Tìm 'lối đi' cho HTX vùng dân tộc thiểu số (Bài 1): Kinh tế tập thể ở xứ cơ cầu Bạc Liêu

LTS: Mặc dù Luật Hợp tác xã đã được ban hành từ năm 1996, đến năm 2012 được sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tiễn nhằm thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển, nhưng KTTT trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) vẫn chưa phát triển mạnh. Làm thế nào để gỡ những 'nút thắt', 'điểm nghẽn', hỗ trợ khu vực HTX 'tìm đường dài' đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của nhiều địa phương.

Hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu Đồng Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liệu) có 300/540 thành viên là người DTTS làm việc trên bãi nghêu ven biển. Đây được xem là một trong những “điểm sáng” trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho đồng bào DTTS ở địa phương.

Tạo nhiều việc làm cho bà con DTTS

Để thuận tiện cho sản xuất, HTX Đồng Tiến phân chia nhiều khu vực nuôi, thả nuôi ở những thời điểm khác nhau. Đây là cách không chỉ đảm bảo nguồn cung thường xuyên và liên tục cho thị trường mà còn tránh tình trạng dội hàng, giá cả sụt giảm, ảnh hưởng đến đời sống của thành viên. Sản xuất ngày càng hiệu quả, thành viên của HTX Đồng Tiến không những được tạo công ăn việc làm, có thu nhập thường xuyên, đảm bảo cuộc sống của gia đình mà còn được chia lợi nhuận mỗi năm.

Nhờ cào nghêu ven biển và tham gia HTX, kinh tế hộ gia đình của nhiều bà con người DTTS ở Bạc Liêu đã được cải thiện.

Nhờ cào nghêu ven biển và tham gia HTX, kinh tế hộ gia đình của nhiều bà con người DTTS ở Bạc Liêu đã được cải thiện.

Ông Huỳnh Mừng Em, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Đồng Tiến, cho biết, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu, nhưng nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Con nghêu ở đây được thu hoạch gần như mỗi ngày, tùy theo nhu cầu của thị trường mà sản lượng nhiều hay ít.

Dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đang khá ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều thành viên, nhưng đến giờ ban lãnh đạo HTX vẫn cảm thấy "canh cánh" trong lòng, không yên tâm cho sự phát triển bền vững của HTX. Đặc biệt, mỗi khi nhớ đến việc cuối tháng 12/2021, hàng trăm tấn nghêu tại HTX Đồng Tiến bất ngờ bị chết hàng loạt và kéo dài, khiến không chỉ HTX mà nhiều thành viên trong HTX khi đó lo lắng, đứng ngồi không yên.

Theo thống kê của HTX Đồng Tiến, tại bãi nghêu thương phẩm của HTX khi đó xuất hiện tình trạng nghêu chết hàng loạt với diện tích khoảng 80 ha. Thiệt hại ước tính khoảng trên 300 tấn nghêu thương phẩm, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 9 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến nghêu chết hàng loạt do bãi nuôi bị xoáy lở, làm cho lớp bùn non tràn ngược lên mặt bãi nuôi. Còn nguyên nhân của tình trạng xoáy lở ở bãi nghêu là do ảnh hưởng bởi cầu dẫn của công trình điện gió của một đơn vị đi ngang bãi nghêu.

Ở Bạc Liêu hiện nay, số lượng HTX tạo công ăn việc làm cho đồng bào DTTS như HTX nuôi nghêu Đồng Tiến ngày một nhiều. Dù có thể xem là đã phát triển ổn định, nhưng thực tế những khó khăn vẫn đeo bám các HTX này, cho dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan như câu chuyện trên. Bởi vậy, sau này, dù đã được UBND tỉnh Bạc Liêu thống nhất đề nghị Nhà đầu tư hỗ trợ tài chính cho HTX Đồng Tiến, nhưng có lẽ cũng khó có thể bù đắp hết những thiệt hại mà HTX này gặp phải.

Theo số liệu từ UBND tỉnh, hiện Bạc Liêu hiện có 215 HTX, trong đó, 7 HTX có người DTTS tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý, như: HTX An Hưng Phát (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), HTX rau củ quả Phước Sang (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hồng (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long), 2 liên hiệp HTX và 515 tổ hợp tác.

Trong 14 địa bàn xã, phường, thị trấn của tỉnh Bạc Liêu được công nhận là vùng đồng bào DTTS (theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ) thì có tới 13/14 xã, phường, thị trấn có từ 02-04 HTX hoạt động. Các HTX này đang góp phần không nhỏ trong nâng cao tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế hộ thành viên, trong đó có nhiều thành viên là người DTTS.

Đến những khó khăn khiến KTTT, HTX chưa phát triển

Dù đã đạt được những thành công trong an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS trên địa bàn thông qua việc thành lập các HTX. Tuy nhiên, trong buổi làm việc giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội với UBND tỉnh Bạc Liêu mới đây về chính sách phát triển KTTT vùng đồng bào DTTS. Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu thừa nhận, hiện khu vực này còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào biến động mạnh, thị trường tiêu thụ không ổn định, dịch bệnh và các tác động tiêu cực khác từ môi trường tự nhiên...

Bạc Liêu hiện có 215 HTX, trong đó, 7 HTX có người DTTS tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý, như HTX An Hưng Phát (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), HTX rau củ quả Phước Sang (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hồng (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long), 2 liên hiệp HTX và 515 tổ hợp tác...

Hiện nay, cơ chế chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này ở Bạc Liêu còn bất cập, đặc biệt là việc giao đất để làm trụ sở cho HTX vẫn theo cơ chế đấu giá. Trong khi đó, nguồn lực của hầu hết các HTX nông nghiệp đều không thể đáp ứng được. Điều kiện tiếp cận về kiến thức KTTT của một bộ phận bà con người DTTS còn hạn chế; diện tích đất sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc phát triển theo mô hình KTTT; nguồn lực hỗ trợ cho HTX tuy có nhưng không nhiều, điều kiện, thủ tục còn phức tạp, các HTX khó tiếp cận...

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế, đất đai của phần lớn đồng bào DTTS còn khó khăn, nguồn lực thấp nên mức góp vốn khi tham gia vào các HTX đa phần rất thấp, chủ yếu mang tính tượng trưng. Đối với các HTX đang hoạt động thì các thành viên chỉ góp một phần vốn rất nhỏ so với nhu cầu cần thiết để liên kết sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm của HTX, nên đa phần HTX gặp khó về nguồn vốn trong hoạt động.

Ngoài ra, các HTX cũng đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế, lực lượng trẻ, có trình độ đa phần không có nhu cầu tham gia vào HTX, do HTX chưa có sức hấp dẫn đủ lớn, thu nhập từ HTX không cao và ổn định nên đa phần lực lượng trẻ tại khu vực đồng bào DTTS đều đi làm ăn xa hoặc nếu có trình độ thì đa phần làm ở thành phần kinh tế khác.

Bởi vậy, lực lượng tham gia vào HTX đa phần là người lớn tuổi, cho nên bộ máy quản lý của các HTX thường không đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành HTX trong cơ chế mới. Rất khó lựa chọn được bộ máy quản lý HTX có năng lực vì đa phần cán bộ quản lý HTX có trình độ thấp và lớn tuổi. Từ đó, dẫn đến khả năng tiếp thu, vận dụng các kiến thức vào quản trị, điều hành HTX chưa đảm bảo theo các quy định của Luật HTX năm 2012.

Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của các DTTS hiện nay thấp hơn mặt bằng trung bình của tỉnh và so với người kinh, người hoa tại khu vực nên dù đã rất nỗ lực nhưng nhìn chung, các HTX trong vùng đồng bào DTTS ở Bạc Liêu vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi, tỉnh cần có những giải pháp lâu dài, nhất là về chính sách ưu đãi, đất đai, vốn… để bà con DTTS trên địa bàn có thể tự tin vươn lên từ mô hình HTX.

Trà My

Bài 2: Những người góp phần thay đổi Mai Châu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/tim-loi-di-cho-htx-vung-dan-toc-thieu-so-bai-1-kinh-te-tap-the-o-xu-co-cau-bac-lieu-1092211.html