Tìm nắng trong sương
Những đứa trẻ trong sương là tựa phim đầy chất thơ và cũng nhiều suy ngẫm.
Bộ phim khiến khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, thậm chí sốc khi chứng kiến những gì nhân vật chính trải qua. Nhưng trong làn sương mù mịt của đất trời Tây Bắc, vẫn có một cô bé đã tự đứng lên sau những vấp váp để tìm nắng cho riêng mình. “Hãy nói với bạn đi tìm nắng của bạn, còn con đi tìm nắng của con” - có lẽ là lời thấm thía nhất của bà mẹ khi cô con gái 15 tuổi rưỡi, tên Di đang đứng trước quyết định quan trọng của cuộc đời: tiếp tục đi học hay theo về làm vợ nhà người ta. Với một phụ nữ dân tộc thiểu số lam lũ, ít học, đôi khi cục cằn và cả những lời mắng chửi quen miệng, thì câu nói đó xem chừng văn vẻ quá. Nhưng, đặt vào bối cảnh truyện phim, nó là bài học cuộc đời thấm thía bà đã từng trải qua.
Bà cũng từng là nạn nhân của tục kéo vợ năm 15 tuổi, trải qua biết bao cơ cực, thậm chí bị chồng say xỉn đánh chửi như cơm bữa. Rồi bà lại chứng kiến cô con gái lớn, cũng bị kéo vợ năm 15 tuổi. Để rồi, mới 18 tuổi đã có 2 mặt con. Đứa con gái thứ 2 cũng đứng trước bờ vực đó. Bà mẹ ấy có thể mắng chửi con nhưng rồi lại bật khóc nức nở bởi căn nhà trống vắng khi đứa con gái bị bắt đi, số phận không biết thế nào. Nhưng, chính bà mẹ ấy lại là người tỉnh táo nhất bởi hơn 1 lần sau những lời khuyên nhủ, bà đã trao quyền cho con gái tự quyết định cuộc đời mình, để đi tìm ánh nắng cho riêng mình.
Những đứa trẻ trong sương là bộ phim của những xung đột âm ỉ đã kéo dài qua nhiều thế hệ, trở thành luật bất thành văn. Di - cô gái người dân tộc Mông ở vùng núi phía Bắc mắc kẹt giữa thời thơ ấu và trưởng thành, giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Tuổi 15, Di vẫn rất hồn nhiên, có thể chơi diễn trò đám cưới, nô đùa cùng chúng bạn. Nhưng cô bé cũng biết sử dụng mạng xã hội, nói tục, nhắn tin với bạn trai hay cả cảm giác ghen tuông khi có người thứ 3 xuất hiện. Di dường như chông chênh trên con đường trưởng thành và chính cô cũng nhận ra sự bồng bột, sai lầm của bản thân. Cô cố gắng vùng vẫy trong cái gọi là truyền thống, nay đã thành hủ tục để hiện thực hóa ước mơ của mình - được tiếp tục đi học, kiếm nhiều tiền và đi chơi ở nhiều nơi.
Mỗi thước phim theo chân Di không chỉ là hành trình bền bỉ của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Nó còn là sự đấu tranh có cho phép bản thân được can thiệp vào câu chuyện và lái nó theo ý mình hay không. Chính mối liên hệ mật thiết với nhân vật, nhiều khi khán giả cảm giác Diễm chính là chị gái của Di, là thành viên trong gia đình Di. Những điều ấy tưởng chỉ có thuận lợi. Nhưng, làm thế nào để cân bằng, khiến câu chuyện vẫn minh bạch, rõ ràng, không gượng ép là điều không đơn giản. May thay, Hà Lệ Diễm đã làm điều đó một cách tự nhiên. Chính góc nhìn cá nhân độc đáo nhưng mang tính phổ quát đã tạo nên nhiều cảm xúc và chiều sâu cho bộ phim.
Bộ phim cũng đặt ra nhiều sự đối lập, cảm giác đôi khi chông chênh và cả mông lung. Có những ngày sương giăng mịt mù như khi Di đi hội, theo chân bạn trai về nhà; nhưng cũng có lúc rất rực rỡ, trong xanh nơi mây trắng bồng bềnh vờn núi. Di cũng chênh vênh giữa ranh giới yêu hay chia tay, cưới hay không cưới. Không ít khung hình nội cảnh, tranh tối tranh sáng, nhất là những phân đoạn chứng kiến xung đột giữa các nhân vật. Nhưng, ở đó lại luôn lóe lên ánh sáng từ bếp lửa không bao giờ tắt, hay từ ngọn nến trong chiếc đèn trung thu rọi vào khuôn mặt, bừng lên trong ánh mắt của Di. Những người sống quanh Di là bố, mẹ, bạn trai hay gia đình bạn trai không hẳn tốt nhưng cũng không xấu. Họ không hoàn toàn đúng nhưng cũng chẳng sai hết thảy. Có lẽ chính vì chọn góc nhìn ở giữa, mang tính trung lập như thế nên bộ phim càng khiến khán giả phải suy ngẫm nhiều hơn. Phim ám ảnh không chỉ bởi cái nghèo, bởi những hủ tục đeo bám. Nó đặc biệt ám ảnh bởi sự phức tạp bên trong mỗi cá nhân, cách họ nhìn nhận, đối diện và giải quyết sự việc. Quan trọng nhất, cuối cùng Di đã không đi theo vết xe đổ của mẹ và chị gái.
Trải qua tất cả, vén màn sương mù mịt, Di đã tự mình đứng dậy. Cô đã tìm thấy ánh nắng cuộc đời mình. Theo bật mí của đạo diễn Hà Lệ Diễm, Di của hiện tại đã là mẹ của một nhóc kháu khỉnh và đã “chín chắn lắm”.
Những đứa trẻ trong sương được đạo diễn 9X Hà Lệ Diễm thực hiện trong hơn 4 năm, với hơn 100 tiếng phim nháp. Phim đã tham gia và thắng nhiều giải thưởng lớn nhỏ tại hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, ra rạp tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan và Singapore. Đặc biệt, phim đã vượt qua hơn 100 tác phẩm đến từ khắp các quốc gia trên thế giới, lọt vào danh sách rút gọn (Shortlist) top 15 Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc - thành tích lớn nhất một phim Việt từng đạt được.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-nang-trong-suong-post682669.html