Tìm nguồn cung giá bình dân cho người mua nhà
Việc gia tăng nguồn cung phân khúc nhà ở giá bình dân sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản và làm hạ nhiệt giá chung cư.
Số liệu mới đây của Bộ Xây dựng chỉ ra, giá bán các dự án bất động sản trong thời gian gần đây đều có xu hướng tăng cao.
Cụ thể, mặt bằng giá trung bình chung cư tại Thủ đô đã đặt ngưỡng 50 - 70 triệu đồng mỗi m2, tăng 38% sau 5 năm. Ngoài dự án đã sử dụng 5 - 10 năm, nhà tập thể cao tầng cũ cũng bị đẩy giá khá cao.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV chiều ngày 20/5, trình bày báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Nhiều phân khúc có dấu hiệu tăng giá trở lại, như chung cư ở trung tâm hay vùng ven Hà Nội đều cao đột biến. Đáng chú ý, căn hộ nhà xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng giá, ngoài khả năng chi trả của người dân.
Nguyên nhân được chỉ ra là nguồn cung chung cư tại Hà Nội khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây. Trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt các gia đình trẻ còn rất lớn. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường đang ở trạng thái mất cân đối.
Tại TP HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây cũng cho biết trong quý I/2024, thành phố chỉ có một dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư với diện tích 3.647,4 m2 và chỉ có một dự án (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ. Đồng thời không có dự án nhà ở thương mại nào đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Toàn thành phố có 62 dự án nhà ở thương mại (dự án cũ) đang triển khai với 28.462 căn hộ.
Đáng chú ý, TP HCM không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng trong ba tháng đầu năm; chỉ có một dự án nhà ở xã hội (dự án cũ) đã hoàn thành với 242 căn hộ và đang triển khai thực hiện 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (dự án cũ) với 4.996 căn hộ.
Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng, giá bán chung cư ngày càng "neo cao", việc tập trung phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền được đánh giá là vô cùng cấp thiết.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp để Chính phủ báo cáo UBTV Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024, sớm áp dụng các quy định về chính sách ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội (Luật Nhà ở), quyền thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất đai của dự án nhà ở xã hội (Luật Đất đai).
Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước được giao tập trung, ưu tiên xây dựng, trình ban hành các Nghị định hướng dẫn các luật liên quan đến nhà ở xã hội trên tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội, tránh phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, thường xuyên đôn đốc, phối hợp các bộ, ngành, địa phương giám sát việc thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo 123; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao NHNN phụ trách việc thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán; khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10 - 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại thông thường...
Đề xuất ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội vào cùng một phân khúc
Ghi nhận tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không còn hiếm gặp. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng Hà Nội và TP HCM, Hội Môi giới cho biết có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Tại Hà Nội, UBND TP cho biết hiện trên địa bàn có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Còn tại TP HCM, thống kê của Sở Xây dựng Thành phố cho biết, hiện có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ.
Trong khi đó, dữ liệu nghiên cứu của VARS chỉ ra, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ đang sụt giảm nghiêm trọng.
Số lượng dự án bất động sản được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm trong khi các dự án đang triển khai phải “chật vật" bởi các vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn. Trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ.
Các chuyên gia đánh giá, việc hàng chục nghìn căn hộ để không trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Do đó, VARS cho rằng việc triển khai các giải pháp phù hợp để “đánh thức" loại hình này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai mà còn góp phần cải thiện nguồn cung.
Theo đó, nhóm chuyên gia này đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước cần có kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư. Các khu vực này cần được kết nối tốt với trung tâm thành phố và có đầy đủ hạ tầng, dịch vụ công cộng như trường học, bệnh viện, chợ, và các tiện ích khác.
Thứ hai, cần có cơ quan giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, các dự án tái định cư cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xây dựng để đảm bảo chất lượng và an toàn.
Thứ ba, thúc đẩy thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai mới với các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thuộc trường hợp Nhà nước thu đất. Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính, tư vấn và đào tạo nghề để giúp người dân thích nghi với cuộc sống mới.
Thứ tư, khuyến khích người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư, nhằm đảm bảo các dự án tái định cư được phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.
Đối với các dự án căn hộ tái định cư đang triển khai, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai.
Đối với các dự án bất động sản đã hoàn thiện và chưa được sử dụng có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn, lãnh đạo các thành phố cần nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.
Ngoài ra, Hội Môi giới cho rằng, bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các dự án nhà ở khác để thu hút người dân đến sinh sống.
Các chủ đầu tư sẽ có một tỷ lệ phần trăm quỹ nhà dự án để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư. Việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, VARS cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư.
Theo đó, Nhà nước cần có các quy định rõ ràng và đồng bộ về việc cho thuê nhà tái định cư, đảm bảo quyền lợi của cả người cho thuê và người thuê. Các quy định này bao gồm mức giá thuê, thời hạn thuê, và các điều kiện thuê cụ thể.
Đơn vị này cũng cho rằng cần phải cải thiện công tác quản lý và bảo trì tại các khu tái định cư, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng tại các khu tái định cư để khuyến khích người dân chuyển đến sinh sống.
Đồng thời áp dụng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho người dân khi cho thuê nhà tái định cư, chẳng hạn như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, và các khoản trợ cấp khác. Bằng cách thực hiện các giải pháp đồng bộ và linh hoạt, chúng ta có thể nâng cao chất lượng sống cho người dân, tận dụng hiệu quả tài nguyên và góp phần vào sự phát triển bền vững của đô thị.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tim-nguon-cung-gia-binh-dan-cho-nguoi-mua-nha.html