Tìm nhà đầu tư nội cho cao tốc Bắc-Nam: Trao cơ hội phát triển nội lực
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Ðông được xác định là trọng điểm quốc gia, có vai trò chiến lược về nhiều mặt. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối từ địa đầu Lạng Sơn tới đất mũi Cà Mau, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Ðặc biệt, với việc Bộ GTVT chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt tham gia để lớn mạnh.
Thay đổi chiến lược
Quyết định hủy thầu quốc tế tìm nhà đầu tư BOT cho 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Ðông giai đoạn 2017-2020, chuyển sang chào thầu trong nước của Bộ GTVT lập tức nhận được sự ủng hộ của dư luận và các DN trong nước. Tuy nhiên, từ tầm chiến lược quốc gia, quyết định của Bộ GTVT được đánh giá là dũng cảm, vì cái chung, “không cố đấm ăn xôi”.
Chấp nhận tạm thời bỏ qua dòng vốn nước ngoài trong bối cảnh ngân sách khó khăn, vốn tín dụng trong nước có giới hạn, Bộ GTVT đã lựa chọn vì những lợi ích chiến lược hơn. Ðó là lựa chọn vì đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ðặc biệt, để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia đầu tư dự án, nâng cao năng lực xây dựng. Vì nếu đấu thầu quốc tế, các DN Việt yếu thế hơn rất nhiều so với nhà đầu tư nước ngoài cả về vốn lẫn kinh nghiệm làm các công trình lớn.
Về phía DN, Chủ tịch HÐQT Cty CP Tasco Phạm Quang Dũng thể hiện rõ vui mừng và ủng hộ quyết định của Bộ GTVT. Vì nếu chào thầu quốc tế, DN trong nước lép về cả về năng lực kinh nghiệm lẫn tài chính so với DN nước ngoài.
Thực tế số lượng DN nước ngoài nộp hồ sơ tham gia sở tuyển áp đảo DN trong nước đã chứng minh điều này. Doanh nhân có nhiều dự án BOT giao thông này cho rằng, về năng lực xây dựng, DN trong nước tự tin làm được cao tốc, đặc biệt khi toàn tuyến đã được nhà nước ban giao mặt bằng sạch. Vì với các công trình giao thông lâu nay, mặt bằng luôn là khó khăn nhất với nhà đầu tư.
Về tài chính, dù với DN Việt không dễ, nhưng ông Dũng tin vẫn có hướng giải quyết, nếu các DN liên kết lại, cùng với việc phân kỳ đầu tư, ưu tiên làm trước các đoạn có nhu cầu cao, và nhà nước có cơ chế chính sách về dòng vốn, giảm điều kiện năng lực để nhiều DN cùng tham gia…
Tự cường dân tộc
Bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của Bộ GTVT, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tin DN Việt đủ sức làm cao tốc Bắc – Nam, miễn có các điều kiện hợp lý và thời gian để DN bàn bạc, liên kết. Bên cạnh sự tin tưởng vào DN nội, bà Chi Lan cũng mong các DN được trao cơ hội hãy cố gắng, tích cực, xem đây là vấn đề của đất nước, lòng tự tôn, tự cường dân tộc, không chỉ câu chuyện lợi ích kinh doanh. Khó khăn về vốn, theo chuyên gia này, có thể giải quyết qua các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, hay tạo niềm tin để huy động tiền trong dân.
“Với tinh thần yêu nước, người Việt sẵn sàng mua trái phiếu dự án, nhưng nhà đầu tư phải có năng lực, trách nhiệm để người dân tin và gửi gắm. Cần tránh tình trạng mập mờ như các dự án BOT giao thông thời gian qua, làm mất niềm tin của người dân”, bà Chi Lan nói.
Ngoài ra, bà cũng lưu ý cơ quan nhà nước có biện pháp ngăn chặn tình trạng DN đứng tên Việt Nam, hay DN nước ngoài đầu tư lập pháp nhân ở Việt Nam để tham gia đấu thầu, nhưng về bản chất vốn và công nghệ của nước ngoài.
Ðể tạo điều kiện cho DN nội còn khó khăn về vốn, PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng Khoa Quản lý Giao thông, Ðại học Bách khoa TPHCM) gợi ý, Bộ GTVT nên phân kỳ đầu tư. Lựa chọn làm trước các đoạn có nhu câu lớn trước, đoạn chưa cần để sau. Cách này giúp các DN nội cùng hợp lực làm từng đoạn, không bị vượt sức, dàn trải.
Ngoài ra, ưu tiên DN nội nhưng cần giải pháp ngăn chặn tình trạng “tay không bắt giặc”, “sân sau”, “nhóm lợi ích”, mua bán thầu… như đã xảy ra với một số dự án giao thông thời gian qua. “Nếu áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, các DN Việt sẽ đủ sức đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam hoàn chỉnh, thay vì đi tìm nguồn lực từ nước ngoài, trong khi trong nước đang thiếu việc làm”, ông Mai nói.
Vì nội lực nhưng không hạ tiêu chí
Về những thay đổi khi chào thầu trong nước, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, tiến độ triển khai dự án có thể chậm lại đôi chút. Tuy nhiên, về quy trình, thủ tục và một số tiêu chí năng lực nhà đầu tư vẫn không thay đổi. Một số tiêu chí sẽ không hạ để đảm bảo về tiến độ, chất lượng dự án, năng lực nhà đầu tư, như: Không giảm tiêu chí về vốn tự có của nhà đầu tư (tối thiểu bằng 20% tổng vốn dự án tham gia đấu thầu); Chính phủ không bảo lãnh khoản vay và doanh thu tối thiểu, tức nhà đầu tư “lời ăn – lỗ chịu”. Ðồng thời không chia nhỏ dự án, 8 đoạn đầu tư BOT vẫn giữ nguyên…
Trường hợp đoạn cao tốc nào không tìm được nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển sang đầu tư công. Sẽ không có chuyện chỉ định nhà đầu tư.
Bộ GTVT sẽ nghiên cứu điều chỉnh giảm một số tiêu chí về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư, các tiêu chí cụ thể đang được Bộ GTVT bàn thảo với Bộ KH&ÐT. Bộ GTVT cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tín dụng của các ngân hàng cho vay với 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam…
Sau khi mời sơ tuyển quốc tế tìm nhà đầu tư 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển. Tuy nhiên, qua đánh giá hồ sơ, có tới 4/8 đoạn dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư, 1 dự án có 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư. Số lượng nhà đầu tư qua sơ tuyển thấp, nên không đảm bảo tính cạnh tranh. Các đoạn cao tốc Bắc - Nam kêu gọi đầu tư BOT gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.