Tìm khách mới cho du lịch Việt
Theo ước tính của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VH-TT-DL), từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đón trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế, trong đó TPHCM đón hơn 2,3 triệu lượt, đạt tổng doanh thu trên 343.000 tỷ đồng. Ngoài tập trung vào nhóm khách truyền thống, chi tiêu cao, ngành du lịch nước ta đang nỗ lực không ngừng 'săn' tìm khách hàng mới, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Tăng cường quảng bá
Liên tiếp từ ngày 20 đến ngày 25-7, TPHCM đón gần 500 khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo) đến từ Ấn Độ. Đoàn khách lưu trú tại khách sạn Le Meridien Sài Gòn (quận 1, TPHCM), sau đó tham quan Bưu điện TPHCM, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, trải nghiệm ẩm thực Việt Nam và Ấn Độ… Đây thực sự là tin vui đối với du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung sau thời gian dài trầm lắng vì dịch Covid-19. Theo thống kê của Cục Du lịch Việt Nam, lượng du khách Ấn Độ tới Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 141.000 lượt, vượt qua tổng lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam trong cả năm 2022. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên đến 500.000 lượt trong năm 2023, tăng trưởng 250% so với năm ngoái.
Ông Suhash Chandar, Giám đốc điều hành Asia DMC (công ty chuyên đón khách Ấn Độ đến Việt Nam), cho hay, Việt Nam đang là điểm đến ưa thích của du khách Ấn Độ. Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng đưa khách đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc của Việt Nam. Bà Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TPHCM, thông tin, ngành du lịch thành phố xác định du lịch MICE là một trong 7 sản phẩm du lịch đặc trưng, nhiều tiềm năng, cần đẩy mạnh khai thác trong chiến lược phát triển du lịch. Bên cạnh việc ưu tiên cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các cơ sở lưu trú, Sở Du lịch TPCHM còn ban hành “Chính sách du lịch MICE TPHCM” với nhiều điều kiện ưu đãi, chương trình đón tiếp hấp dẫn. Cụ thể như chương trình chào mừng đoàn khách, quà tặng lưu niệm dành cho trưởng đoàn, hỗ trợ giảm giá vé một số điểm tham quan du lịch, hỗ trợ truyền thông trên các trang mạng xã hội…
Theo ngành chức năng, nguồn khách từ các thị trường quen thuộc như Nga, Trung Quốc… đã “teo tóp” sau dịch Covid-19 bởi nhiều lý do, như kinh tế suy thoái, xu hướng chi tiêu thay đổi, chiến tranh… “Nhiều quầy hàng lưu niệm, quán ăn… bán cho nhóm khách này tại khu phố Tây Nha Trang đã cửa đóng then cài. Gia đình tôi ở đây vài chục năm qua, chưa bao giờ thấy tình trạng đìu hiu như hiện nay”, chị Mai Phương Uyên (ngụ tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ. Trước thực tế này, nhiều địa phương đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đến nhiều nước trên thế giới, kết hợp với các hoạt động ngoại giao khác của nhiều bộ, ngành…
Điển hình vào cuối tháng 6-2023, Sở Du lịch TPHCM công bố chương trình quảng bá du lịch Việt Nam - TPHCM tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) và thủ đô Bangkok (Thái Lan), với sự tham gia của các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân, cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe (spa, nha khoa), doanh nghiệp du lịch... Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho hay, chương trình nhằm tiếp thị đến người dân và công ty du lịch hàng đầu của Phnom Penh các gói sản phẩm du lịch y tế của thành phố. Cục Du lịch thông tin, 5 tháng đầu năm 2023, nước ta đón hơn 167.000 khách du lịch Campuchia, chiếm gần 4% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất về chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố năm 2022 cho thấy, du lịch Việt Nam xếp hạng 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 trên thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Arabia Saudi (tăng 10 bậc).
Tuy vậy, bên cạnh những chỉ số tăng hạng thì du lịch Việt Nam vẫn còn một số nhóm chỉ số bị sụt giảm. Trong đó, các chỉ số xếp hạng thấp nhất của du lịch Việt Nam là y tế và vệ sinh - xếp hạng 73; hạ tầng dịch vụ du lịch - xếp hạng 86; mức độ ưu tiên cho ngành du lịch - xếp hạng 87; sự bền vững về môi trường - xếp hạng 94.
