Tìm lại vị thế trung tâm bóng đá quốc gia

Từ mùa giải 2025-2026, TPHCM sẽ có 2 đại diện tại V-League cùng với 4 đội ở giải hạng nhất. Đây là số đội bóng chuyên nghiệp nhiều nhất từ trước đến nay mà thành phố có được.

Về lý thuyết, Liên đoàn Bóng đá TPHCM đang quản lý hơn 200 cầu thủ chuyên nghiệp, 3 sân vận động đạt tiêu chuẩn quốc tế bao gồm sân Thống Nhất sau khi nâng cấp, sân Gò Đậu và sân Bà Rịa. Đó đều là những con số mơ ước của bất kỳ làng cầu nào ở Việt Nam.

Không chỉ là số lượng, “mỏ vàng” của bóng đá TPHCM nằm ở nguồn nhân lực cho bóng đá phong trào và hệ thống đào tạo trẻ sẵn có ở 3 địa phương cũ trước khi sáp nhập.

Trong đó, riêng tại Bình Dương cũ, giải bóng đá toàn tỉnh hồi năm ngoái lập kỷ lục Việt Nam về số lượng đội bóng tham gia, trong khi đó, ở Phú Mỹ có học viện đào tạo bóng đá Juventus. TPHCM trước đây đã có sẵn hệ thống giải bóng đá phủi chỉ xếp sau Hà Nội, chưa kể trung tâm đào tạo hợp tác với CLB bóng đá Lyon (Pháp) vẫn đang được vận hành khá tốt.

 CLB TPHCM giành chiến thắng trước Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 15 LP Bank V-League 2024-2025. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

CLB TPHCM giành chiến thắng trước Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 15 LP Bank V-League 2024-2025. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ba mươi năm trước, ở thời hoàng kim của mình, bóng đá TPHCM được xây dựng bằng nền tảng của một hệ thống thi đấu cấp quận - huyện dày đặc và Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT luôn cung cấp nguồn cầu thủ dồi dào, chất lượng. Đó là cơ sở để bóng đá thành phố có đến gần chục đội bóng và 3 nhà vô địch quốc gia là Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TPHCM với các trận “derby TPHCM” thắp sáng sân Thống Nhất mỗi cuối tuần. Nhưng sự phát triển của đô thị đã tạo ra những khó khăn từ cơ sở vật chất đến nguồn cầu thủ tại chỗ. Giải vô địch toàn thành gián đoạn tổ chức vì ít đội tham gia, các cơ sở đào tạo hoạt động cầm chừng do thiếu đầu vào.

Không thể nói bóng đá TPHCM thiếu sự đầu tư hoặc khó khăn nguồn lực tài chính. Từ năm 2009 đến nay, thành phố vẫn có 6 đội bóng khác nhau tham dự V-League cùng sự “tiếp sức” của gần chục doanh nghiệp hàng đầu. Tuy nhiên, yếu tố phong trào và nguồn nhân lực chính là điểm yếu lớn nhất khiến bóng đá thành phố mất dần bản sắc, sa sút thành tích.

Bài toán đó đã được giải quyết một cách tự nhiên sau khi TPHCM trở thành một siêu đô thị. Bài toán đặt ra lúc này là làm sao để tận dụng thời cơ vàng, phát huy điểm mạnh về phong trào và cơ sở vật chất đang có sẵn. Đơn cử như việc phải tìm cách duy trì 6 đội thuộc hạng chuyên nghiệp khi mà trên thực tế chỉ CLB Bình Dương có nền tảng tốt về tổ chức và thành tích. Bốn đội đang đá ở giải hạng nhất đều ở trong tình trạng khó khăn về tài chính, thiếu nhà tài trợ. Giữ được ổn định số CLB chuyên nghiệp thì mới có “đầu ra” cho hệ thống đào tạo trẻ hiện nay, giữ được nhân tài địa phương, từng bước tạo lập bản sắc cho từng CLB như trước đây.

Một vấn đề khác, đó là cấp thiết phải nâng cấp hệ thống thi đấu các hạng phong trào, nhất là sân cỏ 11 người. Dân cư tăng, diện tích lớn, cho phép những nhà quản lý tái tạo lại bầu không khí bóng đá trong cộng đồng thông qua giải đấu toàn thành phố, lan tỏa niềm đam mê đến từng xã, phường như trước đây. Đó cũng là một hành động cần thiết để thúc đẩy bóng đá học đường phát triển.

Cuối cùng và quan trọng nhất là bóng đá TPHCM cần một tầm nhìn, một bản kế hoạch mang khát vọng lớn, phù hợp với vị thế của một siêu đô thị và truyền thống của nơi từng là trung tâm bóng đá quốc gia. Đây không phải là thời điểm vội vàng đặt mục tiêu vô địch quốc gia, hay kiếm tìm những thành tích ngắn hạn. Lần cuối cùng bóng đá TPHCM vô địch V-League là năm 2002, có trễ thêm vài năm cũng không phải là vấn đề. Hơn nữa, bóng đá phía Bắc đang rất mạnh về chất lẫn lượng, không dễ để thay đổi tương quan. Thế nên, trước thời cơ vàng, bóng đá TPHCM cần thêm sự kiên trì, chiến lược đúng đắn và hành động hiệu quả để khơi gợi các giá trị cũ, xây dựng lại niềm tin nơi người hâm mộ, tập hợp được đầy đủ các nguồn lực xã hội chung tay và có trách nhiệm với thành phố.

ĐĂNG LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-lai-vi-the-trung-tam-bong-da-quoc-gia-post803466.html