Tìm lối thoát cho 'nỗi ám ảnh' của các doanh nghiệp xi măng

Dư cung ngày càng lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu của ngành xi măng. Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.

“Trong 120 năm thành lập, chưa lúc nào VICEM lâm vào tình thế khó như bây giờ”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho thấy mức độ khó khăn mà VICEM và ngành xi măng đang đối mặt.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục lao dốc

Tuần vừa qua, nhiều công ty xi măng đã rục rịch công bố kết quả kinh doanh quý II, cho thấy bức tranh ảm đạm toàn ngành. Đơn cử như VICEM, tiếng là doanh nghiệp hàng đầu nhưng một số dây chuyền trong hệ thống của VICEM đã phải dừng lò. 6 tháng đầu năm, sản lượng clinker của VICEM giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng xi măng giảm hơn 7% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ, phải dừng dây chuyền sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ, phải dừng dây chuyền sản xuất.

Một công ty con của VICEM là CTCP Xi măng VICEM Hải Vân thậm chí còn lỗ 5 quý liên tiếp. Công ty kết thúc quý II với lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 9,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của VICEM Hải Vân lỗ gần 30 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này gần như đã được doanh nghiệp biết trước khi đặt kế hoạch cả năm lỗ 44 tỷ đồng. Thua lỗ 5 quý liên tiếp nên tính đến cuối quý II/2024, lỗ lũy kế của doanh nghiệp là hơn 82 tỷ đồng.

Thực tế thì ngành xi măng bắt đầu gặp nhiều khó khăn từ 3 năm trở lại đây. Không riêng gì VICEM, doanh nghiệp quy mô như CTCP Xi măng Bỉm Sơn cũng ghi nhận mức lỗ lớn, riêng quý I/2024 lỗ sau thuế gần 50 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 48,6 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp này kể từ quý III/2022.

Còn Xi Măng Phúc Sơn tính đến ngày 31/12/2023 lỗ lũy kế gần 860 tỷ đồng. Thua lỗ triền miên, doanh nghiệp có dấu hiệu mất cân bằng tài chính, không bảo toàn được vốn, phải cắt giảm lao động.

"Ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài", Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) nhận định.

Để đảm bảo tiêu thụ, tránh tồn kho, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm đến giải pháp hoạt động luân phiên hoặc dừng lò nung, dây chuyền sản xuất.

Theo VNCA, 42 dây chuyền xi măng phải dừng hoạt động từ 1 đến 6 tháng, thậm chí một số dây chuyền dừng cả năm. Hiện các nhà máy chỉ chạy 70 - 75% tổng công suất thiết kế, tồn kho lũy kế tới 5 triệu tấn. Năm ngoái, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành cũng chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế.

Cạnh tranh khốc liệt, một số doanh nghiệp phải bán sản phẩm dưới giá thành. Là một trong số ít công ty trong ngành có kết quả kinh doanh khả quan, CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 75 tỷ đồng năm 2023. Tuy nhiên, trao đổi với Vnbusiness, đại diện công ty cho biết, công ty không nằm ngoài khó khăn chung của ngành xi măng.

“Do dư thừa sản phẩm nên có vấn đề cạnh tranh trong quá trình bán hàng. Các doanh nghiệp cạnh tranh nhau đẩy giá xuống thấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty đã phải thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, năng suất thiết bị, hạ giá thành sản phẩm”, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.

Gỡ bằng cách nào?

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA, đầu ra của ngành xi măng tập trung chủ yếu vào đầu tư công, bất động sản và xây dựng dân dụng. Tuy nhiên, hai năm gần đây không có nhiều dự án công nghiệp lớn được triển khai ngoài các dự án giao thông sử dụng xi măng không nhiều. Ngành xi măng đã đầu tư cho sản xuất theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ duyệt, trên cơ sở dự báo nhu cầu nhưng việc triển khai các dự án trên thực tế còn chậm, dẫn đến tiêu thụ xi măng thấp.

Thị trường bất động sản trầm lắng; các dự án phát triển nhà ở, đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hộ triển khai chậm cũng khiến cho tiêu thụ xi măng thêm gian nan.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu xi măng ảm đạm. Theo Bộ Xây dựng, 2 năm nay lượng clinker xuất khẩu sụt giảm lớn. Nguyên nhân phần nhiều do thuế xuất khẩu clinker của Việt Nam tăng gấp đôi, từ 5% lên 10% từ 1/1/2023, làm cho giá clinker kém cạnh tranh.

“Với việc thuế xuất khẩu clinker của Việt Nam tăng (10%) và không được khấu trừ đầu vào thuế GTGT (10%), dẫn đến giá clinker của Việt Nam mất lợi thế đến 20% so với giá clinker của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hệ quả là hiện nay nhiều doanh nghiệp xi măng không thể xuất khẩu được sản phẩm clinker”, Bộ Xây dựng nhận định.

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD diễn ra tháng 6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã kiến nghị áp dụng ngay việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker xi măng từ 10% về 0%. Bên cạnh đó, sửa quy định trong Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng sản phẩm clinker được hoàn thuế VAT.

VNCA cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa Nghị định 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan... Theo đó, đưa clinker xi măng ra khỏi Phụ lục I và áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng là 0%.

Các giải pháp trên được nhận định sẽ giúp clinker Việt Nam có giá cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, giúp tiêu thụ nhanh sản phẩm, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Hồi đầu tháng Bảy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét các kiến nghị trên trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2023/NĐ-CP.

Bên cạnh giải pháp tức thời về tài chính, nhiều giải pháp căn cơ khác cũng được đưa ra để kiểm soát sản lượng, tăng tiêu thụ xi măng như xem xét lại việc thực hiện quy hoạch, cấp phép cho các dự án xi măng; tập trung thực hiện Đề án xây dựng nhà ở xã hội; tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn trên các tuyến quốc lộ, cao tốc…

PGS. TS Lương Đức Long, Tổng thư ký VNCA

Yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Giai đoạn này, ngành chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém; giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần; năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5%...

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam

Cần tập trung vào giải pháp tăng tiêu thụ nội địa ở hai điểm: tăng diện tích xây dựng nhà ở và tăng tỷ lệ xây dựng cầu cạn đối với các công trình giao thông. Xây cầu cạn vừa không phải mất thời gian chờ lún, vừa có thể chủ động ứng phó thiên tai, tăng độ bền công trình. Nếu làm tốt các vấn đề này thì có thể giải quyết 70 - 80% lượng xi măng tồn.

PGS. TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng

Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và VNCA chỉ đạo các cơ sở sản xuất xi măng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy công suất thiết kế các dây chuyền, giảm chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm; đẩy mạnh tận dụng nhiệt thừa khí thải trong các nhà máy để sản xuất điện; tận dụng nguồn chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành xi măng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm môi trường.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tim-loi-thoat-cho-noi-am-anh-cua-cac-doanh-nghiep-xi-mang-1101208.html