Tìm kiếm cơ hội nửa cuối năm
Nhà đầu tư đang đón đợi bức tranh kinh doanh nửa đầu năm và dần săn tìm cơ hội đầu tư cho nửa cuối năm 2024.
Cổ phiếu SMC của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại SMC đã được một số nhà đầu tư tích cực gom mua ở vùng giá 11.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu và tới nay, nhóm nhà đầu tư này đang tạm hài lòng với thành quả khi thị giá tăng khoảng 30% dù họ vẫn chưa chốt lời. Theo nhóm nhà đầu tư này, SMC nếu xử lý được nợ khó đòi, cơ hội chuyển từ lỗ sang lãi là rất lớn. Năm 2024, thị trường phân hóa, hoặc là có câu chuyện đủ hấp dẫn, hoặc con số kinh doanh phải có sự vượt trội - là tiêu chí mà nhóm nhà đầu tư này lựa chọn để bỏ tiền.
Quay lại với SMC, năm 2023, Công ty ghi nhận lỗ 879 tỷ đồng, trong đó có tác động bởi trích lập dự phòng nợ xấu các khoản phải thu 500 tỷ đồng. Theo tính toán của BSC, giá trị sổ sách của SMC sẽ duy trì ở mức 10.203 - 11.970 đồng/cổ phiếu trong 3 năm tới. Trong trường hợp xấu nhất, SMC phải trích lập dự phòng hết thì giá trị sổ sách là 10.203 đồng/cổ phiếu, tương đương P/B 1,1 lần.
Đây cũng là tính toán mà nhóm nhà đầu tư trên cho rằng, mua cổ phiếu SMC quanh vùng giá trị sổ sách là an toàn. “Theo thông tin từ đại hội cổ đông, SMC đang quyết liệt xử lý công nợ trong năm nay để không phải trích lập thêm, bằng nhiều phương án gồm thu tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ…”, nhóm nhà đầu tư cho biết.
Tương tự, BWE cũng là cổ phiếu được dòng tiền chú ý gần đây, ghi nhận mức tăng hơn 10% trong 1 tháng gần nhất. Đây là cổ phiếu từ lâu đã được "chấp niệm" là một cổ phiếu dạng phòng thủ với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, với tiềm năng giá nước cũng như sản lượng nước thương phẩm sẽ tăng từ 5 - 10% trong vài năm tới, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công nhận định, "đây là thời điểm vàng để cổ phiếu cởi bỏ lớp áo giáp và trở thành một chiến binh có sức mạnh đột phá trong vài năm tới".
Về mặt định giá, với lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự kiến quay lại mức 777 tỷ đồng, P/E forward của BWE sẽ rơi vào khoảng 11,2 lần, ngang ngửa mức P/E trung bình kể từ khi niêm yết. P/E forward của BWE sau khi trừ đi khoản trích lập quỹ khen thưởng sẽ rơi vào mức 13,2 lần. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, câu chuyện tăng trưởng sẽ bắt đầu vào 2025 khi UBND tỉnh Bình Dương duyệt quyết định tăng giá nước 5%, định giá BWE sẽ lên một tầm cao mới.
Rủi ro đầu tư cần chú ý với cổ phiếu này, theo ông Trung, BWE có xu hướng hạch toán lãi/lỗ tỷ giá vào báo cáo quý II và quý IV hàng năm. Tính từ thời điểm đầu năm, tỷ giá USD/VND đã có mức tăng 4,8% và điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến nợ vay của BWE khi doanh nghiệp đang có khoảng 2.767 tỷ đồng nợ vay bằng USD. Nếu tỷ giá tiếp tục neo ở mức cao như thời điểm hiện tại, khả năng cao doanh nghiệp sẽ ghi nhận chi phí lỗ tỷ giá khoảng 150 tỷ đồng vào quý II (75% lợi nhuận sau thuế quý I/2024).
Đây chỉ là một trong số những cuộc trò chuyện của các nhóm đầu tư để thảo luận về cơ hội đầu tư. Nhiều cái tên khác cũng được nhắc đến như BSR chờ đợi chuyển sàn; POW sẽ nhận 1.000 tỷ đồng bồi thường từ sự cố Nhà máy Điện Vũng Áng 1; DBD chờ đợi câu chuyện bán vốn cho đối tác…Tựu trung lại, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư kỳ cựu nhìn nhận, thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ có phân hóa, nên chọn doanh nghiệp và thời điểm giải ngân là quan trọng.
Ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Quản lý quỹ SSIAM cho rằng, thị trường nửa cuối năm sẽ tích cực nhưng chưa đến giai đoạn FOMO. Nguyên nhân là tâm lý nhà đầu tư vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đợt sụt giảm của năm 2022 (dòng tiền bị tắc nhiều ở trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản), nhiều nhà đầu tư rời bỏ thị trường chưa quay lại.
Nửa cuối năm cũng chưa có câu chuyện đủ lớn để nhà đầu tư FOMO, câu chuyện lớn gần nhất là nâng hạng thị trường. Về mặt dòng tiền, trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng thì dòng tiền vào không lớn nhưng tạo hiệu ứng lên tâm lý nhà đầu tư. Khi MSCI nâng hạng mới tác động lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam, thay đổi cả về chất của thị trường. Tuy nhiên, để được MSCI nâng hạng sẽ phải mất nhiều năm và trong ngắn hạn kỳ vọng vào FTSE Russell có cơ sở hơn.
Điểm cần chú ý, nền kinh tế có phục hồi nhưng vẫn còn đang yếu, đa số doanh nghiệp có tăng trưởng mạnh so với nền thấp năm 2023 như thép, bán lẻ, hàng không…, song nhóm chiếm tỷ trọng cao là ngân hàng bắt đầu chững lại.
