỉ có tên tuổi nhưng không có di ảnh, một ô trống còn chừa lại đó như nỗi đau chưa thể liền. Hỏi ra mới biết, dù đã tìm nhiều cách, nhưng đến thời điểm đó vẫn không thể tìm được bất cứ một hình ảnh nào của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Mang theo nỗi niềm day dứt đó, người thầy giáo nặng lòng với Trường Sa bắt đầu hành trình “tìm ảnh cho anh”. Thầy tâm sự, không thể có chuyện một con người như thế ra đi mà không để lại bất cứ hình ảnh nào. Tôi có một niềm tin mãnh liệt là sẽ tìm thấy di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị.
Niềm tin ấy thôi thúc thầy Minh nhiều lần dọc ngang dải đất miền Trung để đi tìm di ảnh. Nhưng rồi, ngày tháng trôi qua, những địa chỉ cần tìm hầu như đã tìm, nhưng di ảnh của liệt sĩ vẫn là ẩn số. Trong những chuyến giảng dạy tại Quảng Bình, quê hương của liệt sĩ Trần Quốc Trị, thầy đã gặp gia đình liệt sĩ. Gia đình liệt sĩ cho biết, trước đây có một bức ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị chụp chung với hai người bạn, nhưng trong một trận bão, bức ảnh đã hỏng cùng với nhiều giấy tờ. Gia đình hy vọng và mong mỏi có một ngày sẽ tìm được ảnh của anh nhưng thời gian cứ trôi qua mà không thấy di ảnh đâu. Đồng cảm với niềm tin của thầy Minh, một số đồng nghiệp của tôi ở Báo Quảng Bình cũng đã nhiều lần lặn lội khắp nơi để cùng thầy hoàn thành tâm nguyện. Thậm chí, Huyện đoàn Bố Trạch cũng đã phát động chương trình “Tìm ảnh cho anh” và phân công các cơ sở đoàn liên hệ với đồng đội, bạn bè của liệt sĩ trong tỉnh và toàn quốc nhưng vẫn không có kết quả. Dù nhiều cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng, nhưng hành trình “Tìm ảnh cho anh” vẫn tiếp tục được PGS.TS Ngô Văn Minh và nhiều người miệt mài, kiên trì.
Trong lần giảng dạy tại Quảng Bình, lớp có học viên là Thượng tá Trần Thị Hồng Phượng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Thầy Minh chợt nhớ đến và tự hỏi sao mình chưa tìm qua con đường lưu trữ tàng thư và căn cước, bởi thầy nghĩ rằng, thời điểm liệt sĩ Trần Quốc Trị lên đường bảo vệ Tổ quốc, chắc phải có hồ sơ lưu trữ. Thầy đã nhờ chị Phượng sao lục hồ sơ, niềm vui vỡ òa khi hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ Trần Quốc Trị đã được tìm thấy, trong đó có bức ảnh chân dung với đầy đủ thông tin. “Nhận tin này, tôi đã về phòng đóng cửa lại và khóc một mình. Tôi khóc vì mình và những học viên đã làm được điều gì đó để gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị vơi đi sự mất mát, để người ở lại bớt day dứt”, thầy Minh bùi ngùi nhớ lại.
Ngay trong tối hôm đó, thầy Minh cùng những học viên đồng hành trên con đường “Tìm ảnh cho anh” lập tức về thôn 4, xã Đồng Trạch để gặp gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị. Anh Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1954), anh trai liệt sĩ Trần Quốc Trị, khi ngắm nhìn bức ảnh đã nhận ngay ra người em trai út của mình. Ngắm thật kỹ hình ảnh người em trai út đã hơn ba mươi năm chia xa, anh Tuấn không giấu khỏi niềm xúc động. “Lần tiễn em trai lên đường nhập ngũ năm ấy không ngờ là lần chia tay cuối cùng. Thật may mắn, cuối cùng chúng tôi cũng có được bức ảnh của chú ấy sau hàng chục năm tìm kiếm nhưng bất thành. Ba mẹ tôi chắc cũng mỉm cười nơi chín suối”, anh Tuấn xúc động.
Khắc ghi ngày 14-3
Từ nay, ngày giỗ chung của 64 chiến sĩ Gạc Ma (ngày 14-3 và 22-12 hàng năm) sẽ ấm cúng hơn khi di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị được ngay ngắn xếp hàng bên đồng đội thân thương, gắn bó vĩnh viễn như câu chuyện về lòng quả cảm mà các anh đã viết nên cách đây hơn 30 năm. Và hôm nay, câu chuyện ấy sẽ đẹp hơn với niềm tin mãnh liệt và tình yêu dành cho những người anh hùng đã ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, như hành trình “Tìm ảnh cho anh” mà thầy Ngô Văn Minh và những học viên của thầy làm được. Thắp nén nhang trên ngôi mộ gió của 64 chiến sĩ Gạc Ma trước khi nói lời tạm biệt, thầy Ngô Văn Minh xúc động với vần thơ chính thầy đã viết cho các anh từ năm 2018: “Với ngày mười bốn tháng ba/Khắc ghi trận chiến Trường Sa năm nào/ Gạc Ma thấm đẫm máu đào/Vòng tròn bất tử tạc vào thời gian/Trước nòng súng bạo tàn của của giặc/Anh hiên ngang giữa đảo cắm cờ/Sát cánh bên anh bao đồng đội/Quyết tâm bảo vệ chủ quyền… /Người Việt Nam không bao giờ khuất phục/Biển đảo này mãi là của Việt Nam…!”.
Khánh Ngân
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202101/tim-hinh-cho-anh-8202970/