Tìm lại 'hương quế Trà Bồng'
Giá cả bấp bênh, đầu ra chưa ổn định dẫn đến thu nhập của người trồng quế quá thấp. Trong khi đó, giá cây keo nguyên liệu tăng cao, khiến nhiều người dân bỏ quế, trồng keo, nên diện tích quế giảm dần. Trước tình trạng trên, huyện Trà Bồng đã xây dựng đề án với quyết tâm lấy lại thương hiệu của cây truyền thống.Cần hỗ trợ vốn đúng thời điểm
Xứ quế... hết quế
Thời kỳ hoàng kim, cây quế đã giúp cho nhiều người trồng quế ở Trà Bồng vươn lên khá giả. Hầu hết chi tiêu, sinh hoạt của người dân ngày đó đều dựa vào cây quế. Mỗi năm, huyện xuất khẩu từ 400 - 450 vỏ tấn quế. Hương thơm của cây quế bay xa đến tận trời Âu. Thời đó, đến Trà Bồng dù lạ hay quen, ai cũng choáng ngợp trước những rừng quế xanh mướt.
Thế nhưng, bây giờ toàn huyện chỉ còn khoảng 1.278ha quế. Đi dọc những con đường dẫn về các xã như Trà Thủy, Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Hiệp... dấu xưa của quế vẫn còn. Nhưng những rừng quế trùng điệp đã thay bằng những rừng keo bạt ngàn...
Giá bấp bênh, đầu ra chưa ổn định là nguyên nhân chính dẫn đến diện tích quế ở Trà Bồng ngày càng "đi lùi" -
Lãnh đạo huyện Trà Bồng cho rằng, nguyên nhân diện tích giảm là do giá thu mua quế quá thấp. Trong khi đó, giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao. Đường sá đi lại, vận chuyển thuận tiện nên người dân ồ ạt phá quế trồng keo để nhanh cho thu nhập...
Vực dậy cây quế
Không thể để cây truyền thống lụi tàn, huyện Trà Bồng đã quyết tâm gây dựng lại những rừng quế. Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, huyện Trà Bồng đã đưa cây quế vào vị trí số một trong những cây trồng giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, để cây quế phát triển bền vững từ nay đến năm 2020, diện tích quế sẽ được tập trung đầu tư, phát triển tăng lên khoảng 2.800ha. Đồng thời, hình thành từ 7 - 10 vùng chuyên canh cây quế bản địa để bảo tồn nguồn gen và một số vùng chuyên canh trồng các giống quế Bắc.
Theo ông Võ Sỹ Phi - Trưởng Phòng NN&PTNT, Trà Bồng sẽ hạn chế việc hỗ trợ các nguồn vốn từ Chương trình 30a và 135 đối với phát triển cây keo, mà tập trung vào phát triển và bảo tồn cây quế. “Hiện chúng tôi đang giao cho một đơn vị chuyên canh cây quế tại thôn 4, xã Trà Thủy, diện tích 67ha, với tổng kinh phí 700 triệu đồng.
Ngoài ra, trong tháng 8.2016, huyện đã lập dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế giai đoạn 2016 - 2020, với tổng kinh phí 339 tỷ đồng. Trong đó, trồng mới 1.718ha. Thông qua các nguồn vốn huyện sẽ hỗ trợ cho người dân trồng thêm cây quế để tăng diện tích. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã có đề án phục hồi gen quế Trà Bồng. Đây là một trong những tiền đề để cây quế lấy lại vị thế đã từng có”, ông Phi tin tưởng nói.
Quế Trà Bồng có mùi thơm, vị cay đặc trưng, hàm lượng tinh dầu cao, nên được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và là một thương hiệu lớn. Ngoài việc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận thương hiệu vào năm 2009. Đến năm 2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á tiếp tục công nhận đặc sản quế Trà Bồng xác lập kỷ lục châu Á. Đây được xem là cơ hội lớn để thương hiệu quế Trà Bồng từng nổi tiếng khắp thế giới bay xa hơn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân trồng quế.
Ông Hồ Ngọc Thịnh - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho rằng, các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đa số người dân đăng ký trồng cây quế. Cây quế chỉ trồng từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, nhưng việc hỗ trợ vốn lại quá chậm. Đến tháng 8 âm lịch vẫn chưa có vốn, nên không thể chuẩn bị giống kịp. Cấp vốn năm nay mà năm sau mới trồng thì không được. Do đó, nếu điều chỉnh vốn trung ương cấp không kịp, thì nên điều chuyển vốn năm nay sang năm tới thực hiện, chứ huyện không thể chỉ đạo cho các xã hợp đồng với nhà cung ứng cây quế giống chuẩn bị trước được.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201610/tim-lai-huong-que-tra-bong-2748098/