Tìm lại dấu xưa của Hiệp định hòa bình Paris ở Choisy-le-Roi
Ngày 19/1, thành phố Choisy-le-Roi của Pháp đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 19/1, thành phố Choisy-le-Roi đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023), với sự hiện diện của thị trưởng thành phố, ông Tonino Panetta và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, cùng đông đảo cán bộ nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, lãnh đạo thành phố và bạn bè Pháp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thị trưởng Tonino Panetta bày tỏ niềm tự hào được chào đón những người bạn Việt Nam để cùng chia sẻ một chương trình tập trung vào ký ức và văn hóa, đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris.
Nhắc lại bối cảnh lịch sử khiến Choisy-le-Roi trở thành nơi tiếp đón phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cũng là nơi diễn ra những cuộc đàm phán bí mật giữa ông Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, trực tiếp phụ trách Đoàn ngoại giao Việt Nam đàm phán với Mỹ về Hiệp định Paris, và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger cũng là cố vấn Tổng thống.
Thị trưởng Tonino Panetta cho biết kể từ đó đến nay, mối quan hệ giữa Choisy-le-Roi và Việt Nam vẫn mạnh mẽ đặc biệt được thể hiện bằng sự kết nghĩa với quận Đống Đa, ở thủ đô Hà Nội, và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa của cộng đồng địa phương.
Về phần mình, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ sự xúc động khi gặp lại những người bạn Pháp ở Choisy-le-Roi để cùng nhau kỷ niệm một sự kiện có ý nghĩa lịch sử với cả hai bên.
Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn đánh giá cao vị thế của thành phố Choisy, nơi luôn chia sẻ với Việt Nam, những giá trị chung về hòa bình và đoàn kết, cũng như sự chào đón nồng nhiệt nhất tại thành phố trong trong những khoảnh khắc lịch sử chung.
Đại sứ vui mừng nhận thấy tình đoàn kết và hữu nghị được duy trì giữa Việt Nam và Pháp, giữa Val-de-Marne với các địa phương của Việt Nam và đặc biệt là giữa Choisy-le-Roi và quận Đống Đa, Hà Nội, đã đơm hoa kết trái, thậm chí đã trở thành hình mẫu cho sự hợp tác phi tập trung.
Đại sứ bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tiếp tục truyền thống này trong thời gian tới để ghi dấu trong tâm trí các thế hệ mai sau tình hữu nghị và tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
Trước buổi lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng nhau đi dạo, thăm lại các địa danh gắn bó với sự kiện lịch sử này như Trường cán bộ trung ương của Đảng Cộng sản Pháp - tòa nhà Maurice Thorez tại số 8 đại lộ Général Leclerc, nơi phái đoàn Việt Nam đã từng ở trong gần 5 năm đàm phán; căn nhà số 11 ở phố Darthé - nơi diễn ra các cuộc gặp bí mật giữa hai ông Lê Hữu Thọ và ông Henry Kissinger; và quảng trường Hiệp định Paris, nơi có biểu tượng hòa bình Việt Nam, được khánh thành năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định lịch sử này.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết: "Tôi rất xúc động và tự hào khi thăm lại những địa danh này, sống lại với những kỷ niệm của Hiệp định Paris tại một mảnh đất thân thuộc với người dân Việt Nam, nơi đã đón tiếp, hỗ trợ và ủng hộ đoàn đàm phán Việt Nam để đạt được một Hiệp định đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân Việt Nam, đồng thời cũng làm một chiến thắng của ngoại giao Việt Nam."
Còn Thị trưởng Tonino Panetta nhấn mạnh: "Ngày ký kết Hiệp định Paris là ngày trọng đại với Việt Nam và cả với Mỹ vì nó cho phép chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây cũng là sự kiện trọng đại với Choisy-le-Roi vì xét về một khía cạnh nào đó thì việc đón tiếp phái đoàn Việt Nam tại thành phố này cũng đã giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán đi đến thành công. Bây giờ thì Việt Nam đã sống trong hòa bình và phát triển mạnh mẽ. Tôi rất vui vì điều này. Mối quan hệ truyền thống giữa chúng ta đã bắt đầu từ ngày đó, được duy trì đến nay và sẽ tiếp tục được phát triển trong thời gian tới."
Tối cùng ngày, các đại biểu đã cùng nhau xem lại những thước phim tài liệu do nhà báo, đạo diễn Daniel Roussel thực hiện.
Với tiêu đề "Cuộc chiến tranh Việt Nam : trọng tâm của các cuộc đàm phán bí mật," phim kể lại câu chuyện về các cuộc trao đổi bí mật, các cuộc đấu trí căng thẳng từ năm 1968 đến năm 1973 giữa Cố vấn đặc biệt Đảng cộng sản Việt Nam Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh quốc gia, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.
Khoảng hơn 40 cuộc họp bí mật đã diễn ra tại các thành phố Choisy-le-Roi, Gif-sur-Yvette và Saint-Nom-la-Bretèche ở ngoại ô Paris. Và để ký được Hiệp định Paris, các bên đã trải qua gần 250 phiên họp công khai và bí mật, kéo dài từ tháng 3/1968 đến tháng 1/1973, được coi là cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới ở thế kỷ 20.
Đạo diễn Daniel Roussel tâm sự: "Tôi đã quyết định làm phim này vì đây là vấn đề chưa bao giờ được đề cập đến, nó kể lại những khoảnh khắc các cuộc gặp gỡ bí mật giữa hai đối tượng chính của tiến trình đàm phám là phái đoàn Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đàm phán giữa các bên, các cuộc gặp này là nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình hòa đàm và đi đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973."
Để thực hiện cuốn phim dài 52 phút này, ông đã có quá trình chuẩn bị tư liệu từ rất lâu, với các cuộc gặp gỡ, phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử, thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris trong đó có các nhân vật nổi tiếng như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger."
Kết thúc buổi chiếu, các khán giả đã có dịp trao đổi và chia sẻ với đạo diễn phim để tìm hiểu bối cảnh ra đời và quá trình thực hiện bộ phim.
Bà Sandra Nerovique, một khán giả, cho biết mặc dù đã được học chút ít về khoản thời gian lịch sử này của Việt Nam khi còn ngồi ghế nhà trường, nhưng hôm nay bà mới được biết thêm những góc khuất rất ấn tượng mà bộ phim đăng tải.
Ngay sau khi ra mắt công chúng, phim "Cuộc chiến tranh Việt Nam : trọng tâm của các cuộc đàm phán bí mật" đã đoạt giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim lịch sử Pessac 2014 của Pháp và Giải Nhất-Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2015 của Việt Nam cho thể loại truyền hình./.