Tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
Tỉnh Quảng Trị hiện có nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu. Để tìm kiếm đầu ra tốt hơn cho sản phẩm CNNT, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất và các cơ quan chức năng đang vào cuộc rất tích cực.
Từ mấy năm nay, các sản phẩm tinh dầu sả, hương nhu, gừng, nghệ… của Hợp tác xã (HTX) Van Pa ở huyện Đakrông đã được người tiêu dùng ở một số tỉnh phía Bắc biết đến do có chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Năm 2020, bộ sản phẩm tinh dầu của HTX Van Pa đã được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh. Để có được thành công này, HTX Van Pa đã liên kết với nông dân trồng hàng chục ha cây nguyên liệu ở các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Hướng Hiệp, Hải Phúc và tổ chức thu mua sản phẩm để chế biến tinh dầu; quảng bá, giới thiệu sản phẩm; liên kết với doanh nghiệp để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Anh Đoàn Văn Linh, Giám đốc HTX Van Pa cho biết: “Thành công cũng mới chỉ bước đầu vì sản phẩm của chúng tôi đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ bởi hoạt động bán lẻ, nhất là bán lẻ trên địa bàn tỉnh còn manh mún. Điều này không chỉ làm cản trở việc mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao lợi nhuận của HTX mà còn tác động không tốt đến thu nhập của các hộ nông dân tham gia trồng nguyên liệu chế biến tinh dầu. Để tiêu thụ tốt sản phẩm, hiện nay HTX đã hoàn thành các thủ tục về công nhận thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các cổng thông tin về sản phẩm CNNT của trung ương, của tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các siêu thị, trung tâm thương mại”.
Chị Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ thông tin: “Các sản phẩm cao cà gai leo, cao chè vằng, cao thìa canh của doanh nghiệp mặc dù đã có thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhưng hiện cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân chính dẫn đến thực tế này là nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm và việc giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty còn hạn chế do vấn đề kinh phí. Điều này khiến chúng tôi phải cắt giảm nhân công xuống còn 10 người thay vì 20 - 25 người như trước đây. Thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe hiện nay rất phong phú nên muốn tiêu thụ sản phẩm tốt thì không còn cách nào khác ngoài nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có giá thành hợp lý gắn với thực hiện bài bản việc giới thiệu, quảng cáo sản phẩm. Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng”…
Đây cũng là bài toán khó đang đặt ra cho không ít sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh hiện nay. Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 140 sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn dựa trên những tiêu chí về trình độ kỹ thuật, thị trường tiêu thụ tốt, bảo vệ môi trường, tạo ra nhiều hiệu ứng xã hội tốt, có tiềm năng phát triển... Đơn cử như sản phẩm máy làm đá viên của Công ty TNHH Quốc Thịnh; Đông trùng hạ thảo Sa Mù của Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, thông tin khoa học và công nghệ Quảng Trị; các sản phẩm dầu ăn của Công ty TNHH MTV Từ Phong; cà phê rang xay Khe Sanh Coffee của Hợp tác xã nông sản Khe Sanh; các sản phẩm giấy lụa hộp Silky live, giấy vệ sinh Silky live của Công ty TNHH MTV Orchid Phú Quý; bún sạch Vạn Linh của Cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh ở huyện Triệu Phong; miến ngũ sắc Loan Hảo của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hảo ở huyện Vĩnh Linh; nước mắm Gia Đẳng của cơ sở sản xuất nước mắm Hải Long ở huyện Triệu Phong; nước mắm, ruốc Ngọc Hà của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hòa ở huyện Gio Linh; bộ sản phẩm cao lược liệu Nguyễn Thị Dung ở huyện Cam Lộ; gạo hữu cơ Quảng Trị của Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị; các bộ sản phẩm tinh dầu của các cơ sở sản xuất ở các địa phương trong tỉnh…
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng, thị trường tiêu thụ của khá nhiều sản phẩm CNNT tiêu biểu hiện nay vẫn đang gặp khó khăn, nhất là sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác và hộ sản xuất. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, mối liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẽo, chưa liên tục. Do vậy, sản phẩm dù có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng có giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa, chưa đưa được sản phẩm vào các siêu thị, đầu mối cung ứng hoàng hóa lớn cũng như không bảo vệ được sản phẩm do mình làm ra khi bị nhái, làm giả. “Các sản phẩm CNNT một khi được sản xuất nhiều, có thị trường tiêu thụ ổn định sẽ có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động và đóng góp vào ngân sách địa phương. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Sở Công thương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Đưa sản phẩm CNNT tiêu biểu vào các kênh, chương trình giới thiệu, quảng bá, kết nối thị trường, xúc tiến tiêu thụ của Bộ Công thương, của sở. Kết nối, phối hợp với siêu thị Co.opmart cung ứng rộng rãi một số sản phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý sản xuất, marketing cho các cơ sở. Hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất…”, ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm.
Để đầu ra cho sản phẩm CNNT thuận lợi, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất cần bắt kịp xu hướng và thị hiếu tiêu dùng của khách hàng để có sản phẩm phù hợp về chất lượng, mẫu mã, giá cả. Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ để mở rộng sản xuất đảm bảo đủ năng lực cung ứng sản phẩm dồi dào, ổn định.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=149252