Tìm lại chỗ đứng cho tranh màu nước
Những năm gần đây, tranh màu nước bắt đầu trở lại với nhiều triển lãm và số lượng họa sĩ tăng dần. Tuy nhiên, để tranh màu nước có sức sống lâu bền, có chỗ đứng trên thị trường mỹ thuật đương đại đòi hỏi nỗ lực hơn cả về kỹ thuật và chất lượng.
Xóa bỏ khuôn mẫu cũ
Theo Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Văn phòng phía Nam, họa sĩ Nguyễn Trung Tín, trước đây, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh, màu nước thường được mặc định sử dụng gián tiếp để ký họa hoặc vẽ trên giấy dó. Bẵng đi một thời gian, các cửa hàng bán họa cụ dùng cho màu nước thưa dần; các họa sĩ không còn mặn mà với màu nước...
Năm 2015, triển lãm quốc tế đầu tiên về tranh màu nước được tổ chức tại Việt Nam thu hút sự tham gia của nhiều họa sĩ trẻ. Đến 2017, triển lãm tranh màu nước tiếp tục được tổ chức với hơn 100 họa sĩ quốc tế tham gia. Đây là tiền đề để thành lập Câu lạc bộ Màu nước TP. Hồ Chí Minh, với 42 thành viên. Ban đầu, các họa sĩ tranh màu nước cũng vấp phải những khó khăn như: việc tìm mua họa cụ tương đối khó khăn, phải đặt mua từ nước ngoài; giấy và màu vẽ không đa dạng; giá vẽ chuyên dụng cho màu nước không có... Chủ nhiệm Câu lạc bộ, họa sĩ Hồ Hưng cho biết, giống như nhiều họa sĩ tranh màu nước, anh chỉ có thể bán tác phẩm cho một số đối tác nước ngoài, khá chật vật tìm đường ra cho sản phẩm. Các nhà sưu tập trong nước hầu như ít chú ý đến tranh màu nước; các hoạt động cho dòng tranh này cũng rất hiếm.
“Tuy nhiên, những triển lãm khởi đầu đã mang đến lạc quan cho các họa sĩ để họ mạnh dạn sử dụng chất liệu màu nước phát triển con đường chuyên nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, hàng loạt triển lãm màu nước được tổ chức trong và ngoài nước. Đáng chú ý là triển lãm quốc tế “Nghệ thuật và hòa bình” với sự tham gia của họa sĩ Việt Nam, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản và Triển lãm quốc tế mùa thu 2021 với sự tham gia của họa sĩ đến từ 42 quốc gia…”, họa sĩ Hồ Hưng cho hay.
Cũng theo họa sĩ Hồ Hưng, do màu nước hiện trở thành chất liệu tách riêng, sử dụng trực tiếp để xây dựng tác phẩm hoàn chỉnh, các họa sĩ theo đuổi dòng tranh này dần có lợi thế, dễ dàng tiếp cận chất liệu, từ đó thêm cơ hội tham gia nhiều giải thưởng quốc tế để phát triển chuyên nghiệp. Nhiều sáng tác màu nước ra đời với khổ lớn, độ kỳ công và cách vẽ độc đáo, cho thấy sự sáng tạo, tìm tòi học hỏi liên tục của các họa sĩ, xóa bỏ những khuôn mẫu cũ kỹ.
Họa sĩ đã sống được với nghề
Năm 2022, tọa đàm “Tính sáng tạo trong tranh màu nước”, cùng một số triển lãm tranh màu nước của họa sĩ trong nước và quốc tế được tổ chức, mở ra thảo luận về hướng phát triển của màu nước không chỉ về kỹ thuật, mà còn cả tương lai của chất liệu này. Theo họa sĩ Hồ Hưng, đội ngũ họa sĩ CLB Màu nước TP. Hồ Chí Minh đã tăng gấp 3 lần so với ban đầu. Các tác phẩm được trưng bày, giới thiệu rộng rãi với công chúng. Hoạt động sáng tác diễn ra đều đặn...
Bên cạnh những họa sĩ lành nghề, nhiều bạn trẻ ghi tên theo học, thị trường họa cụ vẽ tranh màu nước cũng nhộn nhịp trở lại. Chính sự phát triển này khiến giới sưu tập chú ý đến tranh màu nước, từ đó kích thích nhu cầu mua, thúc đẩy phát triển. Họa sĩ màu nước đã sống được với nghề. Yếu tố này tác động tích cực đến nỗ lực của các họa sĩ, góp phần giúp tranh màu nước dần có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường hội họa Việt Nam.
Hiện TP. Hồ Chí Minh được xem là nơi tranh màu nước phát triển sôi động nhất. CLB Màu nước TP. Hồ Chí Minh không chỉ là môi trường dành cho người chuyên nghiệp mà còn tạo điều kiện kết nối, giao lưu với những tay cọ bán chuyên, theo đuổi tranh màu nước vì đam mê. Sự xuất hiện của các triển lãm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam cũng tạo điều kiện cho họa sĩ trong nước trao đổi, học hỏi. Ngay trong thời điểm dịch bệnh, tranh của nhiều họa sĩ quốc tế vẫn vượt hàng nghìn cây số để có mặt tại Việt Nam. Gần đây, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cũng đã hình thành giải thưởng chính thức cho dòng tranh này, tạo động lực cho tranh màu nước tiếp tục phát triển.
Chia sẻ niềm vui với sự trở lại tích cực của màu nước, họa sĩ Đoàn Quốc cho rằng, anh thấy sáng suốt khi lựa chọn dòng tranh này. “Cách đây 5 năm, từ chỗ chủ yếu vẽ sơn dầu, lụa, bột màu, chì, than… tôi bắt đầu yêu thích màu nước và quyết định đi vào con đường chuyên nghiệp. Chúng tôi học hỏi nhau, khắc phục những hạn chế của chất liệu màu nước, đẩy lên tầm cao mới. So với giai đoạn tiếp cận ban đầu, màu nước hiện nay được học hỏi bạn bè quốc tế trong xử lý kỹ thuật loang nước, kiểm soát màu in, chất liệu giấy và họa cụ phù hợp, bảo đảm. Tôi nghĩ, các họa sĩ trẻ cần vẽ thật nhiều, kết nối quốc tế nhiều hơn để theo kịp xu hướng thế giới. Đến với màu nước, tôi được thỏa mãn những gì mình mong muốn để biểu đạt tác phẩm. Ở mức độ nào đó, chất liệu không còn quan trọng mà là chúng ta muốn biểu hiện gì ra bề mặt tác phẩm”.