Tìm lời giải cho bài toán phát triển đảng viên tại khu dân cư
Công tác phát triển đảng viên ở các thôn, tổ dân phố, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng tôn giáo… trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn đó những khó khăn, thách thức, nhiều chi bộ cả nhiệm kỳ không kết nạp được đảng viên tại chỗ. Với thực trạng thiếu nguồn phát triển đảng viên ở khu dân cư như hiện nay, cần làm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp cụ thể trong nhiệm kỳ tới.
Bài 1: Khó khăn trong phát triển Đảng khu vực nông thôn
Không phải một, hay hai năm gần đây, mà khoảng 5 năm về trước, rất nhiều chi bộ nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn nên không kết nạp được đảng viên mới. Không phải vì các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội lơ là trong công tác tìm kiếm quần chúng ưu tú để tạo nguồn, mà do thiếu những nhân tố tích cực để giới thiệu cho các cấp ủy bồi dưỡng phát triển Đảng.
Và, việc thiếu những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng đang diễn ra hầu hết tại các chi bộ nông thôn trên địa bàn tỉnh.
• TỪ KHAN HIẾM NGUỒN…
Không có nguồn, hoặc không hội tụ được các tiêu chuẩn cần có khiến việc tìm kiếm quần chúng đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng ở Lâm Hà luôn trong tình trạng “đốt đuốc tìm người”.
Bí thư Chi bộ thôn Tân Hòa (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà) ông Phạm Ngọc Tân chia sẻ: “Sau khi sáp nhập, thôn Tân Hòa hiện có 7 đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ. Do nhiều nguyên nhân khách quan, 3 năm trở lại đây, thôn không kết nạp được đảng viên mới. Thậm chí, từ năm 2018 đến nay, chi bộ bắt buộc phải xóa tên một đảng viên và tiếc hơn là sắp tới đây chi bộ bắt buộc phải làm đơn để xóa tên 1 đảng viên xuất ngũ về địa phương sinh hoạt. Bởi, sau khi trở về địa phương, đồng chí này đi làm ăn xa nên việc sinh hoạt với chi bộ không thường xuyên. Nhiều lần chi bộ cũng đã gọi điện nhắc nhở phải tham gia sinh hoạt, nhưng mỗi lần gọi điện đồng chí này có hứa hẹn nhưng nhiều lần vẫn không thấy tới sinh hoạt. Thậm chí vừa rồi Đại hội Chi bộ thôn cũng không thấy đồng chí này tham gia, mặc dù đã được thông báo từ trước”.
Ông Tân trăn trở: “Ngày trước, để được vào Đảng, chúng tôi phải phấn đấu rất vất vả, bao giờ cũng phải ưu tú hơn, lăn lộn hơn những quần chúng còn lại. Vậy mà hiện nay, tôi thấy có không ít thanh niên dường như thiếu lý tưởng, thiếu ý chí phấn đấu. Mỗi lần đưa ra xem xét việc xóa tên khỏi danh sách đảng viên, chúng tôi không chỉ tiếc nuối vì để “mất đi” những đồng chí trong hàng ngũ của mình mà còn hết sức lo lắng về chất lượng của các thế hệ đảng viên kế cận”.
Theo Đảng ủy xã Tân Văn, nhờ “luồng gió” nông thôn mới thổi đến, xã Tân Văn đã bứt lên mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, nhưng công tác phát triển đảng viên tại khu dân cư vẫn có những khó khăn. Hiện Đảng bộ xã Tân Văn có 224 đảng viên đang sinh hoạt tại 20 chi bộ trực thuộc; trong đó có 14 chi bộ thôn. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, việc phát triển đảng viên tại địa phương rất khó khăn. Riêng năm 2020, chỉ phát triển được 6/10 đảng viên (không hoàn thành chỉ tiêu) và có 4/14 chi bộ thôn lâu nay không phát triển được đảng viên mới.
