Tìm lại thanh xuân cho hát xẩm

Mặc dù còn gặp nhiều gian nan, thách thức để tồn tại và phát triển, nhưng hát xẩm vẫn đang hiện hữu trong đời sống tinh thần con người dù ở hoàn cảnh nào.

Dịp đầu xuân, lời ca tiếng hát của các nghệ sĩ trong nhóm xẩm Hà Thành đã hòa vào nhịp sống cộng đồng, góp sức tìm lại thời thanh xuân cho loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của đất nước.

Công chúng yêu nghệ thuật hát xẩm nhiều năm qua không còn xa lạ với các nghệ sĩ trong nhóm xẩm Hà Thành. Họ đều là những người trẻ tuổi, có cùng đam mê hát xẩm và quy tụ lại để gìn giữ, đưa xẩm đến gần hơn với khán giả. Nhiều chương trình, album và sản phẩm hát xẩm của họ đã góp phần đánh thức tình yêu nghệ thuật truyền thống nói chung, hát xẩm nói riêng với công chúng.

Vừa qua, nhóm xẩm này đã cho ra mắt một liên khúc, tập hợp các bài xẩm nói về Tết và xuân do nhóm sáng tạo trong nhiều năm qua như Tết xưa (lời thơ Thu Nguyệt), Nhớ Tết (lời thơ Trương Nam Hương), Chơi xuân (lời thơ Nguyễn Quang Hưng). Những bài xẩm do các nghệ sĩ quen thuộc của xẩm Hà Thành như Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long... thể hiện đã giúp “mâm cỗ” nhạc truyền thống dịp đầu xuân năm mới thêm phong phú. Tết Canh Tý, xẩm Hà Thành cũng đã “hạ sinh” MV xẩm Trách ông Nguyệt Lão, được đánh giá là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo, thu hút được khán thính giả vì tính sáng tạo và có cốt truyện.

Các nghệ sĩ nhóm xẩm Hà Thành trong MV vừa phát hành dịp Tết Canh Tý.

Các nghệ sĩ nhóm xẩm Hà Thành trong MV vừa phát hành dịp Tết Canh Tý.

MV xẩm này được đạo diễn Nguyễn Nhật Giang xây dựng, là câu chuyện của một chàng nhiếp ảnh gia Hà Nội “phải lòng” chị hai quan họ sau một lần tới Kinh Bắc trong ngày hội xuân. Sau này, khi biết cô gái lên Hà Nội, chàng trai đã lặn lội đi khắp các con phố của Thủ đô để tìm kiếm... Đó là câu chuyện tình đẹp, lãng mạn, nhẹ nhàng đúng với tinh thần của người quan họ, dù trên đường đời có thể không đến được với nhau nhưng “tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”. Mượn câu chuyện tình yêu đôi lứa, nhóm xẩm Hà Thành gửi thông điệp tình yêu của những người trẻ đối với âm nhạc dân gian. Ngoài ra, MV Trách ông Nguyệt Lão cũng mang đậm không khí ngày xuân với hình ảnh nam thanh, nữ tú trong trang phục áo dài truyền thống.

Trước khi ra mắt MV Trách ông Nguyệt Lão, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã giới thiệu đến khán giả album cùng tên. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ, điểm đặc biệt và độc đáo của những bản thu âm trong album này là thu theo lối mộc, người hát và nhạc cụ chính cùng thể hiện và thu âm trực tiếp chứ không hòa âm trước để tạo thành bản nhạc beat sau đó nghệ sĩ mới thu phần hát như cách thu phổ biến hiện nay. Chính đặc điểm này là nên nét riêng tạo cho người nghe cảm giác như đang được nghe nhóm xẩm trình diễn trước mặt. 9 bài xẩm trong album là những tác phẩm chắt lọc nhất trong những năm gần đây của Nguyễn Quang Long. Trong đó, có 3 bài được khai thác từ thơ của hai thi sĩ thuộc hai thế hệ mà nhạc sĩ này cảm thấy đồng điệu về tâm hồn, đó là Nguyễn Bính và Hồng Thanh Quang để từ đó lồng điệu xẩm.

Nỗ lực tìm lại thời “thanh xuân” hát xẩm còn được các nghệ sĩ nhóm Xẩm Hà Thành thể hiện qua nhiều chương trình, sản phẩm nghệ thuật khác. Đặc biệt phải kể đến liveshow Xẩm và đời đã tạo tiếng vang lớn vì mang tính thử nghiệm kết hợp với một số loại hình âm nhạc khác như beatbox với những bài: Xẩm ba bậc, Vợ chồng cờ bạc, Ngãi mẹ sinh thành, Quyết chí tu thân, Thập ân 10 điều, Mục hạ vô nhân... Bên cạnh đó, những làn điệu xẩm xưa được các nghệ sĩ lồng điệu vào những bài thơ trong giai đoạn hiện nay đã cất lên giữa “thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn Hà Nội, góp phần phong phú hơn cho nội dung ca từ và giúp hát xẩm gần gũi hơn với đời sống đương đại.

Với niềm đam mê, các nghệ sĩ của xẩm Hà Thành đã cùng các nhà nghiên cứu, phục dựng lại những làn điệu, bài bản hát xẩm cổ truyền Bắc Bộ và Hà Nội. Nhiều bài xẩm vốn đã từng rất phổ biến nhưng thất truyền nhiều thập niên đã được nhóm dày công tìm tòi và phục dựng lại, tiêu biểu có: Xẩm anh Khóa, Xẩm Cái trống cơm, Xẩm phồn huê, Quyết chí tu thân, Mục hạ vô nhân... Đáng kể hơn, các nghệ sĩ này đã khôi phục được điệu xẩm Tàu điện của Hà Nội, trở nên quen thuộc với công chúng hiện nay như: Lỡ bước sang ngang, Một quan là sáu trăm đồng, Cô hàng nước, Giăng sáng vườn chè, Nhất vui có chợ Đồng Xuân...

Để hát xẩm có thêm sức lan tỏa, 2 năm trở lại đây mỗi tuần nhóm xẩm Hà Thành đều đặn biểu diễn vào các tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật tại Khu di tích Tượng đài Vua Lê, trong không gian phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm, Hà Nội. Nhóm còn có một sân khấu âm nhạc dân gian truyền thống mang tên “Tâm hồn làng Việt”, biểu diễn thường xuyên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, phục vụ những người yêu văn hóa Việt Nam nói chung, âm nhạc Bắc Bộ nói riêng và du khách quốc tế muốn khám phá văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc truyền thống.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nghệ thuật hát xẩm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Vì thế các nghệ sĩ luôn tìm các hình thức mới lạ, gần gũi khán giả trẻ để đưa âm nhạc truyền thống gần với đời sống đương đại hơn. Hát xẩm cũng không ngoại lệ, đó là lối đi đúng đắn để tìm lại thời thanh xuân cho hát xẩm.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tim-lai-thanh-xuan-cho-hat-xam-n168730.html