Tìm hướng phát triển nghề chế tác đá ở An Lão
Huyện An Lão (TP Hải Phòng) có nghề chế tác đá truyền thống với gần 100 cơ sở chế tác đá tập trung ở 2 xã An Tiến và Trường Thành. Mặc dù đem lại thu nhập khá nhưng hoạt động của các cơ sở sản xuất ở đây rất cần được quy hoạch để có hướng phát triển bền vững.
Độc đáo nghề đá truyền thống núi Voi
Đường về núi Voi (huyện An Lão) trập trùng đá, xanh mướt bóng cây. Cứ ngỡ đến đây sẽ là một vùng khai thác đá nhộn nhịp, nhưng toàn bộ vùng núi cơ bản giữ được vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên. Việc khai thác đá núi Voi đã diễn ra cách đây mấy chục năm. Khi đó người dân địa phương chế tác đá làm các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, như: Trục kéo lúa, cối giã gạo, giã giò... Phương pháp làm thủ công bằng búa, đục thế nên người dân vẫn quen miệng gọi là nghề “đục... chát”. Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nhằm phát huy những giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, vùng núi Voi được quy hoạch để phát triển du lịch. Không có nguyên liệu, nghề chế tác đá đứng trước nhiều khó khăn. Người thợ phải tỏa ra các vùng đá trên cả nước để nhập nguyên liệu. Thế rồi từng khối đá ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Yên Bái... theo xe về An Lão, xung quanh núi Voi lại vang tiếng đục... chát.
Chúng tôi đến thăm cơ sở chế tác đá Mạnh Thái (xã Trường Thành, huyện An Lão) nằm ven Quốc lộ 10. Đội thợ đá đang miệt mài làm các sản phẩm bia đá, lăng mộ. Tiếng máy cắt đá, mài đá xè xè vang lên trong khu nhà xưởng. Mặc dù áp dụng máy móc vào sản xuất nhưng đôi bàn tay tài hoa của người thợ vẫn là yếu tố tạo nên chất lượng sản phẩm. Ông Lê Văn Thái, chủ cơ sở chế tác đá Mạnh Thái chia sẻ: “Sản phẩm đá của chúng tôi chỉ áp dụng máy móc ở một số khâu nhất định, còn lại đục, trạm thủ công, nhờ vậy các hoa văn sắc nét, sinh động hơn. Bề mặt sản phẩn được trạm nổi, tạo chiều sâu cho các họa tiết. Điều đó làm nên sự khác biệt, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng, trong đó có cả khách ở các vùng chuyên làm đá khác cũng tìm đến đặt hàng”.
Sản phẩm đá ở vùng núi Voi khá đa dạng từ lăng mộ, bia đá, tứ trụ, bậc đá thềm rồng đến các sản phẩm nhỏ như đèn cây, lư hương, đĩa đá, lọ hoa. Ngoài phục vụ nhu cầu tâm linh, sản phẩm đá còn được sử dụng trong trang trí nội thất, tiểu cảnh, khuôn viên gia đình, khu công cộng. Nguyên liệu đá ở đây được lựa chọn kỹ, có vân đẹp, “nạc” đá, thuận lợi để chế tác các hoa văn cầu kỳ, đường nét uốn lượn. Khi thành phẩm, sản phẩm có độ mịn bóng, qua thời gian mưa nắng không có vết rạn. Nhiều nghệ nhân làm nghề lâu năm còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ đá được trưng bày ở khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, tượng danh nhân đặt tại các khu tưởng niệm của TP Hải Phòng. Bằng bàn tay tài hoa của mình, những người thợ đá An Lão đã làm khởi sắc nghề đá truyền thống quê hương.
Mong muốn quy tụ để phát triển bền vững
Nghề chế tác đá hiện nay có điều kiện phát triển do nhu cầu của người dân ngày càng đa dạng. Nắm bắt xu thế đó, người thợ đá An Lão đã tập trung đầu tư máy móc, tìm nguồn nguyên liệu để mở xưởng sản xuất. Đi dọc Quốc lộ 10, gần 100 cơ sở chế tác lớn nhỏ theo mô hình doanh nghiệp hoặc hộ gia đình hoạt động nhộn nhịp. Nghề đá đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Tuy nhiên, mô hình sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn tự phát, chưa có định hướng cụ thể. Từ đó nhiều vấn đề phát sinh như việc sử dụng mặt bằng chưa được quy hoạch, tự ý dựng lều lán, để vật liệu ngổn ngang, bụi đá tán phát, việc bảo hộ cho người lao động chưa được quan tâm.
Là người gắn bó với nghề chế tác đá mấy chục năm nay, nghệ nhân Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Tuấn Thiện luôn mong muốn xây dựng một làng nghề chế tác đá bài bản, có quy hoạch để các doanh nghiệp cùng phát triển. Ông Tuấn chia sẻ: “Tôi cùng với nhiều nghệ nhân đã đề nghị với các cấp chính quyền thành lập làng nghề điêu khắc đá núi Voi. Tuy nhiên, việc thẩm định xét duyệt đòi hỏi sự đồng thuận của nhiều cơ quan chuyên môn. Vì thế đến nay cả một vùng sản xuất đá lớn ở An Lão chưa có một làng nghề theo đúng nghĩa”.
Nếu có một làng nghề tập trung sẽ tạo thuận lợi để các cơ sở liên kết sản xuất, tổ chức giới thiệu quảng bá sản phẩm. Khi quy hoạch thành một vùng, doanh nghiệp được giúp đỡ về mặt bằng, xử lý nước thải, giảm thiểu tác hại của bụi đá, tiếng ồn; chính quyền địa phương thuận lợi trong công tác quản lý, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện tại chính quyền xã An Tiến và Trường Thành đang quản lý các cơ sở sản xuất trên địa bàn, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, những vấn đề phát sinh chưa được giải quyết triệt để, đang cần sự đầu tư quy hoạch bài bản của huyện An Lão và TP Hải Phòng.
Trước khi chia tay chúng tôi, người thợ đá trẻ Lê Văn Mạnh (xã Trường Thành) bày tỏ mong muốn của mình, đồng thời cũng là nguyện vọng của nhiều thợ đá khác, đó là làm tốt việc dạy nghề cho con em trong vùng và sớm có một làng nghề, cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để nghề đá ở An Lão phát triển bền vững.