Tìm hướng phát triển cho du lịch Yên Khánh
Yên Khánh là huyện duy nhất trong tỉnh không có biển, không có rừng, không có núi. Tuy nhiên, địa phương này lại 'ghi điểm' với cảnh quan thiên nhiên trù phú, tươi đẹp, thanh bình và giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Đây chính là lợi thế để Yên Khánh khai thác tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh trong những năm tới.
Từ những vị khách đầu tiên
Những ngày vừa qua là dịp vô cùng đáng nhớ với gia đình ông Trịnh Đức Vịnh (thôn Thuần Đầu, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh) khi lần đầu tiên ông được đón những vị khách du lịch từ Hà Nội về tham quan, trải nghiệm tại gia đình. Trên gương mặt rám nắng của người đàn ông chịu thương, chịu khó đến giờ vẫn chưa hết vui mừng khi được hỏi.
Ông Vịnh chia sẻ: "Lúc đồng chí cán bộ Hội Nông dân xã thông báo sắp có đoàn khách gần 20 người sẽ ở lại để tham quan, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực quê hương, tôi vừa vui mừng vừa lúng túng. Lúng túng vì không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Nhưng rồi tôi nghĩ, họ đã chọn về những vùng quê yên bình nghĩa là họ muốn tìm đến những gì thiên nhiên, dân dã nên cứ để mọi thứ được tự nhiên."
Quả thực đoàn khách đã có những trải nghiệm tuyệt vời khi được thăm thú khu vườn rộng 3.600 m2 của gia đình ông Vịnh. Bà Đỗ Thị Hồng Gấm (Quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Khu vườn thu hút chúng tôi bởi những hàng cây sai trĩu, những luống rau xanh rì, đặc biệt mọi thứ được thiết kế rất khoa học, gọn gàng. Chúng tôi đã tự tay hái hoa trái và bắt ốc, bắt cá rồi quây quần bên mâm cơm quê. Đó là những trải nghiệm rất thú vị mà ở đô thị không thể nào có được,…
Khai thác du lịch ở Yên Khánh tưởng chừng là câu chuyện khá mới với nhiều người nhưng thực ra nơi đây đã bắt đầu đón khách từ nhiều năm trước. Trong đó, xã Khánh Thiện là một trong những địa phương đã được nhiều du khách, nhất là khách quốc tế ghé thăm.
Chị Nguyễn Thị Bình, một hướng dẫn viên tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh cho biết: "Sớm nhận thấy tiềm năng du lịch ở quê hương nên tôi cùng một đồng nghiệp đã đưa những đoàn khách quốc tế đầu tiên về Khánh Thiện từ khoảng 7-8 năm trước. Từ những đoàn khách đầu tiên đó, hiện nay chúng tôi đã đưa nhiều đoàn khách về tham quan, trải nghiệm tại quê hương mình. Trung bình một năm chúng tôi đưa khoảng 100 lượt khách nội địa và quốc tế về đây".
Ông Bùi Quang Bưởng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Khánh cho biết: Huyện đang phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Du lịch chuẩn bị đón 2 chuyến tàu du lịch cập bến tại cảng Khánh Thiện, mỗi chuyến trên 30 người là khách châu Âu.
Theo lịch trình, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm các làng nghề truyền thống, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại địa phương, thưởng thức ẩm thực và làn điệu chèo do người dân nơi đây thể hiện. Ngoài ra, địa phương cũng đang xây dựng sân bay nhỏ phục vụ tàu bay du lịch, với lộ trình bay từ Khánh Thiện đến núi Non Nước và từ Khánh Thiện đi Kim Sơn - Cồn Nổi. Dự kiến đến cuối tháng 1/2024 sẽ tổ chức bay thí điểm.
Khách du lịch tham quan tại Đình Bồng Hải, xã Khánh Thiện.
Để "lối nhỏ" thành "đường"
Mặc dù không sở hữu những cảnh quan nổi tiếng nhưng Yên Khánh vẫn có sức hấp dẫn riêng từ chính không gian làng quê yên bình với những nét văn hóa đặc trưng và giá trị lịch sử độc đáo. Lợi thế của Yên Khánh là phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được triển khai rộng khắp. Từ đó đã góp phần tô điểm cho làng quê những gam màu tươi sáng, trù phú.
Hiện hệ thống giao thông cả đường thủy và đường bộ của huyện đều thuận lợi, giúp việc di chuyển giao thương giữa người dân Yên Khánh đi Yên Mô, Kim Sơn, thành phố Ninh Bình và tỉnh Nam Định dễ dàng. Cảnh quan môi trường trong lành, sạch đẹp với những vườn cây trĩu quả và những đường hoa rực rỡ. Huyện cũng có hàng nghìn mô hình kinh tế, trang trại, gia trại không chỉ mang đến nguồn thực phẩm sạch mà còn là nơi trải nghiệm thú vị cho du khách.
Bên cạnh đó, Yên Khánh đang bảo tồn và lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa độc đáo. Hiện toàn huyện có 59 di tích được xếp hạng, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh. Huyện cũng thành lập được 80 CLB nghệ thuật đặc sắc với nhiều loại hình truyền thống như hát xẩm, hát chèo, múa trống dân gian, nhạc cụ dân tộc, múa kiếm dân gian… Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao rộng khắp đã góp phần tạo nên màu sắc văn hóa rất riêng cho Yên Khánh, đồng thời là nguyên liệu để thu hút và hấp dẫn khách du lịch.
Ngoài ra, địa phương cũng lưu giữ nhiều nghề, làng nghề truyền thống như làng nghề cây cảnh (xã Khánh Thiện), làng nghề bún bánh (xã Khánh Thiện, thị trấn Yên Ninh), nghề trồng đào (xã Khánh Công), nghề thủ công mỹ nghệ ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện.
Yên Khánh còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống phù hợp để du khách trải nghiệm. Trong ảnh là nghề làm bánh đa vừng ở Khánh Thiện.
Để khai thác tiềm năng du lịch, huyện đã phối hợp cùng Sở Du lịch, các ban, ngành,c ác chuyên gia, đoàn khảo sát thực hiện nghiên cứu, đánh giá, phát huy tiềm năng du lịch của huyện. Theo đó, dù Yên Khánh không có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng song địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trải nghiệm kết hợp tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đây sẽ là hướng đi được huyện hướng tới với mục tiêu: Phát triển du lịch nông thôn theo đúng định hướng và nguyên tắc phát triển bền vững, lấy tăng trưởng xanh làm phương thức phát triển; gắn với bảo tồn và khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, nhất là du lịch ở Yên Khánh mới ở dạng tiềm năng, khởi phát, vì vậy muốn khai thác được tiềm năng này là quá trình rất dài và cần sự đầu tư, vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư. Trước mắt, huyện cần tiếp tục khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, vui chơi giải trí (chèo thuyền, câu cá, hát chèo, múa trống, trải nghiệm khu vườn sinh thái…); du lịch văn hóa tâm linh để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần thu hút khách và kéo dài thời gian lưu lại của khách du lịch.
Đồng thời cần nghiên cứu để xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính khác biệt; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá và phát huy mọi nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Đặc biệt, huyện cần phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, tập trung phát triển nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ…
Hi vọng từ những nhóm khách lẻ, tự phát về với Yên Khánh, trong tương lai, con đường làm giàu từ du lịch của địa phương này sẽ rộng mở hơn. Từ đó kiến tạo hình ảnh một nông thôn vừa văn minh, vừa đậm đà bản sắc, phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế và văn hóa.