Đa dạng thị trường
Ngoài nhóm khách truyền thống, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nhiều đối tượng du khách khác, trong đó có nhóm khách đến từ các quốc gia Hồi giáo. Bởi hiện nay, đây là thị trường phát triển nhanh nhất, với khả năng chi tiêu lớn. Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, năm 2013 có khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch thì đến năm 2019, con số này đã đạt 160 triệu lượt.
Cuối tháng 12-2022, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đưa vào khai thác phòng chờ thương gia Jasmine, tọa lạc tại tầng 2 khu vực nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM. Đây là phòng chờ sân bay đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho hành khách hạng thương gia là tín đồ Hồi giáo, được chứng nhận bởi tổ chức liên minh Halal quốc tế, Công ty Tư vấn & Huấn luyện Halal Malaysia (MHCT). Diện tích sàn 300m2, công suất phục vụ giới hạn chỉ 70 khách, phòng chờ thương gia Jasmine được chia thành nhiều phân khu chức năng, bao gồm khu vực phòng cầu nguyện được phân khu riêng biệt cho nam và nữ, thiết kế đảm bảo không gian tôn nghiêm cho việc hành lễ và cầu nguyện của hành khách. “Phòng chờ thương gia đánh dấu một bước quan trọng trong ngành dịch vụ hàng không tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi số lượng du khách và thương gia là người Hồi giáo đến Việt Nam ngày càng gia tăng, góp phần hoàn thiện và nâng tầm dịch vụ hàng không tại đây”, đại diện SASCO nói.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khách sạn TP Đà Nẵng, cho biết, Đà Nẵng rất coi trọng thị trường khách Hồi giáo, luôn muốn khai thác thị trường này. Cùng ý kiến, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, cho rằng, miền Trung là khu vực có nhiều địa danh thu hút khách Hồi giáo như Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)… Tuy vậy, chị Nguyễn Thị Duyên, quản lý nhà hàng Maharaja Indian, nhìn nhận, khách từ thị trường Halal rất khó tính. Họ thường có các tiêu chuẩn riêng về thực phẩm nên phải có chứng nhận Halal (chứng nhận xác nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ hướng đến người Hồi giáo) để phục vụ cho khách. Trong khi đó, bên cạnh hệ thống ẩm thực, các tỉnh, thành phố miền Trung vẫn chưa hình thành hệ sinh thái phục vụ dòng khách Halal, chẳng hạn như phòng cầu nguyện tại sân bay quốc tế, khu vực công cộng có không gian cầu nguyện riêng, hướng dẫn viên hay cơ sở bán hàng lưu niệm phải hiểu đặc thù khách Hồi giáo.
Thế nhưng, những người làm du lịch ở đây vẫn tin tưởng, khách Hồi giáo có đặc thù sẽ truyền miệng với nhau về điểm đến, nên nếu làm tốt, sẽ thu hút được đối tượng khách này.
Du lịch ĐBSCL tìm cách thu hút khách Ấn Độ
Gần đây, đoàn công du gồm nhiều quan chức cấp cao và hơn 100 doanh nhân Ấn Độ đã tới thăm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Trong các năm 2017-2019, Kiên Giang và một số địa phương đã đón các du khách là tỷ phú Ấn Độ tới thăm, tổ chức sự kiện quan trọng. Chẳng hạn như đám cưới của tỷ phú kim hoàn Ấn Độ tại resort JW Marioot Phú Quốc Emerald Bay (của Tập đoàn Sun Group) vào năm 2019…
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, địa phương sẵn sàng chào đón doanh nhân và du khách Ấn Độ với một loạt tiềm năng hấp dẫn, như: tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn; ẩm thực đặc sắc với các món ăn đặc sản của vùng đồng bằng Nam bộ (cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, cá rô kho tộ, canh chua cá linh non với bông điên điển, mắm kho bông súng, đặc biệt có 200 món ăn từ sen…), cùng nhiều loại trái cây miệt vườn đã trở thành thương hiệu (xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, bưởi Phong Hòa…).
Từ đám cưới tỷ phú kim hoàn Ấn Độ ở Phú Quốc, các chuyên gia du lịch phân tích, đón du khách Ấn Độ nói dễ nhưng không dễ. Ở Ấn Độ, chỉ những người kinh tế khá giả mới có thể đi du lịch. Do đó, ngay từ bây giờ, ngành du lịch Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng phải có bước chuẩn bị về khả năng đáp ứng yêu cầu, sau đó mới tiếp thị quảng bá hình ảnh con người, đất nước Việt Nam tới thị trường tiềm năng này.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-khach-moi-cho-du-lich-viet-post698968.html