Tìm lại 'màu dân tộc'
Nhà sưu tập, người làm tranh, hay người nghiên cứu tranh dân gian - cách gọi nào cũng đúng với Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa. Ðến với tranh dân gian với tư cách một nhà sưu tầm, bây giờ chị là người khôi phục thành công tranh dân gian Kim Hoàng, là chủ biên, tác giả của ba cuốn sách về ba dòng tranh lớn nhất của miền bắc: Tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Ðông Hồ. Thế nhưng, đó vẫn là 'giai đoạn khởi đầu' của một hành trình dài phía trước, được nuôi dưỡng bằng tình yêu và đam mê.
Nhà sưu tập, người làm tranh, hay người nghiên cứu tranh dân gian - cách gọi nào cũng đúng với Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa. Ðến với tranh dân gian với tư cách một nhà sưu tầm, bây giờ chị là người khôi phục thành công tranh dân gian Kim Hoàng, là chủ biên, tác giả của ba cuốn sách về ba dòng tranh lớn nhất của miền bắc: Tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Ðông Hồ. Thế nhưng, đó vẫn là "giai đoạn khởi đầu" của một hành trình dài phía trước, được nuôi dưỡng bằng tình yêu và đam mê.
Nhà nghiên cứu bất đắc dĩ
Lễ ra mắt sách "Dòng tranh dân gian Hàng Trống" được tổ chức những ngày cuối năm 2020 có sự hiện diện của nghệ nhân Lê Ðình Nghiên - đại diện gia đình duy nhất giữ bí quyết tranh Hàng Trống. Trong không gian của đình Nam Hương bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), nghệ nhân Lê Ðình Nghiên xúc động chia sẻ: "Ðã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia đến gặp tôi để tìm hiểu về tranh Hàng Trống; đã có nhiều công trình ra đời. Nhưng với tôi, đây là công trình công phu nhất, dày dặn nhất do chị Nguyễn Thị Thu Hòa thực hiện". Ðúng như nhận xét của nghệ nhân Lê Ðình Nghiên, từng có hàng chục công trình nghiên cứu về tranh Hàng Trống, bao gồm cả những nhà nghiên cứu tên tuổi. Dù như vậy, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa vẫn quyết định dấn thân thực hiện một công trình nghiên cứu toàn diện về tranh Hàng Trống. Chị chia sẻ: "Khi đọc các tác phẩm nghiên cứu về tranh Hàng Trống, tôi nhận ra các tác giả đều có cái nhìn của người ngoài cuộc. Cá nhân tôi là người làm tranh dân gian trong suốt những năm qua. Từ cái nhìn của người trong cuộc, tôi nhận ra có rất nhiều thông tin còn thiếu, nhiều vấn đề phải đề cập".
Tác giả Thu Hòa đã có khoảng bảy năm gắn bó với nghệ nhân Lê Ðình Nghiên, với rất nhiều cuộc làm việc, phỏng vấn. Song, với kinh nghiệm từ khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng những năm trước đó, chị nhận ra, chỉ phỏng vấn và nghệ nhân mô tả là không đủ. Vì vậy, chị đặt nghệ nhân Lê Ðình Nghiên làm tranh, cùng với quá trình làm, chị trực tiếp theo sát từng công đoạn, trao đổi với ông để hiểu tường tận các quy trình. Khi nghiên cứu về tranh Hàng Trống, Thu Hòa được biết, ngày xưa, những gia đình có điều kiện còn đặt nghệ nhân dát vàng vào tranh. Bây giờ làm tranh dát vàng tốn nhiều thời gian và nghệ nhân cũng rất ngại, nhưng không thể chỉ nghe tả để làm nên chị đã thuyết phục nghệ nhân nhận làm tranh dát vàng. Nhờ thế, quy trình đặc biệt đó đã được tư liệu hóa lại. Cách tiếp cận này khiến cuốn sách "Dòng tranh dân gian Hàng Trống" nổi trội hơn hẳn các nghiên cứu khác ở phần về kỹ thuật. Trước đây, việc so sánh các dòng tranh là điều không dễ dàng, nhưng với việc khảo tả kỹ lưỡng các quy trình, công đoạn của tranh Hàng Trống, đã giúp mọi người nhận ra: Tranh Hàng Trống phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của thị dân Thăng Long - Kẻ Chợ. Người Hà Nội xưa có thị hiếu thẩm mỹ cao, nên kỹ thuật tranh Hàng Trống là đỉnh cao của tranh dân gian Việt Nam. Tranh Hàng Trống không in loạt mà chỉ in nét chính. Sau đó nghệ nhân phải dụng công vẽ các họa tiết, hoa văn. Chỉ sử dụng bảy mầu cơ bản, nhưng trong một bức tranh, chỉ riêng một mầu, người nghệ nhân đã sử dụng hàng chục sắc độ khác nhau. Như vậy, tính cả hệ thống "bảng mầu", có hàng trăm sắc độ. Các mầu cạnh nhau phải tuân thủ theo luật hết sức chặt chẽ. Sau khi tô mầu xong, nghệ nhân sẽ thực hiện bước cản mầu (vờn mầu). Nghệ nhân chấm một nửa bút vào nước, nửa bút vào mầu để "vờn". Khi "ăn" vào giấy, phần mầu sẽ loang sang phần nước, tạo nên những sắc độ, hiệu ứng đẹp mắt, từ nếp quần áo, cho đến các đường nét khuôn mặt. Sau khi tô mầu xong, những đường in nét mờ đi, nghệ nhân phải "công bút", tức vẽ lại những đường nét chính, nhất là khuôn mặt nhân vật trong tranh... Vẽ tranh xong, còn phải bồi tranh, đóng trục để sử dụng lâu dài. "Ðọc nhiều tư liệu, cứ nghĩ mình biết rồi, nhưng càng tìm hiểu, tôi càng ngạc nhiên. Một bức tranh như thế chỉ phù hợp với những không gian bề thế, sang trọng, phù hợp với tính cách hào hoa của người Hà Nội. Ðấy chính là đẳng cấp tranh dân gian Hàng Trống mà tôi thấy mình có trách nhiệm phải lưu lại", tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ.
Cách đây ít năm, chưa bao giờ Thu Hòa có ý định đặt chân vào địa hạt nghiên cứu bởi chị vốn sưu tầm gốm sứ. Nhưng mê tranh, lại tình cờ biết đến tranh dân gian Việt Nam, chị mới biết một trong những dòng tranh nổi tiếng nhất Việt Nam là Kim Hoàng đã thất truyền cách đây hơn 70 năm. Thậm chí, về chính làng Kim Hoàng (huyện Hoài Ðức, Hà Nội), cũng không ai còn giữ được dụng cụ, không ai còn nhớ bất cứ kỹ thuật làm tranh nào. Chị liền bắt tay vào lập dự án khôi phục tranh Kim Hoàng. Chị tự bỏ vốn, tự tìm tòi kỹ thuật, tự phối hợp các họa sĩ phục hồi bảng mầu, tự bỏ tiền ra để đào tạo nghệ nhân. Khôi phục thành công rồi, thì nhận ra, những tri thức về tranh dân gian đều rất cần tư liệu hóa lại một cách hệ thống để phổ biến kiến thức cho mọi người về tranh. Có hiểu, mới yêu và sử dụng. Ðó là cách gián tiếp tạo nguồn "nuôi dưỡng" thị trường cho tranh dân gian. Và một lý do quan trọng khác: Lưu giữ lại những kỹ thuật, để nếu chẳng may mai một, thế hệ sau vẫn có ít nhiều cơ sở để khôi phục. Và cuốn sách đầu tiên chị cho ra đời chính là "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng", vào một ngày cuối năm 2018.
Mơ ước một "Tổng tập tranh dân gian"
Hàng Trống, Kim Hoàng, Ðông Hồ được ví như bộ "Tam đa" của tranh dân gian miền bắc. Tranh Hàng Trống tinh tế, cầu kỳ. Tranh Ðông Hồ thô mộc, dân dã, đậm chất quê. Tranh Kim Hoàng không cầu kỳ như tranh Hàng Trống, đường nét của ván khắc lại kỹ càng hơn Ðông Hồ. Thế nên, gọi Nguyễn Thị Thu Hòa là nhà nghiên cứu tranh dân gian cũng không sai. Chị là người đã cho ra ba cuốn sách nghiên cứu về ba dòng tranh quan trọng bậc nhất của Việt Nam ấy. Tất cả, đều do chị bỏ tiền túi ra thực hiện. Từ nghiên cứu, đi lại, đặt hàng nghệ nhân để hiểu tranh, cho đến in ấn. Ðây cũng là điều chưa ai dám làm. Hai cuốn đầu chị chủ biên. Cuốn về tranh Hàng Trống do một mình chị thực hiện. Vừa khôi phục, vừa nghiên cứu, vừa sưu tập, lại cũng vừa bán tranh dân gian. Cứ đến gần Tết Nguyên đán, Thu Hòa lại phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội... tổ chức các gian hàng giới thiệu, bán tranh. Dù vất vả, nhưng đấy là cách chị lan tỏa nét đẹp tranh dân gian đến mọi người.