“Tôi cho rằng, ở giai đoạn FOMO là tất cả mọi tài sản đều đi lên, nếu như chỉ cổ phiếu đi lên thì đến một mức độ nào đó người có tiền sẽ nhận ra đã tăng quá rồi và rút tiền chuyển qua kênh khác hấp dẫn hơn như bất động sản, tiền số, trái phiếu... Vì nguyên tắc cơ bản của nhà đầu tư là không để trứng vào một giỏ”, ông Tốt nói.
Chiến lược được khuyến nghị cho nhà đầu tư là tận dụng vùng giá cao để bảo toàn thành quả. Ở chiều mua, việc đa dạng hóa danh mục theo ngành có thể giúp nhà đầu tư chủ động đón đầu dòng tiền liên tục xoay vòng và hạn chế rủi ro. Tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục duy trì ở mức cân bằng, chỉ mua gom trong các nhịp điều chỉnh và việc lựa chọn nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng kết quả kinh doanh cao và ổn định. Nhiều nhóm ngành sẽ lần lượt hồi phục trên nền so sánh rất thấp của năm ngoái.
Theo ước tính của SSI Research, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành bán lẻ, phân bón, thép - tôn mạ, chứng khoán và xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024. Trong khi đó, sự chú ý của thị trường còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang, nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm thực phẩm đồ uống và nhóm tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FIDT cho biết, định giá thị trường hiện tại đã ở vùng trung bình lịch sử. Tuy không còn quá hấp dẫn như giai đoạn một tháng trước, nhưng đây vẫn là mức định giá nhiều tiềm năng, với dư địa tăng trưởng EPS còn nhiều trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 và năm 2025. Mặc dù vậy, đây vẫn là giai đoạn mà thị trường thường giằng co và điều chỉnh mạnh cũng như tạo ra sự phân hóa cao ở vùng định giá này trong quá khứ, nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn với xu hướng này.
Phân tách rõ ràng hơn, có thể thấy không phải tất cả các ngành/cổ phiếu đã về vùng định giá trung bình. Ngành bất động sản và một số cổ phiếu ngân hàng với những khó khăn hiện hữu vẫn đang có định giá ở vùng thấp, đó là lý do chỉ số P/B hiện tại vẫn nằm ở mức 1,80 lần. FIDT cho rằng nhà đầu tư nên xem xét nhóm cổ phiếu có định giá còn tương đối rẻ này bởi những triển vọng về việc nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ hồi phục tốt trong thời gian tới.
Với riêng ngành ngân hàng, nhóm cổ phiếu đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ dẫn dắt chỉ số VN-Index vượt 1.300 điểm vững chắc. Ông Tuấn cho biết, xu hướng nâng lãi suất cục bộ ở một số ngân hàng trong quý II có thể là tín hiệu dẫn dắt cho xu hướng tín dụng đầu ra có dấu hiệu quay đầu trở lại. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ dần tích cực hơn kể từ nửa cuối 2024 với động lực chính đến từ (1) xu hướng hồi phục của nền kinh tế, với sự dẫn dắt chính đến từ hoạt động xuất nhập khẩu đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực trong 2 quý đầu năm (2) kỳ vọng thị trường bất động sản dần ấm trở lại thúc đẩy nhu cầu cho vay mua nhà.
Nói về cổ phiếu ngân hàng, theo ông Tuấn, STB đang đi những bước cuối trên lộ trình tái cấu trúc. Sau khi giải quyết được khoản nợ của Khu công nghiệp Phong Phú, ngân hàng này chỉ còn tồn đọng 32,5% cổ phần của ông Trầm Bê đang chờ đợi quyết định của Chính phủ, tuy nhiên FIDT kỳ vọng việc này sẽ được sớm thực hiện trong năm nay. Sự trở lại của STB phụ thuộc khá nhiều vào tốc độ STB hoàn thành Đề án tái cơ cấu trong bối cảnh ngành ngân hàng chịu nhiều áp lực trong quý I/2024. STB đang có mức định giá rẻ khi đang giao dịch ở mức P/B dự phóng 0,6 lần, so với mức P/B trượt 4 quý 1,1 lần và so với P/B toàn ngành là 1,5 lần.
Hay SHB, với quy mô cho vay đứng thứ 9 toàn ngành, quy mô tổng tài sản trong Top 10 ngành ngân hàng, ngân hàng này đang có quy mô tương đương với các ngân hàng tư nhân lớn như STB, ACB và thậm chí lớn hơn HDB, LPB, VIB. Tuy nhiên, SHB đang được định giá với mức P/B 0,76 lần. FIDT cho rằng, định giá này chủ yếu do (1) SHB đang chật vật với mức sinh lời thấp (ROE quý I ở mức 15,5%, thấp hơn mức 18,5% của toàn ngành); (2) NIM ở mức khiêm tốn (3,5%) và (3) chất lượng tài sản đang ở vùng xấu (nợ xấu chạm mức 3% trong quý I/2024).
Chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi đạt 18%, dẫn dắt bởi thu nhập lãi tăng trưởng 19% do chi phí vốn rẻ hơn. Rồng Việt ưa thích những cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt như ACB và VCB, CTG vì triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng này khá bền vững và ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi quá trình củng cố lại bộ đệm dự phòng so với các ngân hàng khác.
Ngoài ra, kỳ vọng bước ngoặt về tăng trưởng lợi nhuận tại VPB sau 2 năm đẩy mạnh trích lập dự phòng nhằm tái cấu trúc danh mục vay theo hướng thận trọng hơn, sẽ giúp khởi động quá trình tái định giá ở cổ phiếu này.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tim-kiem-co-hoi-nua-cuoi-nam-post348023.html