Đồng chí Bạch Văn Tú - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Văn cho biết: “Ở một số chi bộ vùng nông thôn, việc thẩm tra, xác minh, kết nạp đảng viên... còn chưa kịp thời, nên có những trường hợp làm hồ sơ nhiều lần không được khiến họ nản chí. Một số đảng viên ở nông thôn chưa thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đảng viên đối với công tác vận động, giúp đỡ, rèn luyện quần chúng để tạo nguồn phát triển Đảng... Hoạt động của các tổ chức, đoàn thể chưa tác động tích cực đối với việc tập hợp, giáo dục, tạo môi trường thúc đẩy sự phấn đấu của đoàn viên, hội viên”.
Huyện Lâm Hà hiện có 52 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 21 đảng bộ cơ sở và 31 chi bộ cơ sở; 318 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số đảng viên toàn huyện là 4.253 đồng chí. Giai đoạn 2018 - 2021, Đảng bộ huyện Lâm Hà kết nạp được 176 đảng viên tại khu dân cư. Đồng chí Hà Văn Thuận - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Hà cho biết, do thiếu hụt nguồn dẫn tới việc kết nạp đảng viên tại các chi bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện qua các năm mặc dù đạt chỉ tiêu đề ra, song số lượng chỉ tiêu đề ra có xu hướng giảm dần qua các năm. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Hà bày tỏ quan điểm: “Xác định rõ đoàn viên, thanh niên chính là nguồn quan trọng nhất để giới thiệu cho Ðảng những “ứng viên” trẻ, ưu tú, triển vọng nên những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã rất chú trọng tới nguồn này để đưa công tác phát triển Ðảng ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nghịch lý ở đây là trong thực tế, tỷ lệ kết nạp từ nguồn này không như kỳ vọng. Bên cạnh đó, một bộ phận đảng viên dần phai nhạt lý tưởng phấn đấu, thiếu gương mẫu đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới chi bộ. Điều này, ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của những quần chúng có ý định sắp và sẽ đứng vào hàng ngũ của Đảng; từ đó gây khó khăn trong việc đào tạo nguồn phát triển Đảng tại địa phương”.
• … ĐẾN NGUỒN CÓ, KHÓ KẾT NẠP
Chúng tôi tìm về một số chi bộ thôn thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Đam Rông và ghi nhận không ít chi bộ thôn đang đứng trước tình trạng thiếu nguồn hoặc có nguồn nhưng khó kết nạp do nhiều nguyên nhân.
Đơn cử, giai đoạn 2017 - 2021, xã Rô Men kết nạp được 43 đảng viên mới; trong đó có 11 đảng viên kết nạp tại khu dân cư. Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên được đẩy mạnh, tuy nhiên theo nhìn nhận của lãnh đạo địa phương, hiện toàn xã có 2/5 thôn nhiều năm liền chưa phát triển được đảng viên nào.
Cụ thể, tại Thôn 3 (xã Rô Men) hiện có 140 hộ tương đương 450 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% và bà con theo đạo Tin lành chiếm khoảng 65%. Được bầu làm Bí thư Chi bộ Thôn 3 từ năm 2011 tới nay, ông Nguyễn Đức Doanh trầm tư khi chúng tôi hỏi về việc kết nạp đảng viên tại chỗ. “Tôi làm Bí thư Chi bộ đến nay đã được 11 năm nhưng chưa bao giờ thấy việc phát triển đảng viên tại thôn hiện nay lại khó khăn đến vậy. Thực tế việc tìm nguồn để phát triển đảng viên tại thôn rất khó. Năm kết nạp được, năm không, và thậm chí có giai đoạn từ 2017 - 2020, chi bộ không phát triển được đảng viên mới. Hiện, Chi bộ Thôn 3 có 11 đảng viên đang sinh hoạt, nhưng phần lớn là đảng viên lâu năm”, ông Doanh cho hay.
