Tìm nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung
Ngày 16/1, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam chủ trì cùng sự phối hợp của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội Thảo 'Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu'.
Tránh phá vỡ cấu trúc, trạng thái ổn định tự nhiên
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: “Năm 2020 là một năm khốc liệt nhất. Năm 2017, Quảng Nam cũng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở và thiệt hại 28 người. Năm nay con số thiệt hại lớn hơn với 43 người chết, 17 người mất tích. Tổng cộng thiệt hại về vật chất do thiên tai gây ra ở Quảng Nam năm 2020 gần 11.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn đối với một địa phương như Quảng Nam. Quan trọng hơn, đó là một nguy cơ cho khu vực miền núi”.
Vì thế, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: Hội thảo lần này đặt ra cho tất cả chúng ta, những người có trách nhiệm, các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý, cộng đồng tìm ra nguyên nhân, giải pháp để khắc phục thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, ngày càng khó lường.
Kỹ sư Bùi Đình Dũng - Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng thông tin: Theo PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), có 2 khả năng để lý giải về hiện tượng lũ quét, sạt lở đất.
Thứ nhất, sự tương tác liên quan đến trái đất và mặt trời, sẽ khiến nhiệt độ, độ ẩm về ban đêm chênh lệch ban ngày, điều này liên quan trực tiếp đến áp lực nước lỗ rỗng trong đất. Khi thay đổi từ trạng thái ngày, đêm khiến áp lực lỗ rỗng thay đổi tác động đến cường suất trong khu vực địa hình sườn dốc sẽ kích thích sạt, trượt lở đất.
Khả năng thứ hai: Có khả năng xảy ra sạt lở đất đá nhiều hơn khi một sườn dốc bị bão hòa nước. Qua các vụ sạt lở đất các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam thì những khu vực này đã mưa quá nhiều, mưa lớn dai dẳng trong nhiều ngày. Đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở.
Qua phân tích nguyên nhân, kỹ sư Bùi Đình Dũng cho rằng, ứng phó với với trượt lở, lũ quét là những hiện tượng thiên tai xảy ra bất kỳ, đột ngột thì giải pháp cơ bản là cảnh báo. Với một địa điểm cụ thể có nguy cơ trượt lở, lũ quét cao và đã bắt đầu có những dấu hiệu sắp sửa xảy ra, với một số vị trí quan trọng như một trung tâm dân cư lớn, một cơ sở hạ tầng thiết yếu thì người ta có thể lắp đặt các thiết bị quan trắc, có thể dự báo được khá chính xác thời điểm xảy ra trượt lở.
Tuy nhiên, việc này thường đắt tiền, đòi hỏi công nghệ cao và chỉ một số quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... mới hay làm và chỉ làm ở một số rất ít vị trí thiết yếu. Còn phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới ũng làm giống như Việt Nam, họ đều sử dụng các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở đất.
Trong khi đó, Ths. Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho rằng, trong quá trình quy hoạch, xây dựng công trình nói chung, công trình giao thông nói riêng, cần chú trọng đến công tác quy hoạch; nâng cao năng lực dự báo, tiên lượng, tích hợp toàn diện các kiến thức (địa chất, thủy văn, thủy lực, kết cấu, kinh tế xã hội, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, an ninh quốc phòng...), tránh hiện tượng quy hoạch nhưng chỉ nhìn phiến diện dưới một góc độ nào đó, như quỹ đất, vận tải...
Về khảo sát, thiết kế công trình, theo ông Lê Anh Tuấn cần hướng tới các công trình thân thiện môi trường, bám sát điều kiện tự nhiên, tránh đào sâu, đắp cao, phá vỡ cấu trúc, trạng thái ổn định tự nhiên.
Nâng cao hiệu quả cảnh báo
Ông Hoàng Anh Tuấn (Ban Công nghệ thông tin và Đổi mới sáng tạo, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị, thuộc Tổng hội xây dựng Việt Nam) cho biết: Nguyên nhân chính được các nhà khoa học liệt kê có liên quan tới tình trạng sạt lở tại miền Trung chủ yếu là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở. Chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài, tất yếu dẫn đến trượt lở và lũ quét.
Ngoài nguyên nhân kể trên thì khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dầy, giàu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều về chất. Các hoạt động dân sinh cả theo quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc..., cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.
Để cảnh báo sớm và phòng chống lũ quét, sạt lở đất, theo ông Tuấn, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp đã được thực hiện tại Việt Nam như sau: Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm là sự kết hợp của nhiều thiết bị như thiết bị đo mưa, camera cảm biến hồng ngoại, cảm biến chấn rung, cảm biến căng kế, cảm biến đo mực nước bằng rađa, và trạm thu thập xử lý dữ liệu quan trắc. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất.
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Quang - Trung tâm Tin học và Tính toán - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Hiện nay tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình hầu như không có hệ thống đo đạc và giám sát các mái dốc (cũng là nơi bắt nguồn của sạt lở và lũ bùn đá) để đưa ra cảnh báo thiên tai vì các kỹ thuật hiện có rất phức tạp và đắt tiền.
Tại các tỉnh thành, khu vực thường hay sạt lở và lũ bùn đá nên cần lắp đặt một hệ thống đo đạc và giám sát dựa trên công nghệ mới nhất tích hợp cảm biến đo áp lực nước lỗ rỗng, đo phát xạ âm, quán tính, mạng diện rộng năng lượng thấp, trí tuệ nhân tạo trên vi xử lý siêu tiết kiệm năng lượng, hiệu quả để phát hiện các chuyển động của mái dốc và lũ bùn đá để thông báo, báo động.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, bên cạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác cảnh báo thiên tai thì cần phải áp dụng kinh nghiệm sống của người dân địa phương, bởi không thể tách rời cộng đồng. Đối với khu vực miền núi, các công trình công cộng cần phải nghiên cứu, tích hợp được công năng ứng phó thiên tai…
Năm 2020, các tỉnh miền Trung gánh chịu hậu quả rất nặng nề do những trận ngập lụt, bão và sạt lở đất kỷ lục. Tại Quảng Nam, lũ quét, sạt lở đất làm 43 người chết, 17 người mất tích. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ở Quảng Nam năm 2020 là 11 ngàn tỷ đồng. Tại Quảng Trị, sạt lở núi xảy ra ở nơi đóng doanh trại của Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4; xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) đã vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ.
Tại Thừa Thiên Huế, khu vực tuyến đường 71- huyện Phong Điền, nhiều điểm sạt lở lớn cũng đã xuất hiện, ngay cả những nơi tưởng chừng như an toàn tuyệt đối như tại điểm 67- kiểm lâm (nhà trạm đã hoạt động trên 17 năm), gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân; 30 cán bộ, chiến sĩ, người dân đã hy sinh, mất mát.