Tìm 'lời giải' cho voọc Cát Bà
Từ hàng nghìn cá thể, đến nay, voọc Cát Bà chỉ còn hơn 70 con. Nếu không kịp thời bảo vệ và phát triển đàn, loài linh trưởng quý hiếm này có nguy cơ bị tuyệt chủng.
“Mật đắng” chết voọc
Đến thăm gia đình ông T. (nhân vật đề nghị giấu tên), một thợ săn nổi tiếng ở xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, PV Người đưa tin không khỏi “giật mình” khi thấy nhiều tấm da thú rừng nhồi bông bày la liệt trong phòng khách. Ông T. buồn rầu: “Đó là chiến lợi phẩm hồi còn vào rừng săn bắt thú. Hơn 20 năm nay, tôi “rửa tay gác kiếm” dành thời gian trả những món nợ đã vay từ rừng”.
Giống như nhiều thợ săn lão làng khác trong vùng, ông T. đoạn tuyệt với công việc săn bắt thú rừng trái phép từ năm 2000 và trở thành cộng tác viên tích cực cho chương trình bảo tồn voọc Cát Bà, loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất thế giới chỉ sinh sống tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà.
Ông T. kể lại, từ xa xưa, các thợ săn ở Cát Bà ít săn bắt voọc bởi thịt chúng có mùi gây, tanh rất khó ăn. Bên cạnh đó, voọc Cát Bà còn có thói quen ăn rất nhiều loại cây, quả rất độc như lá ngón, lá sơn, quả mã tiền…, nên người dân địa phương sợ bị nhiễm độc khi ăn thịt chúng. Thứ duy nhất cánh thợ săn ở đảo Cát Bà khai thác từ voọc, đó là phần máu khô của voọc cái chảy ra sau khi đẻ theo kinh nghiệm dân gian có thể chữa chứng chảy máu cam và bệnh phụ nữ sau khi sinh. Vì thế, voọc Cát Bà vô tư sinh trưởng và phát triển bầy đàn. Thời cao điểm cách đây hơn 40 năm, ước tính toàn bộ quần đảo Cát Bà có tới 2.500-3.000 cá thể voọc sinh sống.
Thế nhưng, khoảng hơn 40 năm trước, giới nhà giàu rỉ tai về công dụng của mật voọc Cát Bà. Họ cho rằng, sở dĩ voọc có thể ăn nhiều loại cây, quả rất độc mà không hề hấn gì do mật tiết ra chất giải độc. Vì thế, họ coi mật voọc là “thần dược” chữa bách bệnh dù không có cơ sở khoa học và thực tế nào chứng minh. Trong cơn sốt, mật voọc được đặt mua với giá cao. Có khi, chỉ bán vài ba cái mật voọc, có thể dựng căn nhà gỗ to đẹp.
Từ chỗ ít bị săn bắt, voọc trở thành mục tiêu số 1 của cánh thợ săn ở Cát Bà. Theo lời ông T., cách săn bắt voọc dễ nhất là lựa khi chúng ngủ bám vào vách đá nhanh tay giật phần đuôi rất dài để chúng rơi xuống biển. Khác với khỉ vàng, voọc không biết bơi nên nhanh chóng bị chết đuối. Cánh thợ săn chỉ việc vớt lên thuyền mổ lấy mật phơi khô giao cho khách. Vì thế, số lượng đàn voọc Cát Bà không ngừng suy giảm. Đến năm 2000, số lượng voọc Cát Bà còn chưa tới 40 con.
Gian nan hành trình bảo vệ voọc Cát Bà
Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc VQG Cát Bà, cho biết: “Trước nguy cơ tuyệt chủng của voọc Cát Bà, từ năm 2000 đến nay, VQG Cát Bà nói riêng, chính quyền Tp. Hải Phòng và huyện Cát Hải nói chung, có nhiều giải pháp để bảo vệ và phát triển đàn voọc. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền, vận động các thợ săn không vào rừng săn bắt trái phép động vật hoang dã nói chung, voọc nói riêng và tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.
Do sự mạnh tay của cơ quan chức năng, nhất là lượng thú rừng giảm khiến những chuyến đi rừng trắng tay ngày càng nhiều, hầu hết thợ săn ở Cát Bà bỏ nghề chuyển sang khai thác thủy sản, làm dịch vụ du lịch. Một số thợ săn, trong đó có ông T. tham gia chương trình bảo vệ rừng, bảo vệ voọc do VQG Cát Bà và một số tổ chức phi chính phủ khởi xướng. Từ năm 2000 đến nay, tình trạng săn bắt trái phép voọc Cát Bà giảm mạnh. Trong đó, hơn 10 năm trở lại đây, cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp săn bắt trái phép nào. Nhờ vậy, bầy voọc dần được phục hồi. Riêng trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, có khoảng hơn 10 cá thể voọc được sinh ra. Qua đó, nâng tổng số cá thể voọc Cát Bà lên hơn 70 con, gần gấp đôi so với năm 2000.
Mặc dù thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” của những tay thợ săn bắt trái phép, bầy voọc Cát Bà vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Anh Nguyễn Huy Cầm, cán bộ kiểm lâm VQG Cát Bà có hàng chục năm gắn bó với voọc được mệnh danh là “người gác voọc Cát Bà”, cho biết: “Voọc đực thường giết hại con non sau khi cướp đàn. Vì thế, mặc dù voọc non được liên tục sinh ra, có năm lên tới hơn 10 cá thể, nhưng số lượng voọc tăng thêm hằng năm rất thấp. Bên cạnh đó, do bầy đàn thu hẹp nên xảy ra tình trạng giao phối cận huyết khiến con non sinh ra dễ chết yểu. Ngoài ra, bầy voọc Cát Bà còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ đàn khỉ vàng trên đảo với số lượng đông hơn gấp hàng chục lần”.
Để cứu đàn voọc Cát Bà khỏi nguy cơ tuyệt chủng, theo ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc VQG Cát Bà, đơn vị đang phối hợp cơ quan chức năng liên quan thành phố, các nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ… xem xét di chuyển con đực chưa có đàn sang các khu vực khác để tránh tình trạng giết con non sau khi cướp đàn, hạn chế tình trạng giao phối cận huyết. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh loài voọc Cát Bà ra cộng đồng trong nước, quốc tế, kêu gọi thêm nhiều tổ chức cùng phối hợp thực hiện công tác bảo tồn, phát triển đàn voọc.
Điều khó khăn nhất để phát triển đàn voọc là tình trạng cá thể ít, bầy đàn thu hẹp dẫn đến giao phối cận huyết làm con non sinh ra dễ bị chết yểu vẫn chưa tìm được “lời giải”. Vì thế, hành trình bảo tồn voọc Cát Bà còn rất gian nan…
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tim-loi-giai-cho-vooc-cat-ba-a610269.html