Một nguyên nhân khác, theo ông Doanh, vùng này chủ yếu người dân theo diện kinh tế mới nên chỗ ở không cố định, nhiều gia đình có nhà ở huyện Lâm Hà nhưng vẫn sống ở đây mà tới mùa rẫy mới đi, về. Con người đã ít, dân cư trú lại không ổn định khiến công tác tìm nguồn, đào tạo và giữ nguồn đã khó lại càng khó hơn. Nhiều trường hợp được bình xét quần chúng ưu tú, có uy tín trong cộng đồng nhưng khi chi bộ thẩm tra hồ sơ lý lịch, trình độ học vấn… thì lại không đủ điều kiện để được vào Đảng.
“Như trường hợp của chị Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, tham gia các công tác, hoạt động chuyên môn rất tốt, nhưng khi cấp ủy, chi bộ giới thiệu đi học thì một mực không đi với đủ lý do vì gia đình đông con cái, công việc nhiều, sợ tham gia sinh hoạt và các công tác liên quan tới Đảng sẽ không thực hiện tốt. Và cũng có nhiều trường hợp, chúng tôi phải mềm dẻo, tận tình từng chút một để tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cả tiền xăng xe cho quần chúng ưu tú an tâm tham gia lớp học nhận thức về Đảng; song thời gian chưa hoàn tất, đến lớp một, hai hôm rồi đưa ra nhiều lí do để nghỉ”, ông Doanh thông tin.
Tương tự tại xã Phi Liêng, ông Đoàn Văn Vượng - Bí thư Đảng ủy xã nhìn nhận: “Giai đoạn 2017 - 2021, Đảng bộ xã phát triển được 24 đảng viên; trong đó phát triển tại khu dân cư chỉ có 3 đảng viên. Hiện toàn xã có 5/8 chi bộ thôn 3 năm liền rơi vào tình trạng “cạn nguồn” và không kết nạp được đảng viên mới”.
Dẫn chúng tôi về thôn Liêng Đơng, ông K’Siêng - Bí thư Chi bộ thôn bảo rằng: “Thành thật mà nói, thôn vẫn còn có nguồn nhưng không phát triển được là do ở đây, bà con người dân tộc thiểu số chiếm trên 98% nên suy nghĩ còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, tập quán sống còn lệ thuộc nên mọi quyết định của bản thân đều có sự can thiệp hoặc tác động từ gia đình, người thân”.
Nhìn lại khoảng thời gian 3 năm từ 2018 - 2021, chi bộ không kết nạp được đảng viên mới, ông K’Siêng bày tỏ nỗi niềm: “Mặc dù có nguồn để chúng tôi giới thiệu, bồi dưỡng, song phải tùy vào quan điểm, lòng quyết tâm cao của mỗi người. Quần chúng nào có ý chí phấn đấu, có lập trường vững vàng vào Đảng thì rất dễ. Còn quần chúng nào không mặn mà vào Đảng thì cho dù mình có vận động, tuyên truyền bao nhiêu họ cũng còn có sự e ngại, băn khoăn”.
Thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn nêu trên, đồng chí Nguyễn Ích Nghĩa - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông chia sẻ: “Câu chuyện phát triển đảng viên tại các chi bộ thôn, tổ dân phố có lẽ không riêng gì ở Đam Rông mà là tình hình chung tại các địa phương. Những năm gần đây, đó luôn là vấn đề nan giải mà lãnh đạo địa phương ngày đêm trăn trở. Chẳng dám nói dễ hay khó bởi lẽ, dễ ở đây là dễ phát triển về số lượng, nhưng ngược lại, khó ở đây có nghĩa là đòi hỏi chất lượng đảng viên phải đảm bảo, hay nói cách khác “số lượng phải đi đôi với chất lượng”. Nhưng có lẽ, để biến những điều khó trở thành dễ thì địa phương cần có quá trình lên kế hoạch thực hiện một cách bền bĩ, lâu dài. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để tìm giải pháp chứ không thể thực hiện ngay trong một sớm, một chiều, đặc biệt với đặc thù người dân và địa bàn phức tạp như Đam Rông lại càng khó hơn”.
(CÒN NỮA)