Tìm lời giải cho 9 hộ dân 'mắc kẹt' tại Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Truông Bồn
Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn có ý nghĩa lịch sử to lớn ghi nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong (TNXP). Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động, mang lại diện mạo mới khang trang, sạch đẹp, là 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên đã 13 năm trôi qua, hiện 9 hộ dân 'mắc kẹt' trong khu vực phải di dời vẫn ở trong tình thế 'đi không được, ở không xong'.
13 năm chờ “bìa đỏ”
Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn (sau đây gọi tắt là Dự án) thuộc xã Mỹ Sơn, H.Đô Lương được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định 1591 ngày 19-4-2010 do Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Nghệ An làm chủ đầu tư. Sau khi khởi công, do khó khăn về nguồn vốn nên đến ngày 26-9-2012, UBND tỉnh đã có Quyết định 3685 chuyển giao Dự án này cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) Nghệ An làm chủ đầu tư.
Tháng 10-2013, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định điều chỉnh tổng mức từ 175,4 tỷ đồng lên 366 tỷ đồng. Khu di tích lịch sử Truông Bồn có 3 khu vực chính: khu vực Tượng đài Chiến thắng, khu vực trung tâm và khu vực bảo tồn, tôn tạo nhà dân xóm 9 - nơi các cựu TNXP trú quân nhằm tái hiện lại sinh hoạt, đời sống những năm kháng chiến.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tôn tạo khu mộ, đền thờ, các hạng mục thuộc khu di tích, hạ tầng bổ trợ và một số công trình phụ trợ khác. Giai đoạn 2 xây dựng Quảng trường, Đài tưởng niệm, nhà trưng bày, khuôn viên khu di tích và các hạng mục phụ trợ khác. Đến cuối tháng 7-2015, toàn bộ quần thể khu di tích đã cơ bản hoàn thành, riêng hạng mục tôn tạo nhà dân xóm 9 - nơi các cựu TNXP trú quân nhằm tái hiện lại sinh hoạt, đời sống những năm kháng chiến chưa thể triển khai do vướng 9 hộ dân nằm trong khu quy hoạch. Nguyên nhân do không thống nhất được phương án và khung giá đền bù. Kể từ đó đến nay, đã 13 năm trôi qua, 9 hộ dân nằm trong khu quy hoạch vẫn chưa được di dời. Người dân rơi vào cảnh “đi không được, ở không xong”.
Ông Phùng Văn Nghĩa (73 tuổi, xóm 7, xã Mỹ Sơn, H. Đô Lương) cho biết, nhà ông có diện tích 2.300 m2 sử dụng từ năm 1963 đến nay. Khi tỉnh triển khai Dự án này, người dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, đã 13 năm trôi qua những hộ dân trong diện di dời vẫn chưa được giải quyết. Do không có đường đi riêng, hàng ngày gia đình ông cũng như các hộ còn lại phải băng qua khu tượng đài để ra đường cái đi làm ăn. Nhà cửa xuống cấp, hư hỏng cũng không thể sửa chữa vì vướng quy hoạch. “Nguyện vọng của chúng tôi là mong muốn chính quyền trả lời cho dân là “chúng tôi đi hay ở? và bao giờ thực hiện, chúng tôi sẽ đồng tình ủng hộ” – ông Nghĩa chia sẻ.
Gia đình mẹ Nguyễn Thị Tường (mẹ liệt sỹ - có con trai hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa vào năm 1988) cũng chung hoàn cảnh. Năm nay mẹ Tường đã 93 tuổi, muốn tách mảnh đất chia cho 2 con trai nhưng không thực hiện được vì “vướng quy hoạch”. Anh Nguyễn Văn Bảy (con trai mẹ Tường) cho biết thêm: “Gia đình làm đơn kiến nghị gửi lên xã, huyện, nhưng do mảnh đất nằm trong quy hoạch của Dự án nên không đủ điều kiện thực hiện thủ tục tách thửa”.
Cần sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người dân
Ngày 16-3-2017, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1619 chấp thuận tạm dừng Dự án, sẽ tiếp tục triển khai một số phần việc còn lại khi bố trí được nguồn vốn.
Theo báo cáo của UBND H.Đô Lương, trong 9 hộ dân thuộc diện di dời thì có 6 hộ đã được lập hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng năm 2013 và 2014, đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhưng chưa có kinh phí chi trả; còn 3 hộ chưa được lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…
Để giải quyết cho các hộ dân, huyện đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư và UBND tỉnh giải quyết nhưng vẫn chưa thực hiện được. Ngày 6-8-2020, UBND H.Đô Lương có văn bản số 1133 về việc lên khái toán số kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho 9 hộ dân đang nằm trong quy hoạch của Dự án này. Tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 9 hộ dân là hơn 13,1 tỷ đồng. Bao gồm kinh phí bồi thường về đất; bồi thường nhà, công trình, cây cối, hoa màu, hỗ trợ đất vườn… Vào các năm 2019, 2020, UBND H. Đô Lương tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở GTVT về hướng xử lý, đền bù, di dời cho các hộ dân. Tuy nhiên từ đó đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho biết, sau khi Dự án đi vào hoạt động thì còn 9 hộ dân chưa thể di dời được do các vấn đề về kinh phí, giải phóng mặt bằng. Vấn đề này tỉnh đã giao cho UBND H.Đô Lương tham mưu kinh phí để giải quyết. Tuy nhiên, giá đền bù càng ngày càng tăng, giá Nhà nước thì chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến người dân bức xúc, phản ánh nhiều. Việc 9 hộ dân sinh sống bên cạnh và sử dụng đường dân sinh chung với khu di tích, chăn thả gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan, cảnh quan. Hiện Ban Quản lý di tích lịch sử Truông Bồn đã gửi công văn đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương, cho phép dừng dự án bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn (phần còn lại của giai đoạn 2 – P.V), giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như hiện nay (với diện tích hơn 20 ha); đề xuất UBND tỉnh sớm ban hành quyết định mở đường gom dân sinh (dài khoảng 700m) để các hộ dân yên tâm, ổn định cuộc sống và khu di tích được bảo vệ, phát huy giá trị tốt hơn. Về tuyến đường dây 110kV đi qua khu di tích, BQL kiến nghị hạ ngầm, di chuyển vị trí cột và đường dây 110kV, nhằm đảm bảo an toàn cho khu di tích. Hiện phía Công ty Điện lực cũng đã khảo sát, hứa sẽ triển khai, di dời vào tháng 11-2023.