Tìm hướng phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, lữ hành đã đóng góp nhiều ý kiến để giúp cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khai thác hiệu quả, thu hút du khách đông hơn nữa.
NDĐT- Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, lữ hành đã đóng góp nhiều ý kiến để giúp cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khai thác hiệu quả, thu hút du khách đông hơn nữa.
Giàu tiềm năng nhưng chưa khai thác hết
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác du lịch. Làng có vị trí rất gần với Hà Nội, chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km, rất gần các khu du lịch nổi tiếng như Thác Đa, Suối Ngọc Vua Bà, Rừng quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Ao Vua, Đá Chông…, nằm dưới chân núi Ba Vì với địa hình bán sơn địa có đồi núi, có thung lũng và bao quanh là mặt nước hồ Đồng Mô. Với diện tích 1.544ha, Làng được chia thành bảy phân khu, trong đó quan trọng nhất là khu làng các dân tộc với bốn cụm, là nơi tái hiện tinh hoa văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Hiện tại đang có khoảng 15 dân tộc đang sinh sống và hoạt động hằng ngày tại Làng.
Vào các dịp cuối tuần, Làng luôn có những hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá nét đặc sắc của các dân tộc như ẩm thực, vui chơi, thể thao, trình diễn, tìm hiểu nghề truyền thống… Ngoài các dân tộc sinh sống tại Làng, tháng nào cũng có một số dân tộc của các tỉnh đến trình diễn, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, những lễ hội đặc biệt của dân tộc mình với du khách.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để thu hút du khách: “Tài nguyên du lịch của Làng vô cùng đặc sắc. Tại đây, những giá trị tiêu biểu, tinh túy nhất của 54 dân tộc anh em đều được hiện diện. Đặc biệt, Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam lại nằm ở Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ của đất nước nên đây là điểm đến rất lý tưởng cho lịch trình của khách du lịch”.
Được biết, năm 2018, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đón khoảng 600 nghìn lượt du khách, và dự kiến năm 2019 đón khoảng 700 nghìn lượt. Có những ngày cuối tuần, cao điểm Làng đón khoảng 20 nghìn lượt khách.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Làng gặp nhiều khó khăn và không khai thác hết tiềm năng của mình. Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ, hiện nay Làng đang rất thiếu nguồn nhân lực. Ngoài ra, các sản phẩm của Làng hiện nay đều vẫn còn đang thiếu và yếu, không đáp ứng được nhu cầu của du khách. Một hạn chế nữa cần khắc phục là một số nhà của các dân tộc vẫn chưa được khai thác hết, cùng với hạ tầng nhiều hạng mục đã xuống cấp, không đạt chất lượng phục vụ du khách. DỊch vụ lưu trú qua đêm cũng chưa có, hiện tại Làng mới đang thí điểm bước đầu dịch vụ homestay tại Làng Khơ Mú. “Chúng tôi cũng có các hoạt động tại Làng và đã xúc tiến quảng bá tới các công ty du lịch, lữ hành nhưng chưa hiệu quả”.
Các doanh nghiệp góp ý cho Làng
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, việc mà Làng Văn hóa - Du lịch Việt Nam cần cải thiện ngay, là tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng cho phong phú thêm các hoạt động trải nghiệm, bổ sung những dịch vụ còn thiếu như nhà hàng, lưu trú.
Ông Đặng Văn Dũng (Công ty du lịch Vietravel) cho biết, năm nào Vietravel cũng đưa đoàn lên tham quan tại Làng, tuy nhiên việc thiếu nhà hàng và nơi lưu trú cũng là một trở ngại nếu khách muốn ở lại trải nghiệm thêm, đặc biệt là khách nước ngoài. Ông Đặng Văn Dũng lưu ý, Làng hiện nay có 15 dân tộc sinh sống và hoạt động, vì thế nên giới thiệu các món ăn đặc trưng của mỗi dân tộc đó, vừa giúp quảng bá ẩm thực địa phương, vừa giúp thu hút khách quốc tế. Ngoài ra, cần có thêm các sản phẩm văn hóa, giải trí, vui chơi cho du khách vì hiện nay hoạt động tại Làng còn khá nghèo nàn, thời giant ham quan chỉ khoảng một tiếng đồng hồ là hết. Ông Đặng Văn Dũng mong Làng có sự thay đổi để các doanh nghiệp lữ hành có sản phẩm chung.
Chung ý kiến này, ông Nguyễn Tiến Luận (Công ty du lịch Vietrans tours) cho rằng, hiện tại Làng rất thiếu những dịch vụ cơ bản cũng như sản phẩm đặc trưng. Thế mạnh của Làng là có thể giới thiệu văn hóa của nhiều dân tộc mà chỉ gói gọn lại trong một khu vực, tiện lợi cho những khách muốn khám phá mà không phải đi xa, mất nhiều thời gian. Ông Nguyễn Tiến Luận gợi ý Làng có thể học hỏi kinh nghiệm làm dịch vụ, sản phẩm du lịch hay homestay từ Mai Châu…
Khai thác nguồn khách học sinh từ các trường học cũng là một gợi ý mà các doanh nghiệp đưa ra. Ông Đặng Văn Dũng cho biết, tính chất của Làng rất phù hợp với nhu cầu tham quan, tìm hiểu của học sinh các trường, thuận tiện cả về thời gian và không gian. “Du lịch học đường là loại hình có thế mạnh. Làng hoàn toàn có thể thu tiền vé cao hơn, nhưng phải có sản phẩm tốt. Chúng ta chưa khai thác được loại hình này là rất lãng phí” - ông nói.
Tương tự, đại diện Công ty du lịch Trung tâm Việt cũng cho biết, bên Công ty đã đưa một số đoàn học sinh đến Làng, tuy nhiên khách không hài lòng vì sản phẩm còn sơ sài, cơ sở vật chất xuống cấp. Cần có thêm các homestay ở các làng dân tộc, đồng thời xây dựng các hoạt động team building phù hợp với các đoàn, nhóm khách đông.
Các doanh nghiệp cũng đóng góp ý kiến về giờ mở cửa, đóng cửa của Làng, nên linh hoạt thay vì cứng nhắc theo quy định giờ hành chính như hiện nay. Không chỉ các hướng dẫn viên chuyên nghiệp của Làng, mà mỗi người dân sinh sống trong Làng cũng phải trở thành hướng dẫn viên, giới thiệu cho du khách về vẻ đẹp của dân tộc mình.