Tìm kiếm sự phát triển bền vững cho du lịch, điện ảnh và thể thao Việt Nam

Những tiềm năng, thế mạnh cũng như những vướng mắc, 'điểm nghẽn' trong sự phát triển bền vững của du lịch, điện ảnh và thể thao Việt Nam đã được thảo luận, mổ xẻ tại Hội thảo 'Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai - đường dài chung bước'.

Cần "đánh thức" những tiềm năng

Ngày 3/9, tại TP Quy Nhơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai - đường dài chung bước”.

Hội thảo gồm có hai phiên chính. Trong đó, phiên 1: “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai - đường dài chung bước”; phiên 2: “Thực tiễn hợp tác Du lịch, Điện ảnh và Thể thao”.

 Các chuyên gia, khách mời thảo luận trong phiên “Du lịch, điện ảnh và thể thao: Kiến tạo tương lai, đường dài chung bước”. Ảnh: TQ

Các chuyên gia, khách mời thảo luận trong phiên “Du lịch, điện ảnh và thể thao: Kiến tạo tương lai, đường dài chung bước”. Ảnh: TQ

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, khách mời tham dự đã có nhiều ý kiến gợi mở, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những sáng kiến, giải pháp thiết thực nhằm kiến tạo sự phát triển bền vững cho du lịch, điện ảnh và thể thao Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng vươn cao hơn, xa hơn trong tương lai.

Chia sẻ về cơ chế, chính sách, mối tương quan để phát triển điện ảnh, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đề xuất Bộ VHTT&DL sớm kiến nghị Chính phủ để khơi thông các điểm nghẽn, tạo cơ chế, chính sách để các địa phương sử dụng ngân sách để phối hợp, hỗ trợ các chương trình khai thác du lịch, điện ảnh và thể thao.

Theo đại diện UBND tỉnh Phú Yên, để có tác phẩm điện ảnh lớn đóng góp cho du lịch, văn hóa các địa phương cần có vai trò nhà nước. Ngoài ra, cần quan tâm bảo tồn các điểm văn hóa, di tích, cảnh quan để phát triển thành các “phim trường” cho điện ảnh…

NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cũng đề xuất Bộ VHTT&DL có chủ trương cho tất cả các tỉnh, thành phố đều quay các cảnh đẹp, các danh lam thắng cảnh của mình ở chất lượng quốc tế, quảng bá bằng ngôn ngữ quốc tế.

Đồng thời, để phát triển điện ảnh, các đoàn làm phim rất cần sự ủng hộ của các địa phương. Các địa phương phải xem làm phim như là sự đầu tư cho tỉnh để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; từ đó hỗ trợ, giúp đỡ các đoàn làm phim hoàn thành những tác phẩm điện ảnh.

 NSND Xuân Bắc phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: ND

NSND Xuân Bắc phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: ND

Lấy ví dụ tỉnh Bình Định, NSND Xuân Bắc cho rằng tinh hoa võ thuật Việt Nam nói chung và võ cổ truyền Bình Định nói riêng chính là bản sắc để làm nên bối cảnh phim Bình Định khác biệt, tạo dấu ấn riêng.

Vì vậy, đây chính là một lợi thế lớn của Bình Định, việc đưa tinh hoa võ cổ truyền lên phim ảnh là một hình thức quảng bá về vẻ đẹp của vùng đất, về tinh thần thượng võ của con người Bình Định.

Chung quan điểm, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng Bình Định như một Việt Nam thu nhỏ, vừa có núi, ghềnh, vừa có sông, biển, đảo, đồng bằng, đặc biệt, Bình Định có rất nhiều di sản vật thể và phi vật thể. Bình Định có các làng nghề, đất văn, đất võ, nhiều đặc trưng mà những địa phương khác không có.

Vấn đề là đánh thức tiềm năng đó như thế nào và sử dụng những tài nguyên đó trong điện ảnh như thế nào, để các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Bình Định nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng cho rằng, cần thay đổi cơ chế chính sách để làm sao bộ phim do nhà nước đầu tư có thể đến được nhiều hơn với các rạp chiếu phim và khán giả. Vì nhiều bộ phim được đầu tư kinh phí rất lớn nhưng khi ra mắt khán giả chỉ trình chiếu được vài buổi rồi cất vào kho rất lãng phí.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Bạch Ngọc Chiến chia sẻ, thể loại phim hành động đang rất cuốn hút trên thế giới, cần tạo được những ngôi sao điện ảnh võ thuật thực sự là những võ sĩ, võ sư.

Ông Chiến đề xuất, cần nuôi dưỡng phong trào thể thao quần chúng để tạo ra các nhân tài điện ảnh, nhất là trong phim võ thuật…

Nghệ sĩ cần được khán giả ủng hộ

Ở phiên thảo luận thứ 2 có các đạo diễn, nhà sản xuất phim, nhà phát hành và chuyên gia: Lương Đình Dũng, Đỗ Quang Minh, Aaron Toronto, Trương Ngọc Ánh, Bùi Quang Minh, Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh, ông Sirisak - chuyên gia điện ảnh Thái Lan.

Các diễn giả tập trung mổ xẻ về thực tiễn phát triển điện ảnh trong nước và nêu ra nhiều vướng mắc, khó khăn mà điện ảnh Việt Nam đang đối mặt.

Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà sản xuất phim Việt Nam gặp khó khăn về nguồn lực, kinh phí. Nhiều chương trình liên kết, hợp tác với nước ngoài gặp khó do cơ chế, chính sách thuế, pháp lý và hạ tầng…

 Diễn viên, Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: TQ

Diễn viên, Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: TQ

Chia sẻ về nền điện ảnh Thái Lan, ông Sirisak cho biết, tại xứ sở “chùa vàng” có nhiều tác phẩm điện ảnh ở có nguồn thu “khủng”. Nhiều bộ phim có cảnh quay ở Thái Lan như : “Lost in Thailand”, “James Bond 007”… đã giúp nhiều điểm đến trong bối cảnh phim ở Thái Lan hút khách trong cả chục năm qua.

Nhấn mạnh đến môi trường sáng tạo cho các đạo diễn, nhà biên kịch, sản xuất phim, ông Sirisak cho rằng tác phẩm điện ảnh là sáng tạo nghệ thuật vì vậy, khán giả không nên quá khắt khe, mà hãy tạo điều kiện và cho phép các đạo diễn, nhà biên kịch được sáng tạo để có các tác phẩm lớn.

Vị chuyên gia đến từ Thái Lan, cho biết thêm, do có được cơ chế tốt từ việc hỗ trợ, hoàn tiền mặt cho các nhà sản xuất phim nên đất nước Thái Lan thu hút rất nhiều nhà sản xuất phim quốc tế đến lấy bối cảnh. Ở trong nước, các địa phương ở Thái Lan còn lập ra các quỹ để thúc đẩy điện ảnh từ các nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa…

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tim-kiem-su-phat-trien-ben-vung-cho-du-lich-dien-anh-va-the-thao-viet-nam-post310431.html