Tìm lời giải cho doanh nghiệp Việt trước 'bóng ma' suy thoái toàn cầu
Dồn dập những dự báo tình hình suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên toàn cầu trong năm 2023. Tuy nhiên, trong mọi cuộc khủng hoảng đều ẩn chứa những cơ hội. Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt không thể dao động, hoang mang mà cần nhận diện rõ những khó khăn để chủ động chuẩn bị trước những phương án, đối sách phù hợp...
Những dự báo mới đưa ra từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tình hình kinh tế thế giới không mấy sáng sủa khi tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 sẽ là 2,7%, giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 7/2022, đồng thời báo cáo cũng cho rằng “những điều tồi tệ nhất còn chưa diễn ra, thế giới có thể đối mặt với suy thoái nghiêm trọng”.
Mọi cuộc khủng hoảng đều ẩn chứa những cơ hội
Ngoài ra, lạm phát toàn cầu không chỉ lập đỉnh vào cuối năm 2022 ở mức 8.8% mà chỉ số này sẽ vẫn còn neo cao ở mức 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, 1/3 nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Trong cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cả hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại. Xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng do nhu cầu bên ngoài yếu đi. Tiêu dùng hậu Covid dường như cũng phục hồi chậm lại. Bên cạnh đó, điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới.
Theo bà Evelyn Kwek - Giám đốc điều hành Great Place to Work khu vực ASEAN và ANZ, các tín hiệu suy thoái toàn cầu khiến doanh nghiệp (DN) Việt lo lắng bởi Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và trở nên phụ thuộc hơn vào xuất khẩu trong những năm gần đây.
Cũng theo bà Kwek, việc tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư toàn cầu bên cạnh áp lực lạm phát đang len lỏi vào nền kinh tế. Điều quan trọng trong lúc này là các DN đừng hủy hoại tất cả những thành quả tốt đẹp và niềm tin mà họ đã gầy dựng.
Giới chuyên gia cho rằng các DN Việt không thể dao động, lo lắng, hoang mang mà cần nhận diện rõ những khó khăn để chủ động chuẩn bị trước những phương án, đối sách phù hợp, từng bước đi tới thành công trong việc thực hiện các chiến lược dài hạn của mình.
Như chia sẻ của Ts. Gavin Nicholson (Đại học RMIT), trong mọi cuộc khủng hoảng đều ẩn chứa những cơ hội. Đã đến lúc chúng ta suy nghĩ lại về suy thoái kinh tế sắp tới như cơ hội để mọi người cùng phát triển.
Vấn đề tìm kiếm cơ hội giữa khó khăn cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương vào ngày 3/1/2023 nhằm tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, đó là phương châm “biến nguy thành cơ”.
Cần mở rộng đổi mới sáng tạo
Trong tình hình đối mặt nhiều thách thức ở phía trước, theo giới chuyên gia, “biến nguy thành cơ” đang đòi hỏi các DN Việt cần mở rộng đổi mới sáng tạo một cách lớn mạnh hơn nữa. Phía DN phải luôn xác định tâm thế đây không chỉ là những thách thức mà còn là cơ hội và động lực để thay đổi, bứt phá. Nhất là giữa mối lo suy thoái toàn cầu kéo dài đang đòi hỏi các DN phải linh hoạt thích ứng, khắc chế một cách phù hợp nhất.
“Đổi mới sáng tạo” hiện đang là cụm từ kích hoạt hành động trong cộng đồng DN ở Việt Nam. Một số minh chứng cho thấy những DN đầu tư nhiều vào đổi mới trong giai đoạn đại dịch toàn cầu vừa qua sẽ gặt hái được kết quả kinh doanh cao hơn đối thủ.
Tuy vậy, như lưu ý của Ts. Seng Kiong Kok (Đại học RMIT), nhiều DN có chuyên môn và kiến thức kỹ thuật để đổi mới, nhưng họ thiếu năng lực điều phối, hướng dẫn và thúc đẩy các nguồn lực này nhằm đạt được mục tiêu của DN. Cho nên, tỷ lệ các DN có khả năng mở rộng quy mô đổi mới sáng tạo nhìn chung còn thấp.
“Bên cạnh việc cho thấy những DN chú trọng đầu tư cho đổi mới sẽ kinh doanh tốt hơn sau giai đoạn Covid-19, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỉ lệ các công ty có khả năng mở rộng quy mô đổi mới chỉ là 20%. Từ góc độ thể chế, điều này đặt ra một câu hỏi đầy thách thức và cần được giải quyết”, ông Kok băn khoăn.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đối phó với vấn đề này? Theo vị chuyên gia của RMIT, các DN cần phải hướng tầm nhìn ra ngoài nội bộ tổ chức để tìm động lực đổi mới. Việc sử dụng và xây dựng các nguồn lực đổi mới trong nội bộ là điều tốt. Tuy nhiên, nếu có thể tăng cường những hoạt động này bằng các cơ chế bên ngoài thì đây sẽ là động lực bổ sung để thu hẹp khoảng cách giữa đổi mới và các giá trị tạo ra.
Còn ở góc độ DN, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nói rằng với năm 2023, tình hình trên mọi phương diện đều được dự báo là “khó khăn”. Bức tranh trước mắt với toàn những gam màu tối, nhưng đây đó vẫn có những điểm sáng đáng mong đợi.
Đó là, dịch bệnh Covid-19 đang từng bước được đẩy lùi, thế giới quen với một trạng thái cân bằng mới. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trong năm 2023, ở mức 3,5% (theo dự báo của S&P). Nền kinh tế Việt Nam phục hồi tốt sau đại dịch với mức tăng trưởng năm 2022 được nhận định là vượt trội so với các nước trong khu vực, kéo theo đà tăng trưởng năm 2023 có thể ở mức 6,5%. Trung Quốc đang dần nới lỏng chính sách Zero-Covid. Logistic có tín hiệu hạ nhiệt…
Cho nên, từ những điểm sáng pha lẫn trong gam màu tối của nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi các DN Việt cần chủ động ứng phó, tiếp tục có những mở rộng đổi mới sáng tạo với những thách thức đáng để giải quyết nhằm “biến nguy thành cơ” trong thời gian tới.