Tìm kiếm, phát hiện nhân tài như 'đãi cát tìm vàng'
Chuyên gia nhấn mạnh, phát hiện nhân tài như 'đãi cát tìm vàng', do đó, 'phải chỉ ra được và nhận diện được nhân tài thế nào. Nếu đãi cát tìm vàng mà không biết vàng thế nào thì không tìm được.
“Dụng nhân như dụng mộc”
Ngày 29/4, Bộ Nội vụ tổ chức họp tổ chuyên gia xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, thời kỳ nào nhân tài được trọng dụng, thời kỳ đó thịnh vượng; đất nước nào phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ tốt với nhân tài, đất nước đó phát triển.
Ông Thừa đề nghị thành viên tổ chuyên gia, với kinh nghiệm và kiến thức của mình tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến phát hiện nhân tài, phân biệt được người có tài năng; sau khi phát hiện thì đặt ra cơ chế để thu hút. Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến trọng dụng, sử dụng để làm sao “dụng nhân như dụng mộc” và cuối cùng là các chính sách đãi ngộ đối với nhân tài.
Tại buổi họp, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Lê Minh Hương đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập Tổ chuyên gia xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, với 9 thành viên, do TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước làm tổ trưởng.
Dự thảo đề cương đề án do TS. Tạ Ngọc Hải trình bày nêu rõ, mục tiêu chung của đề án là thu hút, trọng dụng người có tài năng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Đáng lưu ý, về giải pháp sẽ chú trọng đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Gắn chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài với thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với từng nhóm đối tượng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng suất lao động, hiệu quả công tác và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực của đất nước…
Chỉ nhân nhân mới đánh giá được
Thảo luận tại buổi họp, tổ chuyên gia cũng chia sẻ những kinh nghiệm phát hiện, thu hút, trọng dung nhân tài ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Do đó, Tổ chuyên gia đề nghị thu hút cả các chuyên gia nước ngoài, với kinh nghiệm của họ sẽ giúp Việt Nam trong các mối quan hệ với nước ngoài, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tiếp thu tinh hoa thế giới để áp dụng tại Việt Nam.
Các thành viên cho rằng, việc đầu tiên phải khái niệm thế nào là nhân tài và có “thang đo” cụ thể, lượng hóa được hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá người tài, nếu không các chính sách sẽ trở thành lý thuyết và rất khó phát hiện ai là nhân tài. Phát hiện nhân tài như “đãi cát tìm vàng”, do đó, “phải chỉ ra được và nhận diện được nhân tài thế nào, nếu đãi cát tìm vàng mà không biết vàng thế nào thì tìm sao được?”.
Thứ hai là việc phát hiện nhân tài phải từ thực tiễn, “chỉ có quần chúng Nhân dân mới đánh giá được một người có tài hay không”, phát hiện càng sớm càng tốt để đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp với năng lực, sở trường để họ phát huy tốt nhất.
Thứ ba là phải đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. “Một khi nguồn nhân lực không thuộc sở hữu của thủ trưởng cơ quan thì khó có thể phát hiện, trọng dụng nhân tài” – Tổ chuyên gia nhấn mạnh.
Không những vậy, phải xác định được những vị trí nào cần người tài. Khi sử dụng người tài, cần phải được đánh giá thường xuyên; đặc biệt, là tạo môi trường làm việc bình đẳng, minh bạch, thủ trưởng biết lắng nghe và tạo sự “tự do trong khuôn khổ” để người tài phát huy khả năng tốt nhất.
Về cơ chế thu hút, phải xác định thu hút từ đâu và phải có cơ chế đãi ngộ khác biệt mới có thể thu hút được nhân tài, đây sẽ là đường thông cho các cơ quan sử dụng nhân tài, có thể là cơ chế “dự án”, “chương trình đặc biệt” của Chính phủ và các cơ quan nhà nước.
Cùng với đó, Đề án cần xây dựng các phương thức tuyển dụng đặc biệt để hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng. Không nên chú trọng bằng cấp mà cần chú trọng năng lực vì năng lực rất đa dạng, phù hợp với từng lĩnh vực.
Đặc biệt, đại biểu lưu ý cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường Đại học với các cơ quan nhà nước, việc này chúng ta đang yếu, trong khi đó các doanh nghiệp họ đã làm từ rất lâu. Do đó, các cơ quan nhà nước cần chủ động thực hiện, có thể xây dựng quỹ tài năng quốc gia để phát hiện, bồi dưỡng và thu hút nhân tài. Tức là xây dựng mối quan hệ cung cầu…