Nhiều năm trong hành trình khảo sát tranh dân gian từ nam chí bắc, Thu Hòa vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước kho tàng tranh dân gian Việt Nam. Chị vẫn nhắc lại một câu chuyện cũ: Khi mới tìm hiểu tranh dân gian, chị mơ ước có một ngày làm ra một cuốn sách bao quát tất cả các dòng tranh dân gian Việt Nam. Chị cười bảo: "Sau thấy mình rõ là ngớ ngẩn. Mỗi dòng tranh ít nhất phải là một cuốn sách 200 trang. Mà tất cả phải đến 30 dòng tranh. Miền trung, miền nam còn nhiều dòng tranh thú vị khác: Tranh làng Sình ở Huế, tranh gói vải, tranh khắc kính... Mỗi loại đều có nét đặc sắc riêng. Tôi mơ ước, có thể làm tất cả, mỗi dòng tranh một tập sách". Tôi hỏi, sao cứ phải ôm đồm thế cho vất vả. Chị cười bảo: "Mình không làm, liệu có người khác làm không? Nếu có thì tốt quá. Nhưng tôi sợ là không. Giá trị thế, không làm nhỡ mất thì sao?". Hỏi về lộ trình, chị cười bảo: "Trước đây, ai biết được có ngày tranh Kim Hoàng sống lại? Cứ cố gắng thôi". Tạm tính, chỉ để lấy tư liệu, mỗi dòng tranh chị phải mất khoảng 20 chuyến điền dã, nhất là những chuyến vào miền trung, miền nam, thì chặng đường phía trước vẫn còn rất dài.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa ra mắt cuốn sách "Dòng tranh dân gian Hàng Trống" đúng vào thời điểm Hà Nội có hai triển lãm: "Không có gì đằng sau" của họa sĩ Bùi Thanh Tâm (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, quận Ba Ðình) và "Từ truyền thống đến truyền thống" của các sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (đình Nam Hương, quận Hoàn Kiếm). Ðiểm chung của hai triển lãm độc lập ấy là đều lấy chất liệu từ tranh dân gian. Họa sĩ Bùi Thanh Tâm khai thác những hình ảnh của tranh Hàng Trống, Ðông Hồ, Kim Hoàng để tạo ra những tác phẩm đương đại. Các sinh viên Trường đại học Mỹ thuật lại sử dụng sơn mài, lụa để "tái tạo" tranh Hàng Trống. Cả hai triển lãm đều tạo sức lan tỏa rộng lớn. Nhiều tác phẩm đã được các nhà sưu tập trong nước và ngoài nước đặt mua, kể cả những sáng tác của sinh viên Trường đại học Mỹ thuật. Ðiều ấy gián tiếp khẳng định giá trị, sức hấp dẫn của các dòng tranh dân gian Việt Nam. Theo Thu Hòa, so với hồi chị bắt tay khôi phục tranh Kim Hoàng, đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức của cộng đồng, của giới văn nghệ sĩ, nhà thiết kế. Ngày càng nhiều người thấy được tiềm năng khai thác của tranh dân gian vào các thiết kế, sáng tác. "Ðó là cách để tranh dân gian đi vào đời sống khi các họa tiết, hoa văn, hình tượng được họa sĩ, nhà thiết kế khai thác. Nhiều bức xuất hiện trong các bộ sưu tập tranh của nước ngoài, sẽ giúp tranh dân gian Việt Nam lan tỏa. Nó sẽ có tác động ngược trở lại, người chơi tranh, công chúng sẽ tìm đến tranh dân gian", tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/di-san/tim-lai-mau-dan-toc--629554/