Tìm lời giải cho chính sách fintech
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), bắt kịp các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên để quản lý fintech hiệu quả phải tìm được 'điểm cân bằng chung' giữa khuyến khích phát triển và kiểm soát. ĐTTC ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.
LS. PHÙNG ANH TUẤN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI):
Không thể một mình một sân
Hiện nay, ngoài 2 văn bản pháp luật chính là Nghị định 101/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư 39/2014 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán đang được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, NHNN cũng đang xây dựng cơ chế thí điểm đối với dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P), đề án thử nghiệm với hoạt động fintech và đề án thí điểm mobile-money. Tuy nhiên, vẫn có những lĩnh vực cần phát triển thêm, như các dịch vụ mới trong fintech.
Chẳng hạn, trong giao dịch điện tử có rất nhiều thay đổi, nhiều loại dịch vụ hiện tại đã có trên thị trường, nhưng chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Định hướng ban hành chính sách hiện nay dường như vẫn theo hướng tăng cường quản lý, siết chặt kiểm soát với fintech nhiều hơn là tạo điều kiện phát triển. Hiện chúng ta đã tham gia hội nhập rất sâu rộng, ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nên không thể “một mình một sân” được.
Tôi cho rằng cơ chế sandbox (cho phép doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn) sẽ khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, phát triển thị trường theo hướng khuyến khích doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới làm những gì pháp luật không cấm. Nếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, fintech phát triển theo cơ chế sandbox sẽ phù hợp hơn, tạo điều kiện tốt hơn.
Nếu chúng ta muốn tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, để Việt Nam có thể đuổi kịp và bỏ qua các giai đoạn phát triển ban đầu, nên áp dụng những định hướng phát triển với sự kiểm soát mở rộng, thoải mái hơn, thể hiện rõ ràng quan điểm quản lý cũng như cơ chế sandbox.
Ông VARUN MITTAL, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore:
Nhà đầu tư ngoại dè dặtViệt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực fintech, bắt kịp các quốc gia phát triển trong lĩnh vực fintech. Nhưng nếu cơ quan quản lý giữ cách tiếp cận quá thận trọng, chỉ mở cửa từng bước, fintech Việt Nam sẽ rơi vào lại nhóm trung bình và không thể phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng.
Việc dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực fintech ở mức 30% hoặc 49% sẽ gây quan ngại cho các nhà đầu tư. Bởi hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. Các startup trong lĩnh vực này đều cần có sự đầu tư về công nghệ, thị trường và nhân sự, trong khi đó các nguồn lực trong nước chưa đáp ứng được.
Ngoài ra, đầu tư nước ngoài còn cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thành quả công nghệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực big data hay AI, vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm, giải pháp cho fintech.
Tôi cho rằng muốn tạo điều kiện cho fintech Việt Nam trở thành doanh nghiệp khu vực, chúng ta phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt, có thể mở rộng, không chỉ phục vụ Việt Nam, còn trở thành người khổng lồ châu Á.
TS. VÕ TRÍ THÀNH,nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM):
Tìm điểm cân bằng chung
Thực tế cho thấy, thoát cũ xây mới trong fintech là cuộc cách mạng rủi ro chứa đựng rất nhiều điều chưa biết, nhất là với đặc thù của ngành ngân hàng tài chính. Đối với chính sách quản lý công nghệ, chúng ta hiện đã có Đề án về kinh tế chia sẻ và sắp có Đề án về chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, sự cân bằng hợp lý giữa tinh thần hạn chế rủi ro, thúc đẩy đổi mới sáng tạo lại đang khá chậm chạp và lúng túng. Điển hình, câu chuyện tranh cãi giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, chúng ta còn bàn thảo đến dự thảo thứ 10 chưa xong. Trong khi câu chuyện taxi còn đơn giản hơn fintech nhiều về góc độ tác động, lợi ích và rủi ro kinh tế, xã hội của các bên liên quan.
Hiện nay, đối với vấn đề phát triển và xây dựng chính sách cho fintech, chúng ta đang phải đối mặt với 3 khó khăn lớn. Thứ nhất, cách mạng phải “thoát cũ” hay “phá cũ xây mới”, để “phá cũ” liên quan đến lợi ích, chi phí. Nhưng khi “xây mới” lại vấp phải nhiều rủi ro chưa ai biết, do đây là cuộc cách mạng chứa đựng nhiều quy luật mới.
Thứ hai, ngành tài chính ngân hàng bao giờ cũng nghĩ về rủi ro trước quyền lợi. Bởi lẽ, nếu xác suất xảy ra nhỏ nhưng tác động lan tỏa xảy ra lớn phải có quy định riêng.
Thứ ba, mở cửa cán cân thanh toán quốc tế khi VNĐ chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, nghĩa là đồng tiền được sử dụng rộng rãi để thanh toán các giao dịch quốc tế, được mua bán rộng rãi trên thị trường ngoại hối chủ chốt.
Từ đây, câu hỏi được đặt ra nếu chúng ta quản lý thoáng hơn để doanh nghiệp có thể làm những gì mình thích, rủi ro và lợi ích sẽ như thế nào? Cái chính ở đây là chúng ta phải tìm ra được “điểm cân bằng chung”, vừa không để xảy ra rủi ro đến kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo lợi ích các bên liên quan như startup, ngân hàng, người tiêu dùng.
Ông NGHIÊM THANH SƠN, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN):
Tránh xảy ra thao túng tài chính
Theo thống kê không chính thức của NHNN, hiện cả nước có gần 150 doanh nghiệp fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ đạo là lĩnh vực thanh toán đã có 30 tổ chức trung gian thanh toán được NHNN cấp phép.
Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân. Tuy nhiên, fintech là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia.
Do đó, để tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính, cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty fintech, trong đó không loại trừ trung gian thanh toán.
Hiện nay, các ngân hàng đã bắt tay với trung gian thanh toán, thiết lập liên minh làm đối trọng với nước ngoài. Động thái này nhằm tránh “vết xe đổ” của Trung Quốc, nơi thị phần thanh toán của nhiều ngân hàng đã bị các ví điện tử như Alipay, WeChat Pay nuốt trọn.
Bên cạnh đó, sandbox cũng là một trong những giải pháp NHNN đã nghiên cứu và là đơn vị đi đầu trong các bộ ngành đề xuất tham mưu Chính phủ cho phép triển khai vấn đề này. Để tìm được “điểm cân bằng chung” thỏa mãn nhu cầu, yêu cầu của quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người sử dụng và các doanh nghiệp liên quan là điều không dễ.
Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi người sử dụng, kiểm soát được rủi ro, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả các chính sách của cơ quan quản lý.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/tim-loi-giai-cho-chinh-sach-fintech-